Từ chuyện Samsung và hàng Việt

0
526

Từ góc nhìn của đa số người Việt Nam, việc coi sản phẩm của Công ty Samsung sản xuất tại Việt Nam là hàng của Việt Nam có vẻ hơi kỳ quặc.

Đa số đầu vào cho việc sản xuất sản phẩm của Samsung đều đến từ các nước khác. Phần đóng góp cho giá trị gia tăng của sản phẩm từ Việt Nam rất nhỏ.

Tuy nhiên, từ góc độ thương mại quốc tế, với yêu cầu phải chỉ rõ xuất xứ sản phẩm (country of origin) thì hàng của Samsung sản xuất tại Việt Nam hoàn toàn có thể ghi đó là mặt hàng có xuất xứ sản xuất từ Việt Nam. Đây là quy định trong thương mại quốc tế (công ước Kyoto) đối với hàng hóa được lắp ráp từ các linh kiện nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau. Quá trình lắp ráp, chuyển đổi cuối cùng (last substantial transformation) để tạo ra thành phẩm hoàn chỉnh diễn ra ở quốc gia nào thì quốc gia đó sẽ được ghi nhận là hàng hóa có xuất xứ từ đó.

Để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng, nhiều quốc gia yêu cầu các công ty đa quốc gia sử dụng “Made in…” (sản xuất tại…) cho các sản phẩm mà đa phần các linh kiện đầu vào cho quá trình lắp ráp được cung ứng từ chính quốc gia đó và “Assembled in…” (lắp ráp tại…) cho các sản phẩm mà đa phần các linh kiện đầu vào được nhập khẩu từ nước ngoài. Mỹ là quốc gia có quy định rất chi tiết và chặt chẽ về vấn đề này.

Với nhiều sản phẩm, bản thân các công ty đa quốc gia cũng thường chủ động thực hiện sự phân biệt này nếu họ thấy có lợi khi hàng hóa được lắp ráp ở các nước đang phát triển. Chẳng hạn, một chiếc điện thoại Samsung, có pin sản xuất tại Hàn Quốc, được đưa đến Trung Quốc hay Việt Nam lắp ráp thì trên cục pin sẽ được ghi là “Made in Korea, Assembled in…”.

Nhưng nếu công ty đa quốc gia thấy việc ghi này không có lợi cho mình, họ có thể đưa thêm các chỉ dấu khác như “Designed in…” (thiết kế tại…) bên cạnh “Made in…” hoặc “Assembled in…”. Chẳng hạn nhiều sản phẩm của Apple lắp ráp tại Trung Quốc sẽ được ghi là “Designed by Apple in California, Assembled in China”.

Có lẽ đã đến lúc Việt Nam cũng nên có quy định rõ ràng hơn hàng hóa nào thì được ghi là “Made in Vietnam” và hàng hóa nào thì ghi là “Assembled in Vietnam”. Sự phân biệt này sẽ có ý nghĩa cho việc phát triển và quảng bá các hàng hóa có chất lượng mà đa phần giá trị gia tăng của sản phẩm được tạo ra tại Việt Nam. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, về phương diện chính sách, chúng ta chỉ nên áp dụng sự phân biệt trên vì lợi ích của người tiêu dùng, kể cả trong nước lẫn nước ngoài, chứ không phải vì lợi ích của nhà sản xuất. Trong nhiều trường hợp thì lợi ích của người tiêu dùng đồng hành với lợi ích của người sản xuất, nhưng điều này không phải khi nào cũng đúng.

Chẳng hạn, đối với cuộc bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, chúng ta nên giới hạn chỉ bình chọn cho những hàng hóa đúng là “Made in Vietnam” chứ không phải là “Assembled in Vietnam”.

Có lẽ đã đến lúc Việt Nam cũng nên có quy định rõ ràng hơn hàng hóa nào thì được ghi là “Made in Vietnam” và hàng hóa nào thì ghi là “Assembled in Vietnam”.

Trong bối cảnh trình độ sản xuất của Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia khác thì đa phần các sản phẩm của các công ty đa quốc gia “Assembled in Vietnam” đều đã có thương hiệu trong khi hàng hóa “Made in Vietnam” thì chưa hẳn. Việc giới hạn bầu chọn cho các sản phẩm thực sự “Made in Vietnam” sẽ có ý nghĩa thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tạo ra được những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao hơn, được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm. Khi đã được kiểm chứng chất lượng bởi người tiêu dùng trong nước, hàng hóa “Made in Vietnam” này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tự tin hơn để mang ra nước ngoài cạnh tranh.

Nhưng sự phân biệt này sẽ có hại cho người tiêu dùng khi được sử dụng trong các phong trào mơ hồ. Các doanh nghiệp trong nước có xu hướng lợi dụng tinh thần dân tộc, thậm chí tinh thần địa phương chủ nghĩa, của người dân để kiếm lợi cho mình. Trường hợp một số địa phương như Hà Tĩnh hay Thanh Hóa “ép” cơ quan, cán bộ nhà nước ở địa phương dùng sản phẩm của địa phương là ví dụ điển hình của sự lợi dụng này.

Các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam không muốn hàng hóa của mình bị phân biệt đối xử theo hướng bất lợi cũng sẽ tìm cách vận động các cơ quan chính phủ đánh đồng các hàng hóa đơn thuần “Assembled in Vietnam” là “Made in Vietnam”. Sự đánh đồng này mang lại lợi ích cho nhà sản xuất nhưng chưa hẳn cho những người tiêu dùng có tinh thần dân tộc cao.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here