Chương Tailor: ‘May đo Việt chẳng kém thương hiệu quốc tế’

0
1179

Doanh nghiệp Việt đang nỗ lực cải tổ để cạnh tranh với thương hiệu cao cấp đến từ Mỹ, Nhật Bản… trong sân chơi TPP.

Doanh nhân Dương Văn Chương (Chương Tailor) – chủ tiệm may thời trang nổi danh tại Hà Nội, cho rằng may đo sẽ gặp vô vàn khó khăn nếu các thương hiệu hoạt động trong lĩnh vực này không có các chiến lược cụ thể. Tuy nhiên, cạnh tranh sẽ biến thành cơ hội nếu ngay từ bây giờ, doanh nghiệp tìm cách đổi mới và có chiến lược cải tổ bài bản.

* Hiện có nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa may mặc và may đo, hai phân khúc này có gì khác nhau, thưa ông?

Ngành may mặc là một khái niệm rộng gồm toàn bộ lĩnh vực cung ứng, sản xuất để ra sản phẩm cuối là trang phục. Và cơ bản được chia ra làm 2 nhóm sản phẩm chính là may sẵn (may công nghiệp) và may đo. Cụ thể hơn bạn hình dung giống như một kim tự tháp thì nhóm sản phẩm may đo là phần tháp nhọn trên cùng, thị phần tuy nhỏ nhưng hàm lượng thủ công và độ tinh tế của sản phẩm thì hơn nhiều so với may sẵn. Ở các quốc gia phương Tây họ xếp sản phẩm may đo thuộc nhóm ngành hàng cao cấp và xa xỉ.

* Với các hiệp định song phương và đa phương Việt Nam đã ký kết với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có TPP, theo ông điều này ảnh hưởng như thế nào với các hãng may đo trong nước?

Đây rõ ràng là cơ hội lớn của cả nền kinh tế Việt Nam để bước sang một giai đoạn phát triển mới. Việc có tới 2 trong số 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản trong TPP tạo ra thị trường lớn với hơn 800 triệu dân, chiếm 40% GDP toàn cầu, giao dịch hàng hóa chiếm 30% thương mại toàn cầu, đặc biệt TPP là tự do hóa rộng rãi về hàng hóa, thuế nhập khẩu sẽ về 0%.

Tuy vậy không phải ngành nghề, lĩnh vực nào cũng có cơ hội với TPP. Riêng lĩnh vực may đo, tôi e sẽ gặp vô vàn khó khăn nếu các thương hiệu không có chiến lược cụ thể. Trong phân khúc thời trang cao cấp, sức mua của thị trường rất lớn nhưng chiếm tỷ lệ phần trăm cao nhất trong thị trường lại các thương hiệu nước ngoài gồm các thương hiệu thời trang cao cấp, và xa xỉ.

Trong thời gian tới, khi TPP có hiệu lực, số lượng các thương hiệu nước ngoài sẽ hiện diện tại Việt Nam với số lượng tăng lên rất nhiều nhằm đáp ứng đẩy đủ các phân khúc khách hàng do ưu đãi thuế quan.

* Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?

Một ví dụ điển hình như vừa rồi doanh nghiệp Thái Lan đã thâu tóm đến hơn 2/3 thị phần bán lẻ tại chính thị trường VIệt Nam. Về nhân lực, tay nghề thợ may đo thủ công Việt Nam không hề thua kém bất cứ quốc gia nào. Tôi đã sang Anh, Italy khảo sát thực tế tại các xưởng may của những những thương hiệu thời trang nổi tiếng thì độ sắc nét của đường kim, mũi chỉ có khi còn thua cả thợ Việt Nam.

Với đặc thù là sản phẩm có hàm lượng thủ công cao song với sự hội nhập sâu rộng nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị tốt sẽ đứng trước thực tế là thợ may đo lành nghề bị các doanh nghiệp nước ngoài thu hút hoặc doanh nghiệp Việt chỉ làm gia công hợp đồng cho các thương hiệu nước ngoài.

Lĩnh vực may đo Việt Nam trong thời gian qua chỉ chậm và yếu ở khâu sáng tạo – tạo mẫu, các nhà may đơn thuần chỉ là của chính những thợ may tay nghề cao, nên họ tự điều hành và sản xuất.

Thời gian tới, mọi việc sẽ đổi khác, sự kết hợp của khâu sáng tạo – thiết kế thời trang, gu thẩm mỹ cùng với độ khéo léo lành nghề có sẵn sẽ tạo ra những sản phẩm may đo thời trang hợp thời và tạo nét ấn tượng riêng cho của Việt Nam.

* Chương Tailor – thương hiệu đã gắn bó và quen thuộc với người dân Hà Nội trong nhiều thập kỷ qua. Vậy ông sẽ làm gì để tham gia sâu vào cuộc chơi hội nhập?

Không phải riêng Chương Tailor mà tất cả các nhà may đo khác nếu có sự chuẩn bị, đầu tư tốt tận dụng những lợi thế về tay nghề thì cơ hội để phát triển trở thành thương hiệu mang tính toàn cầu sẽ là rất lớn. Chúng tôi đã nỗ lực cải tổ mạnh mẽ suốt thời gian qua.

Trong suốt 48 năm qua, chúng tôi vẫn là hệ thống cửa hàng may đo Âu phục lớn nhất cả nước. Dù có sẵn nền tảng nhưng chúng tôi cũng đã phải rất nỗ lực để cải tổ và nâng cấp toàn bộ thương hiệu theo các quy chuẩn quốc tế, trước hết nhằm đảm bảo cho việc chống đỡ và cạnh tranh một cách sòng phẳng với các thương hiệu cao cấp đến từ Mỹ, Nhật,… ngay tại sân nhà.

* Định hướng chiến lược của Chương Tailor là gì trong thời gian tới?

Tham gia thị trương TPP, các quốc gia trong khối phải có nguồn gốc hàng hóa, công đoạn sản xuất vải tính từ sợi phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước thành viên trong TPP (yarn forward) mới được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%.

Chiến lược của chúng tôi rất đơn giản khi đã định vị rõ thương hiệu, duy trì vững chắc niềm tin từ các khách hàng cao cấp tại Việt Nam thì chúng tôi sẽ hợp tác với các Quỹ đầu tư quốc tế để đưa các sản phẩm thời trang Chương Tailor ra thị trường trong khối TPP.

Nên ngay từ giai đoạn này ngoài những chủng loại vải nhập khẩu từ châu Âu truyền thống từ trước, chúng tôi cũng đã tiến hành ký kết với các đối tác sản xuất vải của Nhật Bản và Hàn Quốc để cung cấp độc quyền các mẫu vải mới do chính Chương Tailor nghiên cứu thiết kế.

Mỹ và Nhật Bản cũng là những quốc gia chế tạo máy và thiết bị ngành may tiến tiến nhất, do đó, đây cũng là điều thuận lợi cho những doanh nghiệp như Chương Tailor. Bởi chúng tôi xác định sẽ đầu tư để phát triển cả về chất và lượng, tỷ trọng trong sản phẩm vừa đảm bảo yếu tố thủ công, tinh xảo vừa đảm bảo áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến nhằm thoả mãn các yêu cầu khắt khe từ khách hàng cao cấp.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here