Liên doanh, tái cấu trúc hay gia công?

0
635

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt buộc phải đứng trước 3 lựa chọn: liên doanh với đối tác ngoại để nâng vị thế thương hiệu và chất lượng sản phẩm, hoặc quyết liệt cải tiến đầu tư, nâng chất lượng sản phẩm, hoặc chấp nhận làm thuê, gia công cho doanh nghiệp ngoại.

Liên doanh hợp tác với doanh nghiệp (DN) ngoại không phải là lựa chọn mới mà thực tế hơn 20 năm trước, đã có nhiều DN trong nước lĩnh vực sản xuất đã tiến hành. Và thực tế, không phải cái bắt tay nội – ngoại nào cũng cơm lành canh ngọt.

Bắt tay và… mất trắng

Lịch sử phát triển của cộng đồng DN Việt từng chứng kiến nhiều cái bắt tay song thực chất là thâu tóm. Đơn cử như trường hợp thương hiệu nước giải phát Tribeco, từng liên doanh với một đối tác của Đài Loan, sau một thời gian đã chính thức thuộc về Uni – President VN, công ty có 100% vốn nước ngoài. Hoặc với trường hợp hợp tác giữa thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan với Colgate, đến nay, trên thị trường sản phẩm kem đánh răng Dạ Lan đã vắng bóng hoàn toàn.

Hoặc với ngành điện tử, trước thời điểm VN được tháo bỏ lệnh cấm vận, VN từng có thương hiệu điện tử mang tên Viettronic có “số má” tại thị trường nội địa. Tuy lắp ráp từ các linh kiện của Hãng Panasonic, song các sản phẩm lắp ráp như radio cassette, ti vi đen trắng 14 inch hiệu Viettronic đã “vang bóng một thời” tại thị trường nội địa và tạo dấu ấn tốt cho người tiêu dùng VN. Tuy nhiên, sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận, hàng loạt các DN điện tử nước ngoài ồ ạt vào VN, chủ yếu lắp ráp để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu và kể cả không loại trừ khả năng tiến đến thôn tính thị trường Việt, Viettronic nhanh chóng liên doanh với Sony, Panasonic, Toshiba… Đến nay, thương hiệu điện tử Viettronic cũng vắng bóng trên thị trường, nhường chỗ cho các thương hiệu danh tiếng đến từ Nhật, Hàn, Thái.

Với ngành hàng bán lẻ, cũng nằm trong chiến lược đón đầu hội nhập sâu, cách đây hơn 6 năm, sau khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, đã từng có dự án liên kết giữa các nhà phân phối nội được gọi là Trung tâm phân phối VN, do Co.opMart, Hapro, Phú Thái và Satra thành lập. Mục đích là bảo vệ ngành bán lẻ và sản xuất nội địa trước làn sóng bán lẻ ngoại vào VN. Tuy nhiên, đến nay dự án này dường như mới chỉ nằm trên giấy. Lựa chọn liên doanh cũng chỉ là một trong các giải pháp tốt nhất cho nhà bán lẻ nội, song với chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, những cái bắt tay này không hứa hẹn điều “sáng sủa” cho hàng Việt mà sẽ có sự “xâm lấn” từ từ của các thương hiệu ngoại.

Tự thân vận động là tốt nhất

Liên doanh là cách làm phù hợp và là cách học hỏi nhanh nhất về kinh nghiệm quản lý, quy trình sản xuất, công nghệ… nhưng ít có mô hình liên doanh nào thành công mà ở đó, DN VN phát triển mạnh mẽ khi thừa hưởng được kết quả của quá trình hợp tác.

TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế, cho rằng liên doanh với các DN nước ngoài là cách làm phù hợp để bảo vệ thị trường nội địa. Tuy nhiên, các DN VN phải tìm câu trả lời cho câu hỏi, DN nước ngoài có vốn lớn, công nghệ cao, quản lý hiện đại… thì họ cần gì ở đối tác VN? Phải xác định rõ để tránh khỏi tình trạng sau bao nhiêu năm liên doanh, đến lúc phía nước ngoài rút ra thì DN nội không còn gì.

Cho rằng liên doanh là cách làm phù hợp và là cách học hỏi nhanh nhất về kinh nghiệm quản lý, quy trình sản xuất, công nghệ… nhưng ông Ngãi cũng thừa nhận, suốt nhiều năm qua ít có mô hình liên doanh nào thành công mà ở đó, DN VN phát triển mạnh mẽ khi thừa hưởng được kết quả của quá trình hợp tác. Vì thế, xét về lâu dài và bền vững, DN VN phải tự đứng trên đôi chân của mình, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu và sản phẩm đủ tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Ông Robert Trần cũng đánh giá liên doanh với đối tác ngoại thực tế có 2 mặt. Một số ký kết chỉ mang tính hình thức, đi đường vòng để giúp DN nước ngoài hợp thức hóa sự có mặt sau này tại thị trường nội địa. Loại thứ 2 là mong muốn phát triển tốt hơn, song thực tế như các ví dụ kể trên, DN nội đã bị thôn tính bởi đối tác ngoại chỉ sau thời gian ngắn. Nên thời gian qua, DN tư nhân ở VN tự thân vận động là chính.

Khẳng định vai trò định hướng chủ đạo vẫn phải của nhà nước, ông Ngãi nhận xét nhà nước đang thiếu chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến, phân phối hàng hóa. Gần đây có dấu hiệu tích cực khi các DN VN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng cần có nhiều hơn nữa. Hàng hóa nông sản kém chất lượng của Trung Quốc nhập khẩu vào VN tràn lan. Tầng lớp lao động có thu nhập thấp vẫn đang chuộng hàng giá rẻ, vì thế hàng hóa kém chất lượng tập trung vào đối tượng này. Khi VN mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng thì phải chấp nhận kinh tế thị trường nhưng vẫn có cách để bảo vệ thị trường nội địa bằng hàng rào kỹ thuật.

Bàn về tương lai làm gia công, ông Robert Trần phản biện: Bản chất của gia công không xấu. Nhiều công ty lớn tại Hàn Quốc, Đài Loan vẫn làm gia công cho các hãng giày lớn Adidas, Puma, Nike và tồn tại cả 100 năm nay. “Vấn đề của chúng ta làm cần có chiến lược mạnh mẽ quyết liệt để bảo vệ thị trường VN, bảo vệ sản xuất trong nước trước sự “công phá” của sản xuất ngoại chứ không phải việc làm gia công hay xây dựng thương hiệu riêng”, ông Robert Trần nói. Và để làm được điều này, ngoài định hướng của Chính phủ, tính chủ động của chính DN đóng vai trò quyết định “thân phận” của mình.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here