Từ mạng xã hội ảo đến bi kịch thật: có cần khuôn khổ?

0
667

Khi ngồi trước màn hình, không ít người chưa ý thức được hành vi xử sự của mình với mỗi cú click hoặc những dòng bình luận. Thế nên hệ lụy từ mạng ảo đã thành vô số bi kịch thật.

Khi thảo luận dự án Luật an toàn thông tin mạng đã có đại biểu Quốc hội đề nghị đưa mạng xã hội vào khuôn khổ. Đó là khuôn khổ gì, nên hay không?

* Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Nguyễn Bắc Son

Rất khó quản lý mạng xã hội

Có thể nói, công nghệ thông tin và Internet đang làm thay đổi xã hội hằng ngày, hằng giờ với những mặt tích cực và tiêu cực song hành tồn tại. Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin trên mạng đứng trước thách thức rất lớn.

Tôi hiểu rằng thực tiễn luôn đi trước, công tác quản lý lại có độ trễ nhất định. Mong muốn của chúng tôi khi trình Quốc hội dự án Luật an toàn thông tin mạng là làm sao đưa ra được những quy định khả thi nhất, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, tác hại của Internet, mạng xã hội.

Đại biểu Quốc hội mong muốn rất cao là đạo luật này ra đời phải điều chỉnh được nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra như tin nhắn rác, mất an ninh thông tin, chuyện blog cá nhân, rồi các trang mạng bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ…

Tôi nghĩ, luật này khi ra đời hi vọng sẽ giải quyết được một số vấn đề, nội dung trong việc bảo đảm an toàn thông tin chứ không thể giải quyết được tất cả những vấn đề đang gây bức xúc xã hội.

Để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng, ở các nước người ta có nhiều đạo luật khác nhau, chẳng hạn như Úc có hẳn một đạo luật về an toàn cáp quang biển, nhiều nước có luật về an toàn thông tin cá nhân (như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan)…

Khuyến khích 
đưa thông tin tốt

* Thưa ông, qua thảo luận, đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến sự phát triển của các mạng xã hội và hệ lụy mà nó gây ra, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, như có đại biểu đã dẫn chứng trường hợp nữ sinh ở Đồng Nai tự tử vì sức ép trên mạng… Làm sao để vừa quản lý vừa ngăn ngừa độc hại, vừa đảm bảo không gian dân chủ trên mạng?

Từ chuyện này đặt ra nhiều vấn đề. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ Thông tin – truyền thông, phải có trách nhiệm xem xét, hoàn thiện hành lang pháp lý.

Về phía các nhà dịch vụ mạng, phải thấy rằng anh đưa thông tin đó lên sẽ dẫn đến tổn hại đối với xã hội, không chỉ dẫn một con người đến chỗ suy nghĩ cực đoan do bị áp lực của dư luận, mà những hình ảnh đó còn tác động tiêu cực đến cộng đồng vì nó ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trách nhiệm của các nhà mạng là khi phát hiện những clip như vậy phải kịp thời ngăn chặn bằng biện pháp kỹ thuật, hạn chế tối đa sự lan truyền. Về phía các gia đình cũng phải có trách nhiệm trong quản lý, giáo dục, hướng dẫn con cái khi tham gia mạng xã hội.

Đặc biệt, đối với mỗi người phải có ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, góp phần làm cho xã hội tốt hơn, chứ anh đưa lên những thông tin bịa đặt, bôi nhọ, gây tổn hại đến người khác thì không thể chấp nhận được.T

* Vấn đề được nhiều người quan tâm là việc quản lý, kiểm soát đối với các cá nhân tham gia mạng xã hội như thế nào, từ việc truy cập, thu thập và cung cấp thông tin…?

Cùng với việc hoàn thiện các khung khổ pháp lý, đưa ra những chế tài thích đáng cho các hành vi sai trái, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người nhận thức được trách nhiệm, bổn phận của mình.

Mỗi người khi tham gia cộng đồng mạng phải có ý thức bảo vệ mình, đồng thời ý thức được mỗi việc mình làm, mỗi thông tin mình đưa lên không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và xã hội.

Chúng ta khuyến khích tổ chức, cá nhân đưa những thông tin tốt, thông tin có ích cho xã hội, phù hợp với pháp luật và đạo đức VN lên mạng. Khi mà mọi người đều có ý thức bảo vệ những thông tin tốt, chống lại thông tin xấu, độc thì an toàn thông tin mạng sẽ được đảm bảo.

Khi phát hiện những thông tin xấu, độc, mọi người cần lập tức báo cho cơ quan chức năng và đưa ra cảnh báo đối với cộng đồng thì tác dụng độc hại sẽ giảm bớt.

Thông tin bịa đặt, 
xuyên tạc, sai sự thật phải bị chế tài

* Có đại biểu đề nghị cần cấm mạo danh trên Facebook, ông nghĩ gì về đề xuất này?

Facebook hoạt động xuyên biên giới, mọi người đều có quyền và có thể truy cập, tạo tài khoản cá nhân để tham gia, không cần phải đăng ký với ai cả. Nếu bây giờ chúng ta đặt vấn đề quản lý, cấm và ra chế tài thì đó là một thách thức rất lớn.

Bạn có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu, lên mạng, tham gia Facebook bằng một nickname rất dễ dàng. Để cấm được như đại biểu đề xuất, ví dụ như buộc người sử dụng phải đến cơ quan nào đó đăng ký và cam kết dùng tên thật thì hiện nay là chưa thể.

Mong muốn của chúng ta là có khung khổ pháp lý để mọi hành vi của con người trong xã hội tự do trong khuôn khổ pháp luật, để tự do của người này không xâm phạm đến tự do của người khác.

Nếu dùng Facebook để bôi nhọ, lăng mạ, xúc phạm người khác hoặc đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật phải bị chế tài thích đáng bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Hiến pháp thừa nhận quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, nhưng nếu ai đó lợi dụng quyền tự do để xâm hại đến lợi ích chính đáng của người khác, xâm phạm đến lợi ích quốc gia phải bị nghiêm trị.

Lập một Facebook và đăng tải thông tin là quyền tự do cá nhân, nhưng nếu dùng Facebook đó để bôi nhọ, lăng mạ, xúc phạm người khác hoặc đăng tải thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật phải bị chế tài thích đáng bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật.

* Những thông tin xuất phát từ các blog, trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài như vừa qua có những trang mạng thu hút sự chú ý bằng cách đưa rất nhiều thông tin bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước… làm sao có thể hạn chế được?

Những thông tin xuyên biên giới thì hiện nay không chỉ thách thức đối với VN mà là vấn đề thách thức đối với cả thế giới. Chúng ta cũng đã thực hiện nhiều biện pháp.

Hiện nay có tám công ty cung cấp dịch vụ này được phép hoạt động thì cũng đang phối hợp với cơ quan nhà nước dùng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn. Đương nhiên, các biện pháp kỹ thuật cũng không thể ngăn chặn được tuyệt đối.

Chính vì vậy, chúng ta cần có nhìn nhận khách quan và có hệ thống giải pháp đồng bộ cho vấn đề này. Tôi lấy ví dụ, trước đây những trang mạng như “quan làm báo”, “dân làm báo” lúc đầu người dân xem cũng nhiều, nhưng qua thời gian chúng ta tuyên truyền thì dân xem ít đi và cũng không xem nữa.

Vì vậy, quan trọng nhất là chúng ta tuyên truyền để mọi người có ý thức bảo vệ chính mình và bảo vệ cho xã hội, cho cộng đồng. Nếu trên mạng có nhiều thông tin chân thực, thông tin tốt, phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục VN sẽ góp phần đẩy lùi cái xấu.

* Như vậy ở đây phải đặt vấn đề về vai trò, trách nhiệm rất lớn của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin chính thống cho người dân, cho xã hội?

Đúng như vậy. Từ năm 2008 Thủ tướng đã ban hành quy chế người phát ngôn. Sau đó, nhận thấy rằng quy định này không còn phù hợp về mật độ thời gian cung cấp tin tức nên đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013.

Nếu trước đây có thể ba tháng họp báo một lần thì bây giờ phải họp báo hằng tháng. Các cơ quan, bộ, ngành, địa phương phải đưa thông tin của mình lên cổng thông tin chính thức.

Đối với các sự kiện đột xuất trước đây quy định sau hai ngày mới họp báo, còn bây giờ với những thông tin nào ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội thì cơ quan có trách nhiệm phải cung cấp thông tin ngay trong ngày.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here