Tổng Giám đốc Lenovo Việt Nam: Bí quyết là sự đam mê

0
718

Khi Tập đoàn công nghệ Lenovo công bố việc bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Sơn làm Tổng Giám đốc Lenovo Việt Nam vào đầu năm 2013, ít ai biết được rằng chuyên ngành mà ông Sơn được đào tạo lại khác biệt với lĩnh vực CNTT.

Hơn 2 năm sau, thị phần máy tính cá nhân PC của Lenovo tại Việt Nam đang có mức tăng trưởng ổn định, góp phần vào thành công chung của Lenovo toàn cầu trong việc duy trì ngôi vị số 1 trong 2 năm liên tiếp. Xét cả năm tài chính 2014-2015 (kết thúc vào tháng 3.2015), Việt Nam cũng là một trong những thị trường mà Lenovo đạt thị phần cao kỷ lục với sản phẩm máy tính bảng. Lenovo cũng đã hoàn tất việc tích hợp mảng kinh doanh máy chủ IBM System x tại Việt Nam, giúp mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng kinh doanh mới trong mảng khách hàng tổ chức, doanh nghiệp. NCĐT đã trao đổi với ông Sơn để tìm hiểu về câu chuyện thành công của nhà quản trị “trái ngành” này.

* Được đào tạo bài bản ở Nga và có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp ở lĩnh vực dầu khí, cơ duyên nào đưa ông đến với ngành công nghệ?

Gia đình tôi có truyền thống theo nghề giáo nên khi còn học phổ thông, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ theo nghiệp kinh doanh như vai trò hiện tại. Tôi học năm thứ nhất khoa địa chất ở Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và được trường cử đi Nga học tiếp ngành địa vật lý. Khi về nước, cơ hội mở ra là rất nhiều do ngành dầu khí lúc nào cũng cần người được đào tạo bài bản, mà lương ngành này thì cũng cao nhất Việt Nam thời đó. Nhưng tôi không theo trào lưu đó mà muốn thử sức mình trong lĩnh vực mới mẻ mà tôi đam mê, đó là điện tử công nghệ do thích môn toán từ nhỏ.

Ngày đó, một công ty điện tử viễn thông tại thành phố Hồ Chí Minh thuộc Viện Khoa học Việt Nam, là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất phần mềm và kinh doanh thiết bị tin học, có thông báo tuyển dụng nhân sự. Tôi đã nộp hồ sơ vào xin làm kỹ sư phần mềm, dù bản thân chưa hề có kinh nghiệm lập trình. Tuy nhiên, họ thấy tôi tốt nghiệp bằng đỏ ở Nga về nên nhận và bố trí việc ngay. Đó chính là công việc đầu tiên của tôi ở ngành này.

* Làm thế nào để ông phát triển từ một kỹ sư viết phần mềm trở thành người phụ trách mảng kinh doanh System x của IBM trong hơn 10 năm, từ khi hãng này mới vừa đặt chân đến Việt Nam?

Nếu không đam mê công nghệ thật sự thì có lẽ tôi đã không được IBM nhận vào. Làm lập trình được 4 năm thì tôi muốn thay đổi, và đã nộp đơn xin vào IBM. Trải qua 6-7 vòng phỏng vấn, ông trưởng đại diện người Mỹ vẫn cân nhắc có nên tuyển tôi hay không, vì tôi không được đào tạo đúng ngành. Tôi đã thuyết phục ông ấy rằng vì mê công nghệ nên tôi đã tự học lập trình để trở thành kỹ sư; và nếu được IBM nhận vào thì tôi cũng sẽ tự học để bắt kịp những người khác. Thế là họ đồng ý nhận và vị trí của tôi là chuyên viên kinh doanh sản phẩm máy chủ. Thật sự lúc đó tôi rất hoang mang vì chưa bao giờ làm ‘sales’ cũng như chưa có kiến thức sâu về phần cứng bao giờ.

* Thời gian làm việc ở IBM rồi trở thành quản lý, ông đã rút ra được những bài học nào giúp ích cho quá trình phát triển sự nghiệp sau này?

Bài học quan trọng nhất của nhà quản lý, theo tôi, là cách tuyển chọn và sử dụng con người. Tôi sẵn sàng chọn người có ít kinh nghiệm hơn nhưng thể hiện được sự đam mê, tâm huyết với công việc. Tôi tin vào quan điểm của mình từ chính những việc bản thân đã trải qua. Khi vừa được IBM tuyển dụng, đảm nhận vị trí chuyên viên kinh doanh sản phẩm mà mình chưa bao giờ làm, tôi cũng được một hãng dầu khí của nước ngoài tuyển và gọi đi làm. Làm dầu khí thì đúng với ngành học mà lại có tương lai ổn định, nhưng tôi vẫn chọn IBM vì niềm đam mê khám phá trong lĩnh vực công nghệ, nhất là lĩnh vực CNTT rất mới mẻ tại Việt Nam vào những năm thập niên 90. Thực tế quá trình làm việc đã chứng minh rằng bằng cấp chỉ là một chuyện. Ai quyết tâm và yêu thích công việc thực sự mới tiến nhanh hơn trong sự nghiệp.

“Bằng cấp chỉ là một chuyện. Ai quyết tâm và yêu thích công việc thực sự mới tiến nhanh hơn trong sự nghiệp.”

Nguyễn Minh Sơn, TGĐ Lenovo Việt Nam

* Sau IBM, ông từng giữ trọng trách ở Siemens, Samsung rồi bây giờ là Lenovo. Nhận nhiệm vụ quan trọng ở Lenovo đã khơi dậy niềm đam mê nào của ông?

Có lẽ đó là đam mê vượt qua thử thách. Đối với những công ty trước đây tôi từng làm việc, thị trường và các định hướng kinh doanh đều đã được vạch sẵn nên chỉ việc tiếp tục vận hành công việc mà thôi. Nhưng đối với tôi, làm việc như vậy không tạo được nhiều hứng thú. Trong khi đó, so với các hãng công nghệ khác, Lenovo vẫn là một công ty khá trẻ nên còn nhiều mục tiêu để chinh phục. Tôi muốn làm mới mình khi chấp nhận những thử thách đó.

Ngoài ra, sự kiên định trong đường lối kinh doanh của Lenovo cũng khiến tôi bị thuyết phục. Ngay từ khi thành lập vào năm 1984, sau đó mua lại mảng máy tính cá nhân PC của IBM vào năm 2005 rồi phát triển nhiều dòng sản phẩm mới cho doanh nghiệp và người dùng, Lenovo luôn tin tưởng rằng sản phẩm cốt lõi PC của mình sẽ không bao giờ lỗi thời, bất chấp không ít quan điểm cho rằng sản phẩm này sẽ bị thoái trào và thay thế. Bây giờ thì chúng tôi đã là nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới, doanh thu từ riêng mảng kinh doanh này vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định.

* Từng làm tại IBM, và giờ lại tiếp quản mảng kinh doanh này sau khi Lenovo mua lại bộ phận máy chủ IBM System x, có vẻ như ông rất có duyên với sản phẩm của IBM. Việc sáp nhập này mang đến những cơ hội mới nào cho Lenovo tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, bên cạnh nhóm khách hàng người dùng cuối, chúng tôi từ lâu cũng đã tập trung vào mảng khách hàng doanh nghiệp với những sản phẩm như máy tính xách tay, máy tính để bàn hay máy chủ. Việc mua lại mảng kinh doanh System x của IBM đã cho phép Lenovo giờ đây có thể cung cấp các giải pháp công nghệ một cách toàn diện cho hạ tầng của các tổ chức, doanh nghiệp. Điều này mở ra nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng cũng như tăng trưởng kinh doanh, và với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của mình, chúng tôi đã sẵn sàng nắm bắt những cơ hội này.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here