Masan và công cuộc Bắc tiến

0
792

Masan là doanh nghiệp luôn gây bất ngờ với những thương vụ M&A các công ty nắm giữ thị phần đứng đầu ngành hàng. Nước khoáng Quảng Ninh sẽ là đối tượng mới nhất của chuyên gia M&A này.

Thị trường nước khoáng hấp dẫn Masan không chỉ vì nguồn khoáng hạn chế, mà còn vì tính có lợi cho sức khỏe của người dùng. Trong lịch sử, Masan vốn nổi tiếng với cách tiếp thị dựa trên mối quan tâm về sức khỏe.

Khác với ngành hàng nước suối đóng chai tiệt trùng, các công ty sản xuất nước khoáng thiên nhiên thường tập trung ở địa phương và gần nguồn nước khoáng. Theo thống kê, có khoảng 285 nguồn nước khoáng nằm rải rác khắp Việt Nam. Miền Trung có nhiều nhãn nước khoáng nổi tiếng như Thạch Bích ở Quảng Ngãi, Đảnh Thạnh ở Khánh Hòa và đặc biệt nhất là Vĩnh Hảo ở Bình Thuận. Miền Nam có nhiều nguồn khoáng nhưng ít có thương hiệu nước khoáng nổi bật.

Sản phẩm tương tự với Vĩnh Hảo, nhưng nhãn hàng Quang Hanh, Suối Mơ thuộc Nước khoáng Quảng Ninh thì lại khá xa lạ với thị trường phía Nam. Ngược lại, Nước khoáng Quảng Ninh hiện có gần 1.000 đại lý và nhà phân phối từ Quảng Bình trở ra phía Bắc.

Ở khía cạnh khác, chuyện mua lại Nước khoáng Quảng Ninh sẽ giải quyết bài toán phân phối của Masan tại thị trường phía Bắc. Nước khoáng Vĩnh Hảo cũng đã được phân phối ở phía Bắc, nhưng chi phí vận tải chiếm rất lớn. Vì thế, mua công ty đứng đầu ở 2 đầu Việt Nam sẽ là cách nhanh nhất để tăng thị phần theo chiều ngang, tiến đến phủ kín thị trường toàn quốc.

Tại thời điểm trước khi Masan mua lại, Nước khoáng Quảng Ninh hoạt động hiệu quả hơn cả Vĩnh Hảo. Cụ thể, lợi nhuận của Vĩnh Hảo vào năm 2012 (trước thời điểm Masan mua lại) là khoảng 18 tỉ đồng. Đối với Nước khoáng Quảng Ninh, lợi nhuận năm 2014 đã là 24 tỉ đồng, dù doanh thu thấp hơn.

Chuyện mua lại Nước khoáng Quảng Ninh sẽ giải quyết bài toán phân phối của Masan tại thị trường phía Bắc.

Trước đây, Masan cũng thừa nhận chuyện mua Vĩnh Hảo vì tiềm năng và thương hiệu nhiều hơn là chuyện đánh giá bằng những con số tài chính đơn thuần.

Masan sẽ trả bao nhiêu cho Nước khoáng Quảng Ninh, sau khi sẵn lòng trả đến 85.000 đồng/cổ phần cho Vĩnh Hảo hồi đầu năm 2013? Theo kế hoạch, giá khởi điểm cho IPO là 11.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, với nhà đầu tư chiến lược, giá bán sẽ được thỏa thuận trực tiếp với Tỉnh ủy Quảng Ninh. Dự kiến sau khi IPO, Nước khoáng Quảng Ninh có vốn điều lệ 80 tỉ đồng và cổ đông chiến lược nắm 65% vốn, đại diện nhà nước (tỉnh Quảng Ninh) nắm giữ 10%.

Rõ ràng sản phẩm Quang Hanh, Suối Mơ đang có cơ hội thoát khỏi chiếc áo địa phương, giống như Vĩnh Hảo và Vinacafe Biên Hòa trước đây. Đây cũng là lần đầu tiên Masan quan tâm đến một công ty hàng tiêu dùng phía Bắc, sau hàng loạt các thương vụ M&A ở phía Nam, như Bia Sài Gòn Phú Yên, hay nước chấm Cholimex.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here