Kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam: Khó hay dễ?

0
757

Có một sự thật là các đại gia ngoại chiếm tới hơn 60% thị phần rạp chiếu phim tại Việt Nam.

Những năm gần đây, thị trường điện ảnh trị giá hơn 100 triệu USD của Việt Nam đang trở thành miếng bánh hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Với tiềm lực tài chính hùng mạnh, CGV và Lotte, hai thương hiệu đến từ Hàn Quốc đã nhanh chân mở rộng và trở thành “tay chơi” chính trên thị trường liên tục tăng trưởng này.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vào năm 2009, cả nước mới chỉ có chưa đầy 100 phòng chiếu, chủ yếu tập trung ở Hà Nội (26 phòng) và TP.HCM (65 phòng). Hiện tại, theo số liệu mới nhất của Cục Điện ảnh, tính đến hết năm 2016, cả nước có 138 rạp, cụm rạp với số lượng phòng chiếu trên cả nước là 510 và 86.500 ghế ngồi.

Tính đến cuối tháng 12/2016, chuỗi rạp CGV của tập đoàn CJ đang dẫn đầu với hơn 38 cụm rạp, theo sát nút là Lotte Cinema với 29 cụm rạp. Riêng 2 ông lớn ngoại này chiếm đến 2/3 thị trường rạp chiếu. Trong khi đó, hai đơn vị nội là Galaxy và BHD cùng sở hữu số lượng khá khiêm tốn: 7 cụm rạp. Các đơn vị nhỏ lẻ còn lại chiếm thị phần rất nhỏ.

Trên thực tế, khi tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường điện ảnh dao động 20-25% mỗi năm và nhu cầu giải trí của giới trẻ ngày càng tăng, việc kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng trong những năm tới.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, TGĐ của Công ty TNHH Bình Hạnh Đan, đơn vị sở hữu cụm rạp BHD cho biết: “Ở bất cứ quốc gia nào, sau khi đã lo cơm ăn, áo mặc, người ta sẽ quan tâm đến vấn đề tinh thần. Việt Nam là nước đang phát triển, đã trải qua giai đoạn lo miếng cơm manh áo thì mọi người bắt đầu nghĩ nhiều hơn về vấn đề giải trí. Đó là lý do các dịch vụ như rạp chiếu phim phát triển và trong thời gian tới sẽ còn phát triển nhiều hơn”.

Tuy nhiên bà Hạnh thừa nhận một thực tế là nếu so sánh với các ngành khác, kinh doanh rạp phim có chi phí đầu tư lớn nhưng doanh thu đạt được lại rất khó bù đắp khoản phí này. Tùy vào từng quy mô, vị trí, cách thiết kế và số lượng phòng chiếu, mỗi cụm rạp sẽ có chi phí đầu tư ban đầu vào khoảng 3-8 triệu USD (60-180 tỷ đồng) và phải mất từ 3-5 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới thu hồi được vốn.

Một vấn đề khác là việc tìm kiếm mặt bằng có vị trí đắc địa cho rạp phim ngày càng khó khăn vì phải thỏa mãn các tiêu chuẩn kỹ thuật về diện tích sàn, chiều cao, tải trọng… Tổng Giám đốc của một công ty kinh doanh có thâm niên trong ngành rạp phim đã khẳng định: “Mặt bằng là bài toán khó nhất!”.

Sau khi tìm được địa điểm, các nhà đầu tư lại phải nghiên cứu và đàm phán với chủ đất để có giá thuê hợp lý. Theo nghiên cứu của đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE Việt Nam, giá thuê mặt bằng ở Việt Nam thuộc loại đắt đỏ tại Đông Nam Á. Đặc biệt, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm tại các thành phố lớn như TP.HCM, đã tăng 15% trong năm qua, đắt gấp 3 lần so với bình quân toàn thị trường.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư bất động sản chưa nhìn thấy được tầm quan trọng của rạp chiếu phim trong các trung tâm thương mại nên thường chưa tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất. Các nhà kinh doanh cụm rạp thường phải tự xây dựng hệ thống, vì thế, làm đẩy chi phí đầu tư cụm rạp cao hơn 10-20% so với đầu tư rạp tại các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, bà Hạnh khẳng định địa điểm là bài toán quan trọng, nhưng môi trường bên trong rạp, cảm giác thoải mái của khán giả cũng là yếu tố giữ chân khách hàng.

“Tại các rạp chiếu của BHD, bên cạnh giá cả phù hợp, không quá cao hoặc quá thấp, chúng tôi còn tạo không gian cho các bạn trẻ chụp ảnh, check-in, trò chuyện… Đây là môi trường tổng thể để mọi người không chỉ đến xem phim mà còn lưu giữ kỷ niệm”. Bà Hạnh khẳng định, đây chính là hướng đi riêng của BHD trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ sừng sỏ đến từ nước ngoài.

Thông thường, doanh thu từ kinh doanh rạp chiếu đến từ 3 nguồn chính gồm: bán vé, bán bắp nước, và chạy quảng cáo.“Nguồn thu quan trọng nhất là bán vé. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào vé bán để có lãi thì không bao giờ lãi cả, phải có thêm nguồn thu bổ sung nữa. Rạp nào thành công thì bắp nước phải bán tốt”, bà Hạnh khẳng định.

Rõ ràng, kinh doanh thực phẩm tại các rạp chiếu mang về nguồn thu không nhỏ và là phần lợi nhuận quan trọng, bên cạnh doanh thu bán vé xem phim và quảng cáo.

Tất cả các rạp chiếu phim giờ đây đều có riêng một quầy phục vụ bắp rang bơ và nước ngọt. Tuy nhiên, giá hai loại thực phẩm tại đây cao hơn rất nhiều so với bên ngoài. Trung bình với 2 người đi xem phim, bạn sẽ phải chi thêm khoảng 100.000-150.000 đồng cho 2 ly nước ngọt và 1 gói bắp rang bơ. Khoản chi phí này có thể gần ngang với giá vé xem phim. Trong khi nếu mua ở bên ngoài, giá có thể chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3. Đây cũng là lý do các rạp chiếu đều cấm người xem mang đồ ăn bên ngoài vào phòng chiếu.

Kinh doanh thực phẩm ở rạp chiếu phim gần như một thị trường độc quyền. Khách hàng chỉ có thể lựa chọn mua với giá cao hoặc ngồi xem phim 1-2h đồng hồ không ăn uống gì. Ước tính, việc kinh doanh thực phẩm trong rạp chiếu phim, mang lại cho các rạp chiếu nguồn lợi nhuận tăng thêm khoảng 40-50% lợi nhuận từ việc bán vé xem phim.

Tạp chí Hollywood Reporter đánh giá, Việt Nam nằm trong danh sách “thị trường điện ảnh nhiều hơn 100 triệu USD”. Rõ ràng thị trường điện ảnh Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn thực sự “bùng nổ”. Với mức tăng trưởng doanh thu bình quân 20-25%, dự báo thị trường sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here