Thoái 50% vốn khỏi Masan: KKR có hối tiếc?

0
876

Việc thoái vốn 50% cho thấy KKR vẫn muốn giữ cơ hội được suất sinh lợi cao hơn trong tương lai cho phần vốn đầu tư còn lại.

Khung thời gian đầu tư của các quỹ đầu tư tư nhân cụ thể như thế nào? Khi nào thì nên thoái vốn? Đây là những câu hỏi có lẽ khó tìm được lời giải hợp lý vì cơ cấu hoạt động và chiến lược của mỗi quỹ là khác nhau. Trên thực tế, cũng có một số thương vụ thoái vốn của các quỹ đầu tư dù mang lại lợi nhuận khả quan, nhưng cũng để lại một chút hối tiếc cho giới tài chính.

Mới đây, một trong những quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới là KKR (Mỹ) đã bất ngờ thoái khoảng 50% vốn đầu tư khỏi Công ty thực phẩm tiêu dùng Masan (Masan Consumer), thành viên nòng cốt của Tập đoàn Masan.

Lần thoái vốn này được cho là mang lại cho KKR suất sinh lợi lên tới 100% so với khoản đầu tư ban đầu. Tỉ lệ sở hữu còn lại của KKR tại doanh nghiệp thực phẩm chưa niêm yết này hiện còn khoảng 10%.

Giám đốc Truyền thông khu vực châu Á – Thái Bình Dương của KKR, ông Steven Okun, từ chối trả lời các câu hỏi chi tiết của NCĐT liên quan đến việc thoái vốn, nhưng nói rằng: “KKR vẫn là đối tác với Masan và tiếp tục làm việc với doanh nghiệp này trong các kế hoạch mở rộng kinh doanh”.

Có lẽ, việc thoái vốn chỉ 50% cũng cho thấy KKR vẫn muốn giữ lại cơ hội có được suất sinh lợi cao hơn trong tương lai cho phần vốn đầu tư còn lại ở Masan Consumer.

KKR trở thành cổ đông lớn của Masan Consumer từ năm 2011 với giá trị đầu tư ban đầu 159 triệu USD. Hai năm sau, KKR tiếp tục rót thêm 200 triệu USD để nâng gấp đôi tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này, với kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng tiêu dùng ngày càng nhiều các loại thực phẩm, thức uống và gia vị của Việt Nam. Sau 4 năm gieo hạt, giờ thì KKR đã tính đến chuyện hái quả.

Nhưng vì sao KKR lại chọn thời điểm này để thoái vốn một phần? KKR là quỹ đầu tư toàn cầu nên theo định kỳ, họ phải rà soát lại danh mục đầu tư và có thể cần phải luân chuyển dòng tiền đến các địa điểm đầu tư khác. Thực tế thì trong nửa đầu năm nay, KKR đã tiến hành nhiều thương vụ đầu tư mới vào các lĩnh vực bất động sản, gỗ gia dụng, dịch vụ giáo dục, năng lượng, hệ thống bán lẻ ở các quốc gia châu Âu, Mỹ, Úc và Trung Quốc.

Ngoài ra, “thoái vốn khỏi Masan Consumer có thể còn nằm ở khung thời gian đầu tư của họ”, ông Marc Djandji, Giám đốc Ðiều hành phụ trách khách hàng tổ chức của Công ty Chứng khoán VPBank, nhận định với NCĐT.

Nhưng liệu việc thoái vốn của KKR có diễn ra hơi sớm? Trước đây, một quỹ đầu tư tư nhân khác là Mekong Capital đã quyết định thoái vốn hoàn toàn khỏi Masan Consumer chỉ sau 1,5 năm đầu tư. Tuy đợt thoái vốn này mang lại tỉ lệ hoàn vốn gộp 2 lần, nhưng như thừa nhận về sau của Tổng Giám đốc Mekong Capital Chris Freund, hành động đó đã diễn ra quá sớm.

Năm 2014, Mekong Capital cũng thực hiện một thương vụ thoái vốn khá “đình đám” khỏi chuỗi nhà hàng ẩm thực Cổng Vàng với tỉ lệ hoàn vốn thuần lên đến 9,1 lần, sau 6 năm đầu tư.

Rõ ràng, cơ hội hưởng được những mức sinh lợi siêu hấp dẫn trên thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam vẫn còn đó. Ðặc biệt là ở những doanh nghiệp có thị phần dẫn đầu và thương hiệu lớn như Masan Consumer. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, đại diện truyền thông của tập đoàn Masan Group, cho biết việc thoái vốn của KKR lần này sẽ không gây ra tác động lớn đối với Masan Consumer.

“KKR vẫn còn đại diện ngồi trong ban quản trị mới được bầu ra vào tháng 5 vừa qua. Họ vẫn đóng góp những kiến nghị, nhưng việc vận hành Công ty hằng ngày vẫn do 5.000 người Việt Nam quản lý và điều hành”, bà Vân nói. Bà cũng từ chối chia sẻ với NCĐT về bên nhận chuyển nhượng ở thương vụ này.

Kết quả kinh doanh trong năm 2014 của Masan Consumer là khá tốt. Cụ thể, doanh thu tăng trưởng 10% và đạt kỷ lục với hơn 13.000 tỉ đồng. Lợi nhuận ròng tăng 5%, đạt khoảng 3.425 tỉ đồng. Với tỉ lệ lợi nhuận biên khoảng 26%, hiệu quả hoạt động của công ty này có lẽ sẽ khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành cảm thấy ghen tị.

Năm ngoái, Masan Consumer cũng đã thành lập thêm công ty con Masan Beverage, nằm trong chiến lược tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Công ty còn mở thêm 2 nhà máy sản xuất tại Đà Nẵng và Nghệ An, nhằm gia tăng thêm thị phần tiêu thụ ở miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Cũng trong năm 2014, Masan Consumer đã mua lại 33% cổ phần của Thực phẩm Cholimex; và hoàn thành việc mua lại công ty chuyên sản xuất xúc xích và thực phẩm hộp Saigon NutriFood.

Cùng lúc đó, các sản phẩm của công ty con Vinacafé cũng bắt đầu hiện diện trên các chuyến bay của Vietnam Airlines và đoàn tàu của Ðường sắt Việt Nam. Sản lượng cà phê của Masan dự kiến sẽ tăng lên gấp 3 trong thời gian tới, khi nhà máy mới ở Long Thành (Đồng Nai) của họ đã đưa vào vận hành từ năm ngoái.

Nhìn chung, Masan Consumer đang nỗ lực để tái cấu trúc cơ cấu ngành hàng từ mì gói, các loại thực phẩm tiện lợi cho đến thức uống đóng chai. Nhờ đó, theo đánh giá của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang, quy mô thị trường để Masan Consumer có thể tóm lấy đã tăng từ 1,1 tỉ USD lên 5 tỉ USD.

Gần đây, Masan Group cũng tiến sâu hơn vào mảng tiêu dùng nội địa qua việc thiết lập công ty Masan Nutri-Science, với tham vọng cạnh tranh thị phần thức ăn chăn nuôi bất chấp mức độ cạnh tranh trên thị trường này đang khốc liệt hơn bao giờ hết.

Tất nhiên, không phải mọi thứ điều là màu hồng đối với doanh nghiệp thực phẩm tiêu dùng này. Năm ngoái, dù doanh thu tiếp tục tăng trưởng nhưng so với kế hoạch đặt ra, Masan Consumer chỉ hoàn thành được 83%. Mức độ hoàn thành lợi nhuận cũng thấp hơn so với kế hoạch. Có lẽ điều này đã mang lại một chút băn khoăn nhất định cho các cổ đông về khả năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn của Công ty.

Đầu năm nay, Masan Consumer Holdings (công ty mẹ của Masan Consumer) bất ngờ công bố phát hành thêm 9.000 tỉ đồng trái phiếu. Ðây là một thương vụ kỷ lục trên thị trường tài chính doanh nghiệp. Số tiền thu về được dự kiến dùng để trả nợ cũ, giảm chi phí vốn, cải thiện bảng cân đối kế toán, cũng như có thể được dùng để tài trợ cho các hoạt động mở rộng sản xuất và kinh doanh của Công ty, bao gồm cả các hoạt động mua bán sáp nhập.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here