Apple vẫn là ngôi sao dù không có Steve Jobs

0
911

5 năm sau sự ra đi của CEO huyền thoại, Táo Khuyết vẫn ngày càng lớn mạnh, bất chấp những lo ngại về tương lai khi thiếu một lãnh đạo có tầm nhìn.

Apple có lợi nhuận tài khóa 2015 lên tới 53 tỷ USD, trên doanh thu 234 tỷ USD. Cả hai số liệu này đều gấp đôi so với năm cuối cùng Jobs còn tại vị, trước khi qua đời vì ung thư tuyến tụy ngày 5/10/2011.

Vốn hóa của hãng cũng lên trên 600 tỷ USD, dưới mức đỉnh năm 2015, nhưng cũng hơn gấp đôi so với năm 2011. Bên cạnh đó, họ còn là công ty giá trị nhất thế giới, xếp trên Alphabet – công ty mẹ của Google.

Năm 2007, họ được coi là đã tái định hình thị trường smartphone, với sự ra mắt của iPhone, đồng thời tạo ra hệ sinh thái đa dạng cho các ứng dụng điện thoại. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại nghi ngờ Apple đang mất đà.

“Anh rất khó liên tục sáng tạo khi đã tạo ra một sản phẩm thành công. Với mỗi thế hệ thành công tiếp theo, việc này lại càng trở nên khó khăn. Câu hỏi đặt ra sẽ là ‘Sắp tới cho ra siêu phẩm gì đây’ và anh cũng chẳng thể biết việc này sẽ đi đến đâu”, Jack Gold – nhà phân tích công nghệ tại J. Gold Associates cho biết.

Vivek Wadhwa – Giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon thì thẳng thắn hơn. Ông cho rằng Apple đang sống nhờ vào những đột phá từ thời kỳ đầu, và chẳng có thêm gì mới. “Chúng tôi thấy Apple không có sáng tạo lớn nào từ khi Steve Jobs ra đi”, ông cho biết. Với iPhone 7 mới, Wadhwa nhận xét Apple quảng cáo tốt, nhưng thiết bị vẫn chỉ như cũ mà thôi.

Apple đã chuyển sang nhiều dịch vụ mới, như nghe nhạc trực tuyến và thanh toán qua di động. Họ cũng được cho là đang nghiên cứu công nghệ thực tế ảo và xe tự lái. Tuy nhiên, đa phần doanh thu và lợi nhuận vẫn đến từ iPhone.

“Họ vẫn chưa tìm ra mình muốn tạo ra cái gì. Nếu muốn làm Apple Car, họ nên tung ra ngay để cạnh trạnh với Tesla”, Wadhwa cho biết.

Người kế nhiệm của Jobs – Tim Cook đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì giữ được nhịp tăng trưởng ổn định cho Apple, dù không ai coi ông là kiểu lãnh đạo như Jobs. “Tim Cook là kiểu người thực hiện. Ông ấy là người tuyệt vời trong việc tạo ra chuỗi cung ứng để làm ra mọi thứ”, Jan Dawson – nhà nghiên cứu tại Jackdaw Research cho biết, “Ông ấy biết điểm hạn chế của mình. Ông ấy biết mình không phải là người diễn thuyết có sức hút nhất. Ông ấy cũng biết mình không phải Steve Jobs”.

Dù vậy, Dawson vẫn coi Cook là người thành công, vì đã giúp Apple không đi chệch hướng. Apple đã tăng gấp đôi chi tiêu vào nghiên cứu và phát triển từ khi Cook nhậm chức.

“Họ vẫn gắn bó với khoảng giá đó và trải nghiệm cao cấp cho người dùng. Việc này không thay đổi từ thời Steve Jobs đến nay”, ông cho biết.

Apple thành công không phải vì là người tiên phong trong phân khúc này, mà là vì khả năng cải thiện và hoàn hảo hóa sản phẩm. “Họ không phải người đầu tiên làm ra máy nghe nhạc MP3, smartphone hay máy tính bảng. Mà họ chờ cho đến khi cải cách được sản phẩm mới tung ra. Đó là những gì Apple đã làm dưới thời Steve Jobs”, Dawson nói.

Ông không rõ liệu Apple có ở vị trí khác bây giờ hay không, nếu Jobs còn sống. Vì thị trường smartphone đã gần như bão hòa và cạnh tranh từ các đối thủ khác rất gay gắt.

Wadhwa thì cho rằng Cook đã có cơ hội “tái phát minh” công ty. Nhưng ông không làm được điều đó. “Ông ấy căn bản chỉ là một người thực hiện, sống trong quá khứ mà thôi”, Wadhwa cho biết.

Với số tiền mặt khổng lồ hiện tại, Wadhwa cho rằng Apple có thể mua hãng xe điện Tesla và đưa Elon Musk lên vị trí lãnh đạo. “Anh cần có một tầm nhìn điên rồ để lãnh đạo công ty. Mọi người đã rất kiên nhẫn, vì tất cả chúng ta đều yêu Apple. Tôi cũng thế. Vì vậy, giờ vẫn chưa quá muộn để bảo vệ công ty đâu”, ông cho biết.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here