Vì sao IoT chưa thể “cất cánh” như dự đoán?

0
741

IoT là một công nghệ tiên tiến nhưng lại được triển khai khá chậm chạp vì nhiều khó khăn gặp phải như chi phí đầu tư, thời gian, nhân lực.

Chúng ta đang sống trong thời đại kĩ thuật số, xu hướng công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh. Một trong số đó chính là lĩnh vực Internet vạn vật (IoT).

Tuy nhiên, tốc độ xâm nhập của IoT vào cuộc sống lại tỏ ra khá chậm chạp. Dưới đây là ý kiến của ReadWrite về những lý do cản trợ sự phát triển của IoT.

Tốn nhiều thời gian và tiền bạc

Khi công nghệ mới xuất hiện, các công ty, đặc biệt là công ty lớn luôn chạy đua để trở thành người đầu tiên ứng dụng, phát triển công nghệ nhằm đạt được kết quả cao hơn trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Nhưng với IoT, muốn công nghệ này thực sự đi vào cuộc sống thì kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải có khả năng ứng dụng vào việc kinh doanh.

Tuy nhiên, IoT lại có giá thành không hề rẻ. Phần lớn các công ty không sẵn sàng đầu tư tài chính cho các dự án như vậy. Ngay cả khi không bận tâm đến chi phí, thời gian cũng lại là một vấn đề khác.

Doanh nghiệp sẽ mất một khoản thời gian không hề ngắn để tìm hiểu cách phát triển IoT vì nó không đơn giản. Nếu có điều gì mà các doanh nghiệp không thể bỏ ra, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, thì chắc chắn là thời gian.

Khó nhận ra lợi ích

Một điều mà các công ty đều làm chính là nghiên cứu đối thủ cạnh tranh của họ. Đây chính là yếu tố tiên quyết nếu muốn thành công. Khi nói đến IoT, vẫn còn rất thiếu các mô hình thành công với công nghệ này ở các doanh nghiệp nhỏ.

Mọi người có thể kể những điều tuyệt vời về IoT nhưng lại khó đưa ra bằng chứng cụ thể về việc ứng dụng thành công nó, mang lại lợi ích thực sự.

Thiếu các tiêu chuẩn chung

Hiện tại chưa có một tiêu chuẩn thống nhất nào dành cho dự án IoT. Vì vậy nếu một doanh nghiệp có ý định sử dụng thiết bị IoT để tạo ra sản phẩm, họ sẽ phải cân nhắc vấn đề này.

Tại sao cần phải có tiêu chuẩn chung? Bởi vì với công nghệ IoT, các thiết bị cần phải kết nối với nhau thông qua Internet. Chúng sẽ không thể liên lạc nếu hoạt động trên những tiêu chuẩn khác nhau.

Đó là lý do cần phải tạo ra các chuẩn mực, thậm chí về lâu về dài, cần phải tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Thiếu các chuyên gia hàng đầu

Trong các lĩnh vực đã phát triển, có một nguồn nhân lực khổng lồ tham gia hoạt động. Chẳng hạn như Inernet, hàng triệu nhà phát triển, thiết kế web đang làm việc hàng ngày, hàng giờ. Điều đó giúp cho công nghệ web phát triển nhanh chóng, dễ dàng tham gia, nắm bắt.

IoT là công nghệ mới, số lượng chuyên gia trong lĩnh vực này rất ít. Đây là lĩnh vực khó nắm bắt, tìm hiểu, vì vậy rất ít người mạo hiểm vào việc phát triển dự án.

Sự hạn chế trong nhân sự dẫn đến số lượng chuyên gia cao cấp càng hiếm hoi hơn, từ đó tác động ngược trở lại đối với chi phí và thời gian thực hiện dự án như đã nói ở trên.

Với những lý do này, quá trình phát triển Internet vạn vật ở phạm vi toàn cầu sẽ còn phải mất thêm một khoảng thời gian đáng kể nữa.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here