3 yếu tố quan trọng đối với startup thương mại điện tử khi xây dựng chiến lược SEO

0
1119

Trong số rất nhiều yếu tố tạo ra chiến lược SEO hiệu quả cho một website thương mại điện tử, có ba yếu tố mà mọi startup đều cần phải làm đúng nếu muốn gia tăng lượt truy cập.

Thương mại điện tử đang thay đổi cách con người tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Các nhà bán lẻ và người tiêu dùng không còn bị giới hạn trong phạm vi địa lý, dịch vụ vận chuyển hay bất cứ yếu tố truyền thống nào khi muốn mua sắm một sản phẩm. Giờ đây, mọi người có thể mua bất cứ điều gì họ muốn, ngay tại phòng làm việc và sản phẩm được giao đến tận cửa chỉ trong vài giờ.

Trong bối cảnh đó, khởi nghiệp ở mảng thương mại điện tử là một lĩnh vực có thể mang đến lợi nhuận lớn. Nếu thành công, bạn có thể có được một khoản thu lớn hơn mức độ cần đầu tư rất nhiều. Tuy vậy, có hàng trăm, hàng ngàn (thậm chí nhiều hơn) cá nhân đang cũng có cùng ý định này.

Trong số rất rất nhiều yếu tố tạo ra chiến lược SEO hiệu quả cho một website thương mại điện tử, có ba yếu tố mà mọi startup đều cần phải làm đúng nếu muốn gia tăng lượt truy cập, đó là nhận định của Manish Dudharejia – Chủ tịch, Sáng lập E2M Solutions. Dudharejiaam là một chuyên gia có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế website và xây dựng chiến lược SEO thương mại điện tử tại Mỹ. Trong bài viết trên trang E27, Dudharejiaam chia sẻ 3 yếu tố ấy là:

1. Áp dụng chiến lược xây dựng liên kết chất lượng

Bạn có thể tạo dựng một nền tảng thương mại điện tử tốt nhất trên thị trường. Nhưng nếu bạn muốn mọi người biết đến sự tồn tại của website này, bạn cần phải phát triển một chiến lược SEO hiệu quả.

Ngày nay, khi nhắc đến cụm từ SEO, từ khóa tìm kiếm là một trong những yếu tố phổ biến đầu tiên sẽ xuất hiện trong cuộc thảo luận chiến lược SEO. Song, xây dựng liên kết (link building) cũng là một yếu tố quan trọng tương đương. Một vài chuyên gia SEO thậm chí còn xem chiến lược xây dựng liên kết quan trọng hơn cả từ khóa tìm kiếm. Hiểu được tác dụng cũng những đường link dẫn về và thoát khỏi website, cũng như cách thức sử dụng các đường link này để tạo lợi thế cho website của công ty có thể là một thử thách khi xây dựng chiến lược SEO.

Mục tiêu chính của xây dựng liên kết chính là thuyết phục các website uy tín dẫn link về nội dung trên website của bạn. Có được càng nhiều link chất lượng, thì tên miền của bạn sẽ càng nâng cao uy tín. Độ uy tín của tên miền được đo theo thang 1-100 nhằm đánh giá mức độ tin tưởng về website của bạn trong “con mắt” của các công cụ tìm kiếm.

Ở đây, điều quan trọng nhất cần nhớ về xây dựng liên kết chính là chất lượng quan trọng hơn số lượng. Các công cụ tìm kiếm đánh giá mức độ liên quan của các yếu tố trong một trang web. Vì vậy, đừng chấp nhận bất cứ hay tất cả các liên kết từ nhiều nguồn khác nhau, vì điều này rất có thể gây nguy hại đến vị trí xếp hạng của website công ty bạn. Ví dụ, nếu bạn là một website thương mại điện tử bán các dụng cụ cắm trại, có liên kết với một website bán thực phẩm chức năng giúp giảm cân thì trong mắt các công cụ tìm kiếm, liên kết này không liên quan đến nhau.

Vậy làm sao để có được những liên kết chất lượng cho website thương mại điện tử của công ty?

Với các startup, bạn cần có một website xứng đáng để các trang uy tín liên kết cùng. Nền tảng thương mại điện tử của bạn cần hấp dẫn và có nhiều nội dung hữu ích. Để bắt đầu, bạn nên có kế hoạch sản xuất liên tục các nội dung chất lượng, cung cấp các thông tin giá trị và thực tiễn liên quan đến lĩnh vực kinh doanh. Từ đây, bạn có thể nâng cấp dần website của mình thông qua xây dựng các liên kết với những website uy tín khác.

Trong quá trình tìm kiếm đối tác xây dựng liên kết, hãy bắt đầu từ những người bạn biết. Đây có thể là bạn bè, đối tác, nhà cung ứng, nhà bán lẻ, nhà sản xuất, v.v… Hãy mở lời xem họ có sẵn lòng chèn link nội dung của bạn vào website của họ không.

Tiếp đến, hãy cố kết nối với các blooger và những cá nhân có sức ảnh hưởng trong ngành mà bạn kinh doanh. Hãy thể hiện rõ cách những nội dung trên website của bạn sẽ hữu ích với người theo dõi, bạn đọc của họ ra sao. Bạn cũng có thể tìm hiểu trước xem website của họ có chấp nhận những bài viết từ đối tác khác không. Nếu có, bạn có thể liên kết đăng tải những bài viết chất lượng trên website của họ và dẫn link ngược về website của bạn.

Trên thực tế, sẽ có nhiều cách khác có thể giúp bạn xây dựng liên kết chất lượng về website thương mại điện tử của công ty. Song, điều quan trọng bạn cần chú ý là kiểm tra những kết nối này thường xuyên để xóa đi những kết nối bị hỏng hoặc các trang website độc hại khác.

2. Thấu hiểu giá trị của quản lý nhận xét từ khách hàng

Nếu bạn đã từng mua hàng trực tuyến thì chắc chắn đã ít nhất một lần bạn biết đến mục nhận xét sản phẩm, dịch vụ sau khi sử dụng. Phần nhận xét sản phẩm là vùng nguy hiểm trên các trang bán hàng ngày nay. Theo nghiên cứu của ReviewTrackers, 4/10 người tiêu dùng lọc tìm kiếm của họ thông qua số sao được chấm cho từng sản phẩm.

Khuyến khích khách hàng để lại những nhận xét là điều cần được đặt ở mức ưu tiên cao trong danh sách các điều cần làm khi xây dựng website thương mại điện tử. Điều quan trọng cần lưu ý chính là khái niệm nhận xét của khách hàng đã thay đổi rất nhiều chỉ trong vài năm trở lại đây. Chìa khóa để website thăng hạng là những nhật xét đặc trưng.

Người tiêu dùng có thể ngay lập tức nhận ra một nhận xét ảo hoặc tự động điền bởi các phần mềm máy tính. Mục tiêu của những nhận xét khách hàng chính là cung cấp những thông tin hữu ích, xác thực từ người thật việc thật. Vì vậy, website của bạn có thể trở nên nổi bật bằng cách thuê một đơn vị thứ ba làm nhiệm vụ rà soát và đưa những nhận xét chất lượng trên hiển thị đầu tiên.

Trước hết, bạn cần đảm bảo rằng chương trình quản lý nhận xét ấy được chứng nhận bởi Google Review Partner và có thể được tích hợp vào các trang sản phẩm của bạn. Điều này đồng nghĩa rằng tất cả các công cụ tìm kiếm mạnh trên thị trường có thể nhìn thấy nội dung đăng tải trên nền tảng bán hàng của bạn là riêng biệt và uy tín – điều này sẽ tạo ra tác động tích cực đến chiến lược SEO của bạn.

Tiếp đến, bạn sẽ cần chọn một nền tảng mở cho phép bạn gửi đi các lời mời khách hàng để lại nhận xét. Trong khi phần lớn người dùng không có nhu cầu viết nhận xét sau khi sử dụng sản phẩm hay dịch vị, thì các nghiên cứu cho thấy, 7/10 người trong số này có thể sẽ viết nhận xét nếu họ nhận được lời mời từ công ty.

Ngoài ra, bạn cũng có thể yên tâm rằng không phải lời chê nào từ phía khách hàng cũng là xấu. Nếu người tiêu dùng lướt qua trang bán hàng của bạn mà chỉ toàn đọc được những nhận xét tròn trịa, khen ngợi, thì họ sẽ có cảm giác bạn thuê người viết nhận xét hoặc xóa đi những nhận xét tiêu cực. Bên cạnh đó, phản hồi lại những nhận xét tiêu cực trên trang website chính thức là một cơ hội để bạn cho mọi người thấy rằng doanh nghiệp của bạn trân trọng ý kiến của khách hàng và luôn nỗ lực để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.

3. Xây dựng nội dung đáp ứng tính năng tìm kiếm bằng giọng nói

Đến năm 2020, ước tính có gần một nửa lượng tìm kiếm sẽ được thực hiện qua giọng nói.

Trong nhiều thập niên qua, tìm kiếm bằng giọng nói đang dần trở thành một xu hướng nổi bật. Theo eMarketer, xu hướng này chưa có dấu hiệu giảm đi, trong tất cả các nhóm tuổi. Đến năm 2020, ước tính có gần một nửa lượng tìm kiếm sẽ được thực hiện qua giọng nói. Vì vậy, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm bằng giọng nói trên trang bán hàng của bạn là điều nên làm từ bây giờ.

Khi bạn tối ưu hóa các trang đáp ứng với tìm kiếm bằng giọng nói, có vài điều cần thiết phải nhớ như sau.

Các cụm từ tìm kiếm bằng giọng nói thường dài hơn các cụm từ tìm kiếm bằng ký tự. Vì vậy, bạn cần quan tâm đến phát triển những từ khóa dài trong chiến lược từ khóa của bạn.

Kế tiếp, tìm kiếm bằng giọng nói thường thể hiện dưới dạng thức câu hỏi, truy vấn thông tin. Một sai lầm lớn mà nhiều trang thương mại điện tử gặp phải khi biên soạn nội dung cho website chính là dự vào những từ khóa chỉ liên quan đến mô tả sản phẩm hay dịch vụ của họ. Trong thế giới của tìm kiếm bằng giọng nói, nội dung bạn tạo ra cần được viết theo cách trả lời cho nhiều dạng câu hỏi phổ biến mà khách hàng thường hỏi về sản phẩm, dịch vụ của bạn

Ví dụ với website bán dụng cụ cắm trại, giả sử một trong những danh mục sản phẩm của bạn là bán túi ngủ trong thời tiết lạnh giá. Thay vì tìm kiếm túi ngủ cho nhiệt độ – 30C, một khách hàng tiềm năng có thể nói với công cụ tìm kiếm rằng: “Túi ngủ nào tốt để đi leo núi ở Canada trong mùa đông?”. Vì vậy, sẽ thông minh hơn nếu bạn chèn một dòng như sau vào phần mô tả sản phẩm như: “túi ngủ lý tưởng để leo núi ở Canada vào mùa đông!”

Sau cùng, tìm kiếm bằng giọng nói có đặc tính như các cuộc trò chuyện tự nhiên. Vì vậy, nội dung xuyên suốt trang thương mại điện tử của bạn cần mang tính trò chuyện, với những cụm từ hội thoại phổ biến trong cuộc sống thường nhật. Trước khi đăng tải bất cứ điều gì, bạn cần kiểm tra xem nội dung ấy đọc lên nghe có vẻ tự nhiên hay không.

Tìm kiếm bằng giọng nói không phải chỉ là một xu hướng phù phiếm, xuất hiện rồi biến mất, mà đây là một tính năng dần đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật của người tiêu dùng. Cả những trang thương mại trực tuyến mới lẫn lâu đời thì đều cần điều chỉnh để đáp ứng tính năng này, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here