Marketing là gì ? Nắm rõ các thuật ngữ cơ bản về marketing

0
1652

Bạn có tin rằng, một ngày của mình từ khi thức dậy cho đến lúc lên giường đi ngủ đều bị tác động của marketing từ tất cả mọi thứ xung quanh không. Marketing là một khái niệm mà ai cũng từng nghe qua nhưng mỗi người lại có một cách hiểu riêng. Vậy, marketing là gì, những thuật ngữ marketing nào mà bạn cần phải nắm rõ, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Marketing là gì? Một khái niệm rộng lớn

Cho đến nay về học thuật vẫn tồn tại rất nhiều định nghĩa về marketing khác nau tùy theo quan điểm nghiên cứu. Marketing là danh động từ của “market” (thị trường) với nghĩa là làm thị trường. Chúng ta cùng xem xét một số khái niệm marketing nổi tiếng sau đây.

Hiệp hội Marketing Mỹ (American Marketing Association, AMA) cho định nghĩa sau: “Marketing là một nhiệm vụ trong cơ cấu tổ chức và là một tập hợp các tiến trình để nhằm tạo ra, trao đổi, truyền tải các giá trị đến các khách hàng, và nhằm quản lý quan hệ khách hàng bằng những cách khác nhau để mang về lợi ích cho tổ chức và các thành viên trong hội đồng cổ đông”

Với Philip Kotler – cha đẻ của marketing hiện đại định nghĩa marketing là gì lại được hiểu là một dạng hoạt động của con người nhằm thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn của họ thông qua trao đổi.

marketing la gi

Một số khái niệm Marketing bạn cần phải nắm rõ

Trao đổi

Marketing không thể tách rời hoạt động trao đổi hay trao đổi là điều kiện cần cho hoạt động marketing. Trao đổi là hành động tiếp nhận một thứ mong muốn từ một người nào đó bằng cách đưa cho họ một thứ khác. Trao đổi là phương pháp giúp doanh nghiệp có thể đạt được lợi ích của mình dựa trên quan hệ bình đẳng và đảm bảo lợi ích của khách hàng. Để một trao đổi tồn tại cần phải có các điều kiện sau:

  • Có hai hoặc nhiều bên với những nhu cầu chưa được thỏa mãn.
  • Các bên đều có mong muốn và khả năng thỏa mãn nhu cầu đó.
  • Các bên có thể trao đổi thông tin cho nhau.
  • Mỗi bên đều có những thứ có thể trao đổi (có giá trị với bên kia) 

Trao đổi là một hoạt động đầy phức tạp của con người, là hành vi riêng có của con người, điều mà không bao giờ có được trong thế giới loài vật. Theo Adma, Smith, “con người có một thiên hướng tự nhiên trong việc hoán vật, giao dịch, trao thứ này để lấy thứ khác”.

Nhu cầu thị trường

Nhu cầu tự nhiên (Need) của con người là một trạng thái cảm giác thiếu hụt một sự thoả mãn cơ bản nào đó. Người ta cần có thức ăn, quần áo, nơi ở, sự an toàn, của cải, sự quý trọng và một vài thứ khác nữa để tồn tại. Những nhu cầu này không phải do xã hội hay những người làm marketing tạo ra. Chúng tồn tại như một bộ phận cấu thành cơ thể con người và nhân thân con người

Mong muốn (Want)  là sự ao ước có được những thứ cụ thể để thoả mãn những nhu cầu sâu xa hơn đó. Ví dụ: một người có nhu cầu thức uống và mong muốn có món trà sữa hoặc “con cọp”, có nhu cầu về quần áo và mong muốn có bộ đồ Cholon hoặc Zara, có nhu cầu về sự hấp dẫn và mong muốn có vòng ngực 90 hoặc vòng eo 56…Mặc dù nhu cầu của con người thì ít, nhưng mong muốn thì nhiều.

Nhu cầu có khả năng thanh toán (Demand) Nhu cầu của con người là những mong muốn kèm thêm điều kiện có khả năng thanh toán. Các mong muốn sẽ trở thành nhu cầu khi được đảm bảo bởi sức mua.

Con người không bị giới hạn bởi mong muốn mà bị giới hạn bởi khả năng thỏa mãn ước muốn. Rất nhiều người cùng mong muốn một sản phẩm, nhưng chỉ số ít là thỏa mãn được nhờ khả năng thanh toán của họ. Do vậy, trong hoạt động marketing, các doanh nghiệp phải đo lường được không chỉ bao nhiêu người mua sản phẩm của mình, mà quan trọng hơn là bao nhiêu người có khả năng và thuận lòng mua chúng.

Thị trường (Market) 

Bao gồm tất cả các khách hàng hiện tại và tiềm ẩn cùng có một nhu cầu hay mong muốn cụ thể, sẵn sàng và có khả năng tham gia trao đổi để thỏa mãn nhu cầu hay mong muốn đó. Như vậy quy mô của thị trường phụ thuộc vào một số người có nhu cầu và có những tài nguyên được người khác quan tâm, và sẵn sàng đem lại những tài nguyên đó để đổi lấy cái mà họ mong muốn.

Các nhà kinh tế sử dụng thuật ngữ thị trường để chỉ một tập thể những người mua và người bán giao dịch với nhau vể một sản phẩm hay một lớp sản phẩm cụ thể, như thị trường nhà đất, thị trường ngũ cốc…Tuy nhiên, những người làm marketing lại coi người bán họp thành ngành sản xuất, coi người mua họp thành thị trường.

Marketing mix

Marketing mix hay còn gọi là Marketing hỗn hợp chỉ tập hợp các công cụ tiếp thị được doanh nghiệp sử dụng để đạt được mục tiêu tiếp thị trên thị trường. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1953 bởi Neil Borden, là chủ tịch của hiệp hội Marketing Hoa Kỳ lấy ý tưởng công thức thêm một bước nữa và đặt ra thuật ngữ Marketing hỗn hợp. 

marketing là gì marketing mix

Marketing mix vốn được phân loại theo mô hình 4P gồm có: Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (phân phối), Promotion (xúc tiến) được sử dụng trong hoạt động Marketing hàng hóa. Theo thời gian, mô hình này được phát triển thành 7Ps theo sự phức tạp và cải tiến của marketing hiện đại. Các chuyên gia marketing đã đưa ra 3P bổ sung khác là Process (quy trình), People (con người), và Physical Evidence (bằng chứng vật lý) tăng cường sức mạnh cho hoạt động Marketing khi sản phẩm không còn dừng lại ở hàng hóa hữu hình mà còn là những dịch vụ vô hình.

Tại sao phải làm Marketing 

Marketing ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu cạnh tranh khốc liệt. Marketing đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ giữa khách hàng và các tổ chức cung cấp cho thị trường. Nó giúp làm hài lòng các khách hàng bằng sản phẩm của doanh nghiệp qua quá trình nghiên cứu Marketing, xây dựng, thử nghiệm sản phẩm dựa trên nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Đồng thời, nhờ chức năng truyền thông được thực hiện qua việc quảng cáo, PR,… Marketing còn đóng vai trò cung cấp các thông tin đến các khách hàng, là cơ sở chọn lựa của khách hàng. Quá trình tìm hiểu nhu cầu khách hàng và chăm sóc khách hàng của bộ phận Marketing còn đóng vai trò thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Quảng bá rộng rãi tên tuổi

Hiện nay, theo xu hướng hiện đại hóa các lĩnh vực công nghệ, khi sự phổ biến của mạng xã hội và internet ngày một nhân rộng, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường cũng ngày càng gay gắt hơn. Có một chiến dịch marketing tốt sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực và ưu thế của mình để tiếp cận khách hàng, quảng bá rộng rãi tên tuổi, tăng tỷ lệ cạnh tranh.

Thu hút nhiều khách hàng

Khi tên tuổi ngày càng được quảng bá rộng rãi và tiếp xúc nhiều với khách hàng mục tiêu hơn, điều đương nhiên là doanh nghiệp sẽ thu hút được ngày càng nhiều khách hàng mua hàng, từ đó tăng doanh số, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Giúp doanh nghiệp vững vàng hơn trên thị trường

Bên cạnh đó, việc thu hút được nhiều khách hàng cũng là một điểm nhấn khẳng định về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ cũng như tạo cho doanh nghiệp một chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Lợi ích về mặt doanh số cũng là tiền đề giúp doanh nghiệp đầu tư hơn về cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô và từng bước phát triển thành một doanh nghiệp lớn.

Các quan điểm Marketing 

Quan điểm hướng về sản xuất: Quan điểm hướng về sản xuất cho rằng khách hàng sẽ ưa thích nhiều sản phẩm giá phải chăng được bán rộng rãi. Do vậy, doanh nghiệp cần phải mở rộng quy mô sản xuất và mở rộng phạm vi phân phối.

Quan điểm hoàn thiện sản phẩm: Quan niệm hoàn thiện sản phẩm cho rằng người tiêu dùng ưa thích những sản phẩm có chất lượng cao nhất, có tính năng sử dụng tốt nhất. Từ đó, doanh nghiệp cần phải nỗ lực hoàn thiện sản phẩm không ngừng.

Quan điểm hướng về bán hàng: Quan điểm hướng về bán hàng cho rằng khách hàng hay ngần ngại, chần chừ trong việc mua sắm hàng hoá. Do vậy, doanh nghiệp phải nỗ lực thúc đẩy bán hàng thì mới thành công.

Quan điểm hướng về khách hàng: Quan điểm hướng về khách hàng khẳng định rằng để thành công doanh nghiệp phải xác định chính xác nhu cầu và mong muốn của thị trường mục tiêu, đồng thời có thể thoả mãn các nhu cầu mong muốn đó sao cho có hiệu quả hơn các đối thủ cạnh tranh.

Quan điểm Marketing đạo đức xã hội: Đây là quan điểm xuất hiện gần đây nhất. Quan điểm này đòi hỏi phải kết hợp hài hoà giữa 3 lợi ích khách hàng nhau: lợi ích khách hàng, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích xã hội. Sản phẩm của các doanh nghiệp phải giúp cho cộng đồng cải thiện chất lượng cuộc sống, chứ không chỉ đơn thuần là đời sống vật chất.

 

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here