Chat app: Cuộc chơi chỉ dành cho những người khổng lồ

0
516

Theo Bloomberg, 2/3 trong số các ứng dụng nhắn tin (chat app) sẽ biến mất trong nay mai để nhường chỗ cho các ông lớn như Messenger, WhatsApp hay WeChat.

Thử nhớ lại lần cuối cùng bạn gọi điện thoại cho một người thân quen là khi nào? Bây giờ tính xem bạn đã thực sự liên lạc với người đó bao nhiêu lần trong tuần vừa qua.

Tại Singapore, có tới 58% xác suất là bạn đã liên lạc với người đó qua một ứng dụng điện thoại, để gửi ghi chú, sticker, emoji, hình ảnh… Nếu bạn sống ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), tỷ lệ này lên tới 71%, theo dữ liệu được thu thập bởi We Are Social. Tại Mỹ, tỷ lệ này rớt xuống 34% còn ở Canada là 37%.

Việc sử dụng các công nghệ mới có thể được coi như chuyện “con gà và quả trứng”: sự ra đời của các ứng dụng nhắn tin (chat app) đã làm gia tăng việc sử dụng mạnh mẽ loại hình liên lạc này, từ đó thúc đẩy sự phát triển của những chat app mới. Ngày nay, có hàng tá các ứng dụng như vậy trên toàn cầu, mà dẫn đầu là WhatsApp và Messenger của Facebook, cũng như QQ và WeChat của Tencent.

Việc thu thập số liệu tăng trưởng không phải là dễ dàng, nhưng theo kết quả nghiên cứu của We Are Social, các mạng xã hội trên điện thoại, bao gồm cả các chat app, đã tăng trưởng 17% trong năm ngoái. Dù vậy, nhóm ứng dụng này mới chỉ đạt mức thâm nhập 27% trên toàn cầu, trong khi có tới 51% dân số thế giới sử dụng điện thoại di động. Do đó, ngành này còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Với tốc độ này, sẽ không lâu nữa, các cuộc gọi thông thường sẽ trở nên lỗi thời và dần mất đi chỗ đứng.

Tại Việt Nam, đa số mọi người sử dụng Zalo và không có mấy người dùng WhatsApp. Ở Indonesia, ứng dụng Blackberry Messenger vẫn được người dân nước này ưu thích, dù thời kỳ vàng son của Research in Motion đã qua từ lâu. Còn người Nga hiện vẫn thích dùng Skype hơn bất kỳ ứng dụng nào khác. Telegram được cho là khá phổ biển ở Iran.

Nếu bạn có ai đó nói rằng sự không đồng nhất về ứng dụng nhắn tin giữa các nước là cơ hội để nhảy vào và kiếm lợi thì lời khuyên là không. Zalo và KakaoTalk (Hàn Quốc) là những trường hợp ngoại lệ. Tính địa phương có thể là lợi thế cạnh tranh hiệu quả với những trang mạng xã hội như VK (mạng xã hội lớn tại Nga nhưng chỉ là thiểu số tại một số thị trường khác), nhưng với chat app thì đó là chuyện khác hẳn. Trong khi mạng xã hội giống như một quán bar rộng lớn, thì chat app lại giống như mạng điện thoại: càng kết nối nhiều với quốc tế thì càng có lợi.

Thực tế là, hầu hết các chat app sẽ gặp khó khăn trong việc tồn tại. Có rất ít ứng dụng sẽ thu hút các nhà đầu tư hào phóng như Pavel Durov của Telegram, hoặc bị mua lại bởi các công ty dồi dào tiền bạc như Facebook, vốm đã chi 19 tỷ USD để mua lại WhatsApp năm 2014.

Điều này có nghĩa, các ứng dụng nhắn tin cần phải biết cách tự tạo ra nguồn thu. Line và Viber đang kiếm tiền dựa vào việc bán sticker và quảng cáo cho các thương hiệu, còn Wechat và một số ứng dụng khác đang kiếm nguồn thu thông qua thương mại điện tử, trò chơi và thu phí người dùng.

Tuy vậy, cả hai mô hình nói trên đều đòi hỏi phải có quy mô lớn. Phát triển một chiến dịch tiếp thị cần phải có thời gian và nguồn lực tài chính, và chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi chat app có thể xác định chính xác thông tin từ hàng trăm triệu người dùng. Đó là lý do tại sao các nhà quảng cáo thích Facebook và WeChat, và đang quan tâm tới sự trỗi dậy của WhatsApp.

Line là một trong số những ứng dụng nhận ra được thách thức này và đang tiến ra toàn cầu bằng cách thích nghi cho phù hợp với thị hiếu từng thị trường. Tại Indonesia, ứng dụng này đang đánh vào các mạng lưới cựu học sinh – sinh viên, đồng thời thêm vào những tính năng có liên quan tới lễ Ramadan.

Không phải ứng dụng nhắn tin nào cũng có thể chuyển hướng như vậy. Về lâu dài, các chat app cần phải xem lại bài học lịch sử của công nghệ điện thoại: có mạng lưới phủ sóng khắp nơi là chưa đủ, mà các mạng khác nhau cũng phải có khả năng tương tác được với nhau. Điện thoại di động và email cũng như vậy. Hotmail, Yahoo và Gmail có thể tồn tại chung cạnh nhau, và việc sử dụng điện thoại chỉ trở nên phổ biến sau khi xuất hiện các thiết bị có thể kết nối toàn cầu.

Hiện nay, giữa các ứng dụng nhắn tin thì ngay cả Facebook Messenger và WhatsApp tuy chung một “nhà” nhưng cũng không hề tương thích với nhau. Những “người hùng địa phương” như KakaoTalk và Zalo có thể nắm một thị phần khá lớn tại thị trường gốc. Nhưng với việc WhatsApp, WeChat và Line cũng đang cung cấp những dịch vụ tương tự trên phạm vi toàn cầu, thì xem ra tính tiện lợi rốt cuộc sẽ chiến thắng tinh thần dân tộc. Khi điều này xảy ra, đó sẽ là lúc hơn hai phần ba trong số các ứng dụng nhắn tin sẽ biến mất vĩnh viễn.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here