Phía sau ánh hào quang của PNC

0
687

Thay vì đứng chung chiến tuyến để cạnh tranh với đối thủ trên thương trường, các cổ đông của PNC lại lao vào cuộc đối đầu nội bộ nhằm tranh giành quyền lực.

Chỉ trong một thời ngắn, Công ty cổ phần Văn Hóa Phương Nam (PNC) đã phải tổ chức ba cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐTN), nhưng vẫn không thống nhất được bất kỳ vấn đề nào đặt ra. Hiện nay, tại PNC đang chia ra hai nhóm cổ đông đối đầu nhau một cách khốc liệt. Nhóm cổ đông lớn chiếm 62,47% vốn điều lệ do ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, cũng là thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) PNC làm đại diện, còn nhóm cổ đông nhỏ lẻ hiện sở hữu 37,53% vốn, trong đó có Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc PNC.

Câu chuyện của 10% và 20%

Cuộc tranh chấp quyền lực tại PNC có nguyên nhân là phần giá trị vốn góp của PNC tại CGV Việt Nam, được định giá gần 20 triệu USD và tính cho mỗi phần vốn góp là 10%. Đây cũng là cơ sở để nhóm cổ đông lớn công kích ban điều hành PNC mập mờ trong việc thể hiện phần vốn góp là 10%, 20% hay đã bán hết cổ phần cho CGV Việt Nam với giá rẻ mạt. Năm 2005, PNC và Công ty Envoy Media Partners Limited (Envoy) bắt tay hợp tác kinh doanh, thành lập Công ty TNHH truyền thông Megastar (Megastar). Trong liên doanh này có vốn pháp định là 4 triệu USD, PNC góp 20% (tương đương 800.000 USD), Envoy góp 80% (tương đương 3,2 triệu USD).

Cuộc tranh chấp quyền lực tại PNC có nguyên nhân là phần giá trị vốn góp của PNC tại CGV Việt Nam, được định giá gần 20 triệu USD.

Megastar được cho là cụm rạp có quy mô hoạt động lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Rạp chiếu phim đầu tiên của Megastar tại Hà Nội ra mắt vào năm 2006, hiện đã phát triển thành hệ thống 24 cụm rạp tại Việt Nam và chiếm 50% thị phần trên thị trường rạp chiếu phim. Đến năm 2006, thấy được tiềm năng phát triển to lớn của lĩnh vực rạp chiếu phim nên Megastar tăng vốn pháp định từ 4 triệu USD lên 8 triệu USD. Và rắc rối cũng bắt đầu xuất hiện từ đây. Nâng vốn pháp định đồng nghĩa rằng để giữ được 20% vốn góp trong liên doanh, PNC phải bổ sung thêm tiền, cụ thể là 800.000 USD nữa. Nhưng PNC không có đủ số vốn này để đóng góp, nên công ty quyết định chuyển nhượng phần vốn góp trước đây cho Envoy.

Tuy nhiên, điều này trái với giấy phép đầu tư (do vướng quy định giới hạn sở hữu nước ngoài không quá 80%), nên hai bên âm thầm đi đường vòng: Envoy sẽ góp số vốn 800.000 USD thay cho PNC (tương đương 10% vốn góp của PNC), đồng thời trao cho PNC một khoản tiền là 400.000 USD, được xem như là khoản tiền hỗ trợ cho PNC dưới danh nghĩa là hợp đồng vay. Đồng thời, hai bên đều có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp 10% từ PNC sang Envoy. Nếu kế hoạch này được chấp thuận, PNC sẽ giữ lại 10% vốn góp và có thêm 400.000 USD. Còn ngược lại, PNC sẽ phải hoàn trả lại toàn bộ khoản tiền là 1,2 triệu USD cho Envoy.

Tuy nhiên, đến năm 2011, Envoy bán 92% cổ phần của phần vốn góp trong liên doanh Megastar cho Công ty CJ (Hàn Quốc), đồng nghĩa với việc trao quyền quản lý cụm rạp Megastar cho CJ. Sau đó, CJ đổi tên cụm rạp Megastar thành CGV. Vậy là Envoy ra đi mà không “đoái hoài” gì đến khoản tiền 800.000 USD mua giúp phần vốn góp cho PNC và khoản tiền 400.000 USD hỗ trợ. Điều đáng nói là cho đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa có ý kiến về vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp của PNC cho Envoy.

Dưới sự quản lý của CJ, cụm rạp CGV làm ăn rất tốt. Tính đến cuối năm 2014, lãi lũy kế tại CGV lên đến 185 tỷ đồng. Vào thời điểm này, PNC lại làm ăn kém hiệu quả trong khi liên doanh CGV hoạt động có lãi cao nên PNC muốn CJ chia cổ tức để san sẻ bớt khó khăn. Nhưng CJ muốn giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư cho các dự án mới. Để giúp PNC vượt qua khó khăn và thoát khỏi việc hủy niêm yết trên sàn chứng khoán sau khi thua lỗ liên tục hai năm, CJ giới thiệu cho PNC vay 7 triệu USD với lãi suất 4% từ Công ty Cross Junction Investment PTE.LTD (CJI), với tài sản thế chấp là toàn bộ phần vốn góp của PNC tại CGV. Đồng thời, CJ cũng hỗ trợ PNC một khoản tiền là 600.000 USD thông qua một hợp đồng dịch vụ. Rắc rối phát sinh từ đây. Nhóm cổ đông lớn trong liên doanh cho rằng, ban điều hành PNC đã chuyển nhượng phần vốn góp tại liên doanh CGV cho CJ. Và toàn bộ phần “gút mắc” về tỷ lệ sở hữu của PNC tại CGV, cũng như các khoản vay là vấn đề để nhóm cổ đông lớn liên tục công kích và gây sức ép lên nhóm cổ đông nhỏ, bằng cách phủ quyết toàn bộ tờ trình tại ĐHĐCĐ tổ chức vào ngày 16/7/2015. Tuy nhiên, vào ngày 21/7/2015, Envoy đã có thông báo xác nhận khoản vốn mà Envoy nộp thay PNC thuộc sở hữu của PNC. Do đó, PNC đã hoàn thành nghĩa vụ góp vốn vào liên doanh. Điều này có nghĩa là PNC nắm 20% vốn sở hữu tại CGV, tương đương số tiền 40 triệu USD.

Về hợp đồng CJ cho PNC vay 7 triệu USD với lãi suất 4%/năm, phía CJ cho biết, đây đơn thuần chỉ là khoản vay, không phải việc chuyển nhượng vốn góp.

Nâng vốn pháp định đồng nghĩa để giữ được 20% vốn góp trong liên doanh, PNC phải bổ sung thêm tiền.

Không lối thoát

Khi toàn bộ thông tin và tỷ lệ sở hữu của PNC tại CGV cũng như các khoản vay đã được xác thực, nhóm cổ đông lớn vẫn thể hiện sự bất đồng. Bất chấp doanh thu quý III/2015 của PNC đạt hơn 131 tỷ đồng, lãi gộp hơn 43 tỷ đồng, lãi trước thuế 555 triệu đồng, nhưng tại cuộc họp lần thứ ba diễn ra vào ngày 2/10/2015, nhóm cổ đông lớn vẫn bắt bẻ mọi công việc của ban điều hành PNC. Cuộc đấu khẩu giữa hai bên rất căng thẳng, rốt cuộc trở thành cuộc luận tội chứ không còn mang tính chất đóng góp xây dựng chiến lược vì mục tiêu phát triển công ty. Tại cuộc họp lần thứ ba này, nhóm cổ đông lớn cũng rất quyết liệt đòi xem xét, bãi nhiệm các thành viên HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2012 – 2017 trước thời hạn.

Sự mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, khi tất cả tờ trình đưa ra trong đại hội lần này đều bị nhóm cổ đông lớn, hiện nắm tỷ lệ sở hữu 62,47%, kiên quyết phủ quyết. Tuy nhiên, nhóm cổ đông lớn cũng không đạt được mục đích bãi nhiệm HĐQT và ban kiểm soát PNC (do quy định phải đạt tỷ lệ 65% cổ phần biểu quyết đồng ý). Hai bên chỉ thống nhất được duy nhất một vấn đề là mời cơ quan kiểm toán khác tiến hành kiểm toán lại hoạt động của PNC.

Xem ra, phía sau ánh hào quang của PNC là nhiều âm mưu bí hiểm, tranh cãi liên miên và những ánh mắt không nhìn cùng một hướng.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here