Từ Zero đến Zara

0
861

Sau thời gian râm ran trong giới mộ điệu thời trang về sự xuất hiện của mình, thương hiệu thời trang Zara đến từ Tây Ban Nha đã mở màn cho cuộc đổ bộ hoành tráng vào Việt Nam với cửa hàng 2 tầng, chiếm tổng diện tích hơn 2.400 m2 tại mặt tiền Trung tâm thương mại Vincom Center, TP.HCM.

Zara càng nổi tiếng hơn khi trên toàn cầu, ông chủ của tập đoàn Inditex, người sáng lập thương hiệu Zara, vừa vượt mặt Bill Gates để trở thành tỉ phú giàu nhất thế giới. Ngay trong ngày khai trương, Zara Việt Nam trở thành hiện tượng khi đạt doanh thu 5,5 tỉ đồng. Đây cũng con số hiếm thấy ở ngày khai trương của Zara trên thị trường thế giới.

“Quý cô” Zara

Trước đây, thương hiệu thời trang quốc tế ở Việt Nam không thiếu. Cao cấp có Gucci, Dior, Versace…, trung cấp có Mango, GAP… Nhưng chỉ đến khi Zara xuất hiện, một cơn sốt hiếm thấy trong thị trường thời gian Việt Nam. Lo ngại trước đây của ông Nguyễn Hữu Phụng, Tổng Giám đốc Công ty Thời trang Việt, khi 4 thương hiệu Zara, Uniqlo, H&M và Forever21 trực tiếp bán hàng tại Việt Nam sẽ làm thị trường nội địa trở nên cạnh tranh khốc liệt giờ đây đang thành hiện thực. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, H&M (Thụy Điển) cũng đang có kế hoạch vào Việt Nam và Uniqlo (Nhật) đang có động thái tiếp cận thị trường Việt Nam.

Theo nhận xét của ông Daniel Piette, Phó Giám đốc Điều hành Tập đoàn hàng hiệu cao cấp LVMH (sở hữu các thương hiệu Louis Vuitton, Fendi, Givenchy…), chiến lược kinh doanh của Zara và H&M từ lâu đã vượt qua ranh giới “bình dân” để trở thành những thương hiệu bán lẻ sáng tạo và hùng mạnh nhất thế giới. Năm 2015, doanh số của Inditex, công ty mẹ của Zara, đã lên đến 20,9 tỉ euro, trong đó hơn 13,6 tỉ euro được mang về từ Zara thông qua 2.162 cửa hàng mở tại 88 thị trường trên thế giới. Chỉ tại những nước mà pháp luật không cho phép, cửa hàng của Zara mới được mở bằng phương thức nhượng quyền, phần còn lại đều thuộc sở hữu trực tiếp của công ty mẹ Inditex. Zara Việt Nam thuộc chuỗi nhượng quyền của Mitra Adiperkasa (Indonesia) tại Việt Nam.

Theo một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard, khi hầu hết những thương hiệu lớn trên thế giới đều sản xuất ở những nước có nguồn nhân công giá rẻ thì Zara lại phá vỡ quy luật này. Zara tự thực hiện từ thiết kế, sản xuất đến phân phối để tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất. Hơn 50% sản phẩm của Zara được sản xuất ở nhà máy tại La Coruna, Tây Ban Nha vì ông chủ của thương hiệu này có quan điểm: chiến lược này dù có chi phí sản xuất cao hơn nhưng tốc độ đẩy hàng đến điểm bán sẽ sớm hơn và vì thế đồng nghĩa với lợi nhuận mang về nhanh, nhiều hơn, rút ngắn vòng quay sản phẩm. Nhờ vậy, tốc độ sáng tạo sản phẩm mới của Zara luôn dẫn đầu. Trong khi những thương hiệu của đối thủ ra đời 2.000-4.000 mẫu/năm, Zara trình làng mới khoảng 11.000 mẫu/năm. Ba tuần là thời gian để một thiết kế mới của Zara được lên mẫu và sẵn sàng để bán, so với tốc độ trung bình 6 tháng của ngành công nghiệp thời trang.

Nhưng có nhiều hơn một lý do để chỉ trong 40 năm, một thương hiệu thời trang Tây Ban Nha từ “zero” đã trở thành “zara”, cỗ máy bán hàng siêu cấp như hiện tại. Người tiêu dùng thế giới từ lâu đã quen với khái niệm “fast fashion” để chỉ thời trang “mì ăn liền”, công thức biến những trang phục đắt đỏ trên sàn diễn trở thành trang phục đại trà phục vụ cho số đông và đây là bí quyết thành công số 1 của Zara. Những quý cô yêu thời trang trên toàn thế giới giờ đây không còn phải thèm thuồng những bộ sưu tập mới của các hãng thời trang cao cấp. Bởi vì, những xu hướng mới nhất luôn được Zara cập nhật, đơn giản hóa thành thời trang đại chúng trong những bộ sưu tập mới của Zara, thường bán hết sạch chỉ trong 1 tháng.

Không ít lần Zara vướng vào những vụ kiện tụng về bản quyền thiết kế, nhưng thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới này vẫn vượt qua và chứng minh công thức thành công này là chiến lược chính xác. Đối tượng khách hàng của Zara không chỉ gồm những cô gái yêu thời trang có túi tiền eo hẹp, mà ngay cả giới chính trị gia, các ngôi sao hàng đầu cũng sở hữu không ít sản phẩm đến từ thương hiệu này. Dù yêu thích vẻ bụi bặm của GAP, vẻ “sang chảnh” của Prada hay cầu kỳ của Gucci, bất kỳ khách hàng nào cũng có thể tìm được một sản phẩm hợp ý tại các cửa hàng của Zara.

Các fan của thương hiệu này từ lâu đã nằm lòng thứ Hai và thứ Năm là các ngày mà thiết kế mới được lên kệ tại các cửa hàng Zara, còn trên hệ thống online là thứ Hai và thứ Tư. Zara không chi tiền cho quảng cáo mà dùng ngân sách này để mở cửa hàng ở những vị trí đắc địa hoặc gần những thương hiệu cao cấp để khẳng định tên tuổi và đem đến “cảm giác thượng lưu” cho khách hàng khi mua sắm tại những mặt bằng đẹp, lớn nhất ở những trung tâm mua sắm xa xỉ nhất. Một cửa hàng cỡ lớn của Inditex thường có diện tích lên đến 4.400 m2. Theo số liệu ghi nhận được, chỉ 0,3% doanh thu Zara chi cho quảng cáo, trong khi tỉ lệ trung bình ở những nhãn hàng khác là 3,5%.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here