Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á: Có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh?

0
626

Hôm 26/3, Grab Việt Nam chính thức phát đi thông cáo cho biết hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, Grab thu mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á, và tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính hàng đầu của Grab.

Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab. Đồng thời với thỏa thuận này, CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.

Kể từ khi xuất hiện 9 năm trước, Uber đã “đốt” hết 10,7 tỷ USD để chiếm lĩnh thị trường. Theo giới trong ngành, việc tập trung kinh tế hay còn gọi là về chung một nhà với Grab sẽ giúp Uber tăng lợi nhuận thay vì tiêu tiền.

Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ pháp lý về mua bán – cạnh tranh, chuyên gia Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế – Phòng Thuương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), cho rằng, thương vụ này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Luật Cạnh tranh yêu cầu những trường hợp mua bán – sáp nhập (M&A) mà có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế. Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, thì theo quy định, Grab – Uber phải gửi thông báo đến cơ quan cạnh tranh về vụ mua bán để cơ quan này xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán.

Nếu Cục Quản lý cạnh tranh thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành.

Và để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép tất cả các cơ quan cạnh tranh của tất cả các nước Đông Nam Á mà có quy định này.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thừa nhận, trước khi thương vụ Grab thâu tóm Uber hoàn tất, Cục Quản lý cạnh tranh không nhận được hồ sơ thông báo về tập trung kinh tế.

Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa yêu cầu Grab và Uber cung cấp hồ sơ liên quan để xem xét về tính pháp lý.

“Trong trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm trên 50% trên thị trường liên quan, tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh “, ông Tuấn nói và cho biết thêm, hiện đang chờ hồ sơ từ Grab và Uber, chưa nói trước được khi nào có kết quả kiểm tra.

Theo Điều 23 của Luật Cạnh tranh, trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ về việc có thuộc trường hợp bị cấm hay không, lý do cấm phải nêu rõ.

Trong trường hợp giao dịch mua bán, sáp nhập vi phạm Luật Cạnh tranh, hậu quả pháp lý khá nghiêm trọng, mức tiền phạt tối đa lên tới 10% tổng doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi tập trung kinh tế vi phạm.

Trong một số trường hợp, bên cạnh việc phạt tiền, cơ quan quản lý cạnh tranh vẫn có thể áp dụng các biện pháp phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả khác, như thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp, hoặc buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua…

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here