Nhận diện những đối thủ của 7-Eleven tại Việt Nam

0
1088

Mới đây, tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin, tập đoàn Seven & i Holdings đang có kế hoạch mở cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2017.

Theo đó, tập đoàn Công ty con của Seven & i Holdings tại Mỹ là 7- Eleven vừa ký thỏa thuận cấp phép (licensing agreement) với Seven System Vietnam và 7-Eleven sẽ mang những kinh nghiệm điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất Nhật Bản đến Việt Nam.

7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng bậc nhất thế giới với khoảng 38.000 cửa hàng ở bên ngoài Nhật Bản. Tại Đông Nam Á, 7-Eleven cũng đã “phủ sóng” tới Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên có thông tin 7-Eleven sẽ có mặt tại thị trường 90 triệu dân của Việt Nam. Trước đó, vào giữa năm 2013 cũng đã có thông tin chủ đầu tư – Tập đoàn CP All (Thái Lan) sẽ triển khai mô hình đầu tư trực tiếp chuỗi cửa hàng 7-Eleven trước khi nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Nhưng thông tin này sau đó nhanh chóng bị xóa bỏ khi không có động thái nào trở thành hiện thực.

Khi tới Việt Nam, 7-Eleven sẽ phải đối mặt với những đối thủ “đáng gờm” nào?

Thực tế không phải chờ tới bây giờ, đã có rất nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi có mặt tại Việt Nam.

Theo đó tính theo số liệu mới nhất, các đối thủ của 7-Eleven đã đạt được con số cửa hàng ấn tượng: chuỗi Shop & Go (Singapore) đạt 128 cửa hàng, Circle K (Mỹ) đạt 113 cửa hàng, , B’s Mart (Thái Lan) 75 cửa hàng, Ministop 17 cửa hàng.

Shop & Go

Sau gần 9 năm đầu tư với chiến lược đầu tư Shop & Go là ký hợp đồng hợp tác với các hộ cá thể nâng cấp tiệm tạp hóa của họ hoặc tự kiếm mặt bằng và đầu tư từ A-Z.

Cửa hàng đầu tiên của Shop & Go chính thức hoạt động vào ngày 03/12/2005 tại Tp HCM. Các cửa hàng tiện lợi của Shop & Go thường có diện tích nhỏ từ 60 đến 150m2 nhưng được đặt tại các vị trí trung tâm bắt mắt dễ nhìn thấy và phục vụ 24/24h mỗi ngày.

Một ưu điểm cạnh tranh nữa của chuỗi cửa hàng tiện lợi Singapore đó là ngoài các mặt hàng tiêu dùng, đồ ăn, Shop & Go cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tiện ích, phù hợp với nhu cầu của từng khu vực dân cư xung quanh mỗi cửa hàng, bao gồm: máy rút tiền tự động ATM, thẻ nạp điện thoại, thẻ gọi điện thoại đường dài IDD card. Hiện tại Shop & Go đã có 125 cửa hàng tính đến tháng 06 năm 2015.

Ministop

Năm 2014, Ministop – công ty con của Aeon đã chia tay với đối tác G7 của Trung Nguyên sau 3 năm hợp tác. Thay vào đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi này sẽ hợp tác với Sojitz của Nhật Bản.

Khi bắt tay với Trung Nguyên năm 2011, Ministop đặt mục tiêu sẽ mở chuỗi 500 cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Liên doanh Ministop và G7 tin rằng họ có thể thu hút khách bằng mô hình kết hợp giữa bán thức ăn nhanh và bán hàng tạp hóa. Tuy nhiên mô hình này đã bị các đối thủ khác tận dụng để mở rộng hệ thống thì Ministop chỉ dừng lại ở con số 17 cửa hàng sau 3 năm hợp tác.

Không đạt được mục tiêu 500 cửa hàng với G7 nhưng Ministop và Aeon chưa từ bỏ tham vọng trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi được đánh giá cực kỳ tiềm năng tại Việt Nam. Khi bắt tay với “đồng hương” Sojitz, Ministop và đối tác tiếp tục đẩy mục tiêu lên 800 cửa hàng trong vòng 10 năm.

Ngoài việc đầu tư vốn vào Ministop, Sojitz với hơn 20 công ty thành viên đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ ở Việt Nam sẽ hỗ trợ đáng kể được cho Ministop trong việc chiếm lĩnh thị trường và đảm bảo nguồn cung cấp.

Circle K

Thâm nhập thị trường Việt Nam, chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Mỹ chinh phục khách hàng với phong cách cũng rất Mỹ: trẻ trung, hợp mốt và năng động. Các cửa hàng tiện lợi của Circle K đều trẻ trung, thiết kế hợp mốt.

Circle K tại Việt Nam hoạt động với mô hình kinh doanh mở cửa 24/7, cam kết phục vụ với tiêu chí 4F (Fresh – tươi; Friendly – thân thiện, Fast – nhanh và Full – đầy đủ). Năm 2015, Circle K đặt mục tiêu mở chuỗi 150 cửa hàng tại Việt Nam.

B’s Mart

Năm 2013, sau khi mua lại toàn bộ cổ phần của FamilyMart trong liên doanh mang tên Công ty TNHH Việt Nam FamilyMart, tập đoàn Phú Thái đã thành lập B’s Mart và hoạt động theo mô hình cửa hàng tiện lợi của Thái Lan.

Mở cửa liên tục 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần, các cửa hàng B’s mart bày bán khoảng 2.500 mặt hàng và sẽ có những mặt hàng mang phong cách Thái. Theo số liệu đăng tải trên website của tập đoàn, hiện tại B’s Mart đang có khoảng 75 cửa hàng tiện lợi tập trung tại TP.HCM.

Ngoài những mô hình cửa hàng tiện lợi nước ngoài, hai chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi của Việt Nam là Hapro Và Saigon Co.op cũng đang tăng tốc gia tăng chuỗi cửa hàng lên con số ấn tượng. Hiện tại, Co.op Food đã đạt 117 cửa hàng và Hapro có tới gần 700 cửa hàng tập trung tại TP.HCM và Hà Nội và dự kiến sẽ còn gia tăng hàng năm.

Gia nhập thị trường Việt Nam vào thời điểm năm 2017 khi không còn lợi thế của người đi đầu, chắc chắn 7-Eleven sẽ cần rất nhiều sự khác biệt nếu muốn chiếm lĩnh vị trí thị phần số một.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here