Câu chuyện kinh điển về “thù trong giặc ngoài” khiến Tribeco biến mất

0
736

Thương vụ thâu tóm Tribeco của Uni-President Việt Nam (công ty mẹ tại Đài Loan) khiến nhiều vẫn đang đặt dấu hỏi về nguyên nhân khiến một thương hiệu lịch sử hơn 20 năm bỗng nhiên thành kẻ nợ nần để rồi giải thể. 

Thời vàng son và “tiếng chuông” báo hiệu Tribeco cáo chung 

Là một trong số rất ít thương hiệu nước giải khát được ra đời những năm đầu đổi mới, ngay sau khi Luật Công ty ra đời, năm 1992 Công ty trách nhiệm hữu hạn Tribeco được thành lập với số vốn điều lệ là 8,5 tỷ đồng với lĩnh vực kinh doanh Chế biến thực phẩm, sản xuất sữa đậu nành, nước ép trái cây, nước giải khát các loại; Mua bán hàng tư liệu sản xuất (vỏ chai, hương liệu….) và các loại nước khát; Sản xuất, kinh doanh, chế biến lượng thực; Sản xuất rượu nhẹ có ga (Soda hương)…

Trong đó phần vốn của Nhà nước góp vào Tribeco chiếm 51% vốn điều lệ, phần còn lại 49% là vốn của các cổ đông bên ngoài. Cuối năm 1999, Nhà nước chấp nhận chuyển 51% vốn của Nhà nước tương ứng với số tiền 11.425 tỷ đồng cho tư nhân (vốn điều lệ của Công ty tại thời điểm chuyển nhượng là 22.403 tỷ đồng). 

Tribeco từng chiếm đến 25% thị phần nước giải khát không có ga vơi sản phẩm chủ lực là sữa đậu nành.

Ngày 16/2/2001 là mốc son của Tribeco khi đơn vị này chuyển mình trở thành Công ty Cổ phần Nước Giải khát Sài Gòn Tribeco. Đến tháng 4 năm này, Tribeco sáp nhập Công ty cổ phần Viết Tân vào Công ty Cổ phần Nước Giải khát Sài Gòn Tribeco, nâng vốn điều lệ của Công ty mới lên 37.403 tỷ đồng. 

Đến cuối năm 2001, Tribeco niêm yết cổ phiếu (mã cổ phiếu TRI) giao dịch tại sàn chứng khoán TP.HCM điều này đã giúp tăng vốn điều lệ của Tribeco từ 37.903 tỷ đồng lên 45.483 tỷ đồng.

Những năm này đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Tribeco mặc cho những thương hiệu giải khát lớn của nước ngoài có mặt tại Việt Nam như Pepsi hay Coca-Cola. Xét về thị phần nước ngọt có ga trong nước, công ty chiếm khoảng 15 đến 20%, còn đối với nước không có ga như sữa đậu nành, trà… Tribeco chiếm khoảng 25%.

Đến giữa năm 2005, Công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô khi đó đang là thương hiệu bánh kẹo mạnh của thị trường nội địa, tham vọng mở rộng sang nước giải khát đã chọn Tribeco để đầu tư. 

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô lúc đó đã cho rằng, muốn lập một công ty nước giải khát mới nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để làm thương hiệu, mở kênh phân phối, quảng bá sản phẩm… Tribico là lựa chọn tối ưu nhất cho tham vọng này. 35,4 % cổ phần của Tribico được Kinh Đô mua lại và vị Tổng giám đốc Kinh Đô lúc đó không giấu giếm khi cho biết: “Việc thâu tóm Tribeco nằm trong định hướng của công ty”. 

Tham vọng của Kinh Đô đặt vào “ván bài” này là sẽ giúp tăng doanh số của Tribeco tăng 30% mỗi năm và sau 3 năm là tăng 100%. 

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Xuân Luân – Tổng giám đốc Tribeco lúc đó cho rằng, đó là quyết định 2 bên cùng có lợi, Tribeco nếu không hợp tác để đẩy mạnh phát triển sẽ sớm bị đối thủ ngoại tranh mất thị trường.

Sau khi có cổ đông lớn là Kinh Đô, trong hai năm 2006 và 2007, Tribeco tiếp tục xây 2 nhà máy lớn là Tribeco Bình Dương vốn điều lệ ban đầu là 50 nghìn tỷ đồng sau tăng lên là 200 nghìn tỷ đồng. Tiếp tục sau đó Tribeco vươn ra miền Bắc, với Tribeco Miền Bắc (Hưng Yên) vốn ban đầu 80 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ góp vốn Tribeco 80%, Kinh Đô 20%.

Vào đầu năm 2007, Tribeco lại tiếp tục bán 15% cổ phần cho đối tác đến từ Đài Loan Uni-President. Số tiền có được Tribeco quyết định đầu tư xây dựng thêm 2 nhà máy đi vào hoạt động với công suất gần trăm triệu két/năm. 

Tuy nhiên thị trường tiêu thụ lại giảm khiến doanh số bán ra của Tribeco từ trên 8 triệu két đến năm 2007 tụt còn 6 triệu két/năm. Đây cũng là tiếng chuông báo hiệu cho việc thua lỗ của Tribeco.

Sập bẫy, nợ nần rồi… biến mất

Ai cũng nghĩ, việc “kết duyên” với hai ông lớn là Kinh Đô và Uni-President sẽ giúp Tribeco sẽ thoát khỏi khó khăn. Nhưng thực tế ngược lại khó khăn của Tribeco ngày càng tăng thêm. 

Thay vì tư vấn để đưa bánh lái con tàu Tribeco về đúng quỹ đạo, Uni-President chỉ biết “bơm vốn” để rồi lãnh đạo Tribeco thỏa sức đầu tư không cần biết đến hiệu quả. Và chỉ sau 1 năm Uni-President đặt chân vào, Tribeco đã đối mặt với chuỗi quý thua lỗ dài.

Tính từ quý 4/2008 tới cuối năm 2011, Tribeco lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Theo thông báo của Tribeco tại đại hội cổ đông 7 tháng đầu năm 2012, Tribeco lỗ tiếp gần 100 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối tháng 7/2012 lên đến 412 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng. 

Thương hiệu nước giải khát Tribico đã biến mất trên thị trường từ năm 2012 

Nguyên nhân khiến Tribeco lỗ triền miên do vay tiền xây nhà máy nhưng không chạy hết công suất, doanh số bán ra ngày càng giảm, Tribeco rơi vào cảnh nợ nần. Thậm chí phải đi vay vốn để nuôi 2 nhà máy mới ở Bình Dương và Hưng Yên. 

Đỉnh điểm là cuối năm 2008, Tribeco tuyên bố lỗ 145 tỉ đồng, vốn âm hơn 5 tỉ đồng, mặc dù 3 quý đầu năm lại báo lãi. Năm 2009, Tri lỗ tiếp 82 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm trên 20 tỉ đồng và đến cuối 2011, TRI lỗ lũy kế lên đến 312 tỉ đồng.

Cũng chính thua lỗ triền miên, năm 2010, Tribeco đã bán hết cổ phần Tribeco Miền Bắc, cuối năm 2011 bán hết Tribeco Bình Dương. Chấm dứt giấc mơ mở rộng sản xuất và thị phần ngắn ngủi.

Cuối tháng 8/2012, Đại hội cổ đông bất thường của Tribeco Sài Gòn đã tuyên bố giải thể doanh nghiệp. Cổ phần trôi nổi của công ty được HĐQT mua lại với chỉ 2.300 đồng. Điều đáng nói là khi giải thể, Uni-President đã nắm 43,6% cổ phần của Tribeco (3 năm trước là 15%) và trở thành chủ nhân mới của Tribeco Bình Dương.

Thay vì tư vấn để đưa bánh lái con tàu Tribeco về đúng quỹ đạo, Uni-President chỉ biết “bơm vốn” để rồi lãnh đạo Tribeco thỏa sức đầu tư không cần biết đến hiệu quả. 

Sau cú sốc năm 2008, kết quả kinh doanh của Tribeco sau đó không thể tệ hơn khi lỗ 12/13 quý liên tiếp. Thời gian này, rất nhiều lần cổ phiếu Tribeco nằm trong danh sách hạn chế hay tạm ngưng giao dịch để công ty công bố thông tin giải trình về tài chính.

Những quỹ đầu tư nước ngoài như Citigroup Global Market Ltd., Vietnam Investment Limited dù kiên định bám trụ thị trường Việt Nam sau khủng hoảng năm 2008 cũng tháo chạy ra khỏi Tribeco.

Và 24/8/2012, Tribeco đã tổ chức đại hội bất thường để xin ý kiến cổ đông thông qua việc giải thể công ty. Tới đầu tháng 9, mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn do Tribeco Bình Dương tiếp nhận. Như vậy, Tập đoàn Đài Loan nay đang kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát Việt Nam. Uni-President Việt Nam nắm quyền chi phối và sở hữu 100% Tribeco Bình Dương.

Nội tình ít biết khiến Tribeco không thể “sống”

Nguyên nhân khiến Tribeco biến mất do đầu tư dàn trải vào các nhà máy trong khi doanh số bán hàng sụt giảm nhưng bên cạnh việc đầu tư vội vàng, nguyên nhân khiến Tribeco bị đối tác nước ngoài thâu tóm lại nằm ở “nội thù”. 

Sau khi thương hiệu Tribeco chính thức thuộc về Uni-President, giới kinh doanh cho rằng việc thâu tóm Tribeco của đối tác nước ngoài có sự “tiếp tay” của các cổ đông lớn. Cụ thể tại Đại hội cổ đông thường niên vào tháng 6/2012, toàn bộ thành viên trong HĐQT là người của Kinh Đô đồng loạt từ nhiệm. Kinh Đô cũng thoái vốn hoàn toàn khỏi Tribeco, giao quyền kiểm soát Tribeco cho đối tác Đài Loan. 

Trước đó thất bại nặng nề khi đầu tư tài chính vào các nhà máy mà không có tính toán là một trong các nguyên nhân khiến Tribeco lỗ thê thảm. Sai lầm chiến lược này không phải do Uni-President mà do Kinh Đô tư vấn.

Đánh giá việc Tribeco liên tiếp lỗ sau nhiều năm dẫn đến giải thể, Giám đốc tiếp thị một doanh nghiệp nước giải khát cùng ngành nhận xét: Trên góc độ sổ sách, hành trình đi xuống của Tribeco bắt đầu từ cuối năm 2008 nhưng thực tế diễn ra trước đó khá lâu.

Sau ngày Kinh Đô vào Tribeco, thay vì cử nhân sự cao cấp sang điều hành trực tiếp, cổ đông lớn chọn cách sử dụng nhân sự cũ. Tuy nhiên, có thể đây là một nước cờ nhầm vì sau khi Kinh Đô mua cổ phần người ta có cảm giác Tribeco chạy “tự động” một thời gian dài mất lái trước khi Kinh Đô nhận ra vấn đề và điều chỉnh.

Người ta thấy một thời gian lãnh đạo Tribeco có mặt ở sân golf nhiều hơn ở công ty. 

Bên cạnh việc đầu tư vội vàng, nguyên nhân khiến Tribeco bị đối tác nước ngoài thâu tóm lại nằm ở “nội thù”. 

Trong khi đó, một thành viên Hội đồng quản trị cũ nhận xét, đến thời điểm đó Tribeco không giới thiệu được một sản phẩm chủ lực nào để định vị tên tuổi. Chẳng hạn như, sản phẩm Trà xanh 100 giống một bản sao mờ nhạt sản phẩm cùng loại của Tân Hiệp Phát, sản phẩm sữa đậu nành được ưa thích một thời bị các cơ sở chế biến nhỏ nhái tràn lan. Nhiều nhãn hàng còn lại tỏ ra không mấy cạnh tranh. 

Nhận xét việc Tribeco bị thâu tóm, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, một trong các chiêu mà công ty nước ngoài thường xuyên sử dụng để hất cẳng đối tác Việt nhằm thâu tóm liên doanh chính là việc “tạo điều kiện” cho liên doanh thua lỗ triền miên. Có nhiều cách khiến doanh nghiệp lỗ, trong đó phổ biến nhất là tăng chi phí qua khuyến mại, tăng lương nhân viên.

Một chuyên gia chứng khoán phân tích không loại trừ khả năng cổ đông lớn thực hiện thủ thuật chuyển giá, vốn. Đây là chiêu hay được các công ty nước ngoài có công ty con ở nước khác áp dụng.

Chuyên gia này cho biết đã có trường hợp công ty mẹ thành lập công ty con ở nước khác, sau đó, công ty con sẽ bán sản phẩm giá thấp ra thị trường, một phần bán về cho công ty mẹ. Kết quả là công ty con sẽ bị lỗ dẫn đến không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước. Còn công ty mẹ thì mua được hàng giá rẻ và bán với giá bằng giá thị trường nước ngoài để hưởng lãi riêng.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here