Dấn thân, trả giá, thành công

0
735

Đang xuất hiện các doanh nghiệp Việt Nam dám “thử lửa” khi tiên phong chinh phục thị trường hay mở hướng kinh doanh mới. Sự dấn thân có thể mang lại thành công và cả thất bại.

Làm những điều khác biệt nhằm tạo ra ấn tượng khó quên là cách mà các doanh nghiệp như Saigon Co.op, nhà hàng Ngon, Wrap&Roll hay Điền Quân Media… lựa chọn. Sự dấn thân có thể mang lại thành công và cả thất bại, nhưng chắc chắn là bài học quý giá về bản lĩnh chinh phục cho người đi sau.

Saigon Co.op thử sức với đại siêu thị

Thực ra mô hình đại siêu thị đã có mặt tại Việt Nam khá lâu, nhưng Co.opXtra là đại siêu thị đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam. Là mô hình hợp tác xã đã khá thành công trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ (chiếm khoảng gần 50% thị phần với gần 70 siêu thị), Saigon Co.op tiếp tục thử thách mình ở mức độ cao hơn: làm đại siêu thị.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng: “Sự ra đời của Co.opXtra sẽ làm gia tăng thêm năng lực cốt lõi của Saigon Co.op, giúp công ty phát triển hơn về chiều sâu trong hợp tác với các đối tác”.

Quá trình tìm kiếm đối tác gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng Saigon Co.op cũng bắt tay được với NTUC FairPrice (Singapore), nhờ sự tương đồng về lịch sử, định hướng hoạt động, sứ mệnh với cộng đồng, bản chất của một hợp tác xã…

Saigon Co.op chọn NTUC Fair Price vì đây là hợp tác xã hàng đầu tại Singapore, có bề dày lịch sử và được thành lập bởi Thủ tướng đầu tiên của Singapore, ông Lý Quang Diệu (NTUC FairPrice chiếm 60% thị phần bán lẻ tại Singapore và thành công với mô hình đại siêu thị mang tên FairPrice Xtra – PV).

Sự thấu hiểu này được cụ thể hóa qua việc hình thành chuỗi đại siêu thị Co.opXtra và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn Co.opXtra plus. Nếu Co.opXtra mang đến giá trị cộng thêm cho đối tượng khách hàng chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình, thì mô hình Co.opXtra plus dành cho nhiều đối tượng (cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, xí nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn…).

Theo đó, quy mô của đại siêu thị cũng lớn gấp nhiều lần so với chuỗi bán lẻ Co.opmart. Tổng diện tích của đại siêu thị khoảng 20.000m2, lớn gấp 4-5 lần so với chuỗi bán lẻ Co.opmart, bao gồm khu vực bán hàng sỉ và lẻ, hành lang mua sắm bên ngoài khu tự chọn. Lượng hàng hóa đa dạng với khoảng 50.000 mặt hàng, nhiều gấp 2-3 lần so với siêu thị thông thường.

Mô hình mới của Saigon Co.op đòi hỏi phải có năng lực quản trị mới, qua đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là nước cờ giành thị phần của Saigon Co.op trước khi các thương hiệu bán lẻ toàn cầu vào Việt Nam.

Wrap&Roll lần đầu bán franchise món ăn Việt

Với 9 nhà hàng tại Việt Nam và 2 nhà hàng nhượng quyền tại Singapore, Wrap&Roll đang là chuỗi nhà hàng hoạt động tốt. Chị Kim Oanh, chủ thương hiệu này kể rằng, phía sau câu chuyện nhượng quyền ra nước ngoài của Wrap&Roll là một hành trình không hề bằng phẳng.

Năm 2010, một đối tác Australia trở thành đơn vị mua franchise đầu tiên của Wrap&Roll dưới dạng một unit-franchise (nhượng quyền đơn). Tuy Australia là nước dễ chấp nhận các nền ẩm thực khác nhau trên thế giới, nhưng cuối cùng hợp đồng không duy trì được lâu.

Chị Oanh lý giải: “Do lựa chọn hơi vội người đầu tư – một shopping mall chỉ tập trung bán vào buổi trưa, rồi năng lực quản lý cũng như sự đầu tư của đối tác vào cửa hàng chưa đạt 100%, nên cửa hàng tuy đông khách, song thiếu cân đối về thu chi. Chi phí nhân sự ở Australia khá cao, nếu tính toán không khéo sẽ khó có thể hoạt động lâu dài”.

Đến giữa năm 2011, Wrap&Roll tiếp tục nhượng quyền cho một đối tác Singapore. Chị Oanh nhìn nhận, đây mới là mô hình franchise đúng nghĩa với một hợp đồng master franchise.

Đầu năm 2012, đối tác Singapore đã mở nhà hàng đầu tiên. Hiện tại, tình hình kinh doanh tại đây khá tốt, nhiều khi khách phải xếp hàng.

Một tín hiệu khả quan nữa là chỉ 8 tháng sau, đối tác của chị Oanh đã mở thêm nhà hàng thứ hai và kế hoạch tiếp theo là đầu năm 2014 sẽ mở thêm cái thứ ba. Rút kinh nghiệm từ lần trước với đối tác Singapore, Wrap&Roll còn cung cấp cả gói gia vị và một số nguyên liệu khô đặc trưng Việt Nam. Ngoài ra, công ty Việt Nam còn cung cấp “blend” – một dạng công thức cụ thể cho từng món ăn riêng.

Nói về đối tác thứ hai, chủ Wrap&Roll tỏ ra tự tin: “Đối tác Singapore muốn phát triển thành chuỗi ngay, nên về khâu tổ chức họ chuẩn bị khá kỹ và mất thời gian hơn, bù lại khi thực hiện, mọi thứ dần đi vào nề nếp và trở thành dự án lâu dài”.

Điều quan trọng nhất, chị rút ra khi làm ăn ở Singapore là “ẩm thực truyền thống của Singapore không mạnh lắm, nên họ khá cởi mở với mô hình ẩm thực nước ngoài. Đó là cơ hội để đầu tư, nhưng cũng là thách thức cạnh tranh bởi có rất nhiều thương hiệu ẩm thực nước ngoài ở Singapore”. Mang món ăn Việt ra nước ngoài là điều rất quý, nhưng kinh doanh cần hội đủ “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” và làm theo đúng khả năng của mình, chị Oanh đúc kết.

“Ngon” ở xứ Angkor

Trong lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng Ngon là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong sang đầu tư tại Campuchia. Tuy nhiên, mở rộng sang Campuchia không phải là ý tưởng đầu tiên.

Lúc đầu, Ngon lên kế hoạch mở rộng ra các thị trường châu Âu, Nhật, Thái Lan… Ông Dương Tấn Hoài, chủ sở hữu thương hiệu nhà hàng Ngon, cho biết, năm 2010 ông sang Campuchia tìm hiểu thị trường và nhận thấy thị trường này rất tiềm năng.

Lý do là hàng năm có hơn 400.000 du khách Việt sang Campuchia, chưa kể lượng khách quốc tế cũng khá lớn, gần 2 triệu người. Đặc biệt, người Campuchia rất thích món ăn Việt Nam.

“Chúng tôi tìm được một mặt bằng đẹp nằm trên đại lộ Sihanouk, thủ đô Phnom Penh, ngay quảng trường đài Độc lập. Vậy là sau nhiều tháng chuẩn bị, nhà hàng khai trương vào tháng 1/2011 với diện tích 1.500m2 , 600 chỗ ngồi, được thiết kế theo kiểu Pháp tương tự như ở Sài Gòn và Hà Nội”, ông Hoài nói.

Theo tiết lộ của ông, tổng chi phí đầu tư vào nhà hàng này thời điểm đó khoảng 1 triệu USD. Sự nhanh chân này đã tạo cho họ thuận lợi ban đầu: có tới 500 khách tham dự đêm khai trương, giúp Ngon chiếm được thiện cảm của khách quốc tế.

Bí quyết mang món ăn Việt “xuất ngoại” thành công, theo ông Dương Tấn Hoài là cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Ông cho biết: “Đầu tiên, nhà hàng Ngon đã chọn đúng thời điểm để đầu tư. Kế đến là nghiên cứu để tìm ra cách đầu tư hiệu quả nhất. Thuận lợi dễ thấy nhất là ẩm thực của người Khơme có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, không có sự khác biệt quá lớn về món ăn”.

Một yếu tố tích cực khác là Campuchia gần Việt Nam, nguồn nguyên liệu thức ăn giống nhau nên Ngon chỉ nhập từ Việt Nam khoảng 30% nguyên liệu. Sau Campuchia, hiện Ngon đang tiến hành khảo sát thị trường Pháp, chờ thời điểm và nguồn vốn phù hợp để “Pháp tiến”.

Mượn “Yan Can Cook” quảng bá ẩm thực Việt Nam

Rất nhiều chương trình quảng bá du lịch Việt Nam thông qua “Yan Can Cook” đã được lên kế hoạch từ nhiều năm trước, nhưng chỉ khi Công ty Điền Quân Media đưa “vua bếp” Martin Yan đến Việt Nam với loạt chương trình truyền hình thực tế “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan” (“Martin Yan – Taste of Vietnam”), thì nhiều người mới thấy được kế hoạch công phu của Điền Quân Media. Tuy hợp đồng với Martin Yan không được tiết lộ, nhưng xem chương trình này có thể hiểu được chiến lược của Điền Quân.

Loạt chương trình mùa đầu tiên gồm 26 tập với thời lượng 22-24 phút/tập. Mỗi tập được xây dựng như một chuyến ký sự ngắn trong đó gồm 70% được quay tại những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất của mỗi vùng miền, 30% được quay tại studio.

Lần đầu tiên tại Việt Nam có một chương trình truyền hình mời được đầu bếp trứ danh Martin Yan làm người dẫn chương trình, đồng thời là nhân vật chính trong cuộc hành trình khắp ba miền Việt Nam. Ý tưởng chủ đạo của Điền Quân là thông qua ẩm thực để giới thiệu du lịch, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc và quảng bá hình ảnh Việt Nam.

Ông Bửu Điền, đại diện của Điền Quân Media cho rằng: “Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan” là bước đi đầu tiên, nhìn xa hơn công ty muốn sản xuất thêm các loạt chương trình tiếp theo, để biến nó trở thành một thương hiệu đẳng cấp về ẩm thực Việt Nam trên thế giới. Đó là lý do Điền Quân chịu đầu tư tới 25.000 USD (chưa kể phát sinh) cho mỗi tập phim, mặc dù triển vọng thu hồi vốn khó khăn.

Ngoài việc phát sóng tại Việt Nam, các kênh truyền hình lớn như AFC, PBS của Mỹ là đối tượng tiếp theo của Điền Quân. Chương trình cũng sẽ được phát sóng đến 25 quốc gia khác tại châu Á và trên thế giới.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here