Doanh nghiệp rẽ sang ngành hàng mới, cổ đông nghĩ gì?

0
631

Với sự chuẩn bị và đầu tư nghiêm túc, các doanh nghiệp hiện đang rất tự tin với “lối rẽ mới”. Tuy nhiên, không ít cổ đông của các doanh nghiệp này cũng tỏ ra quan ngại.

Một số cổ đông của Công ty CP Thế giới số – Digiworld (DGW) chia sẻ, phân phối thực phẩm chức năng là một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với DGW, đòi hỏi mô hình phân phối cũng phải khác, thậm chí phải có “bí kíp” kinh doanh riêng của lĩnh vực này.

Thực tế, nhiều công ty dược đã phải mất từ 7 – 10 năm chật vật mới tạo được độ phủ sản phẩm đến vài ngàn điểm phân phối. Liệu DGW có quá lạc quan khi đưa ra kế hoạch trong 3 năm sẽ tạo được độ phủ sản phẩm đến 20.000 điểm bán?

Ông Văn Đức Mười – cựu TGĐ Vissan cho rằng: “Một doanh nghiệp có khả năng tốt trong ngành nước chấm, ngành mì ăn liền thì không chắc đã giỏi trong ngành thịt và chế biến thịt. Vì vậy, Masan cần phải có thêm đội ngũ chuyên gia, lao động, những người quản lý có kinh nghiệm và cả tiềm lực tài chính mới có thể đi đến đích”.

Cách đây 2 năm, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) thử nghiệm phân phối thực phẩm và lạc quan cho rằng, bán lẻ thực phẩm không phải là đầu tư đa ngành, nếu tìm được sự khác biệt thì sẽ đóng góp rất lớn vào tổng doanh thu. Kết quả là sau 3 tháng triển khai thử nghiệm mô hình bán lẻ thực phẩm, thịt cá tại 20 siêu thị, MWG đã công bố đạt kết quả khá tốt khi doanh thu bình quân tăng từ 177 triệu đồng lên 696 triệu đồng.

Tuy nhiên, đã sau 2 năm hoạt động, việc phân phối thực phẩm của MWG vẫn chưa có dấu hiệu phát triển. Với “lối rẽ” sang lĩnh vực phân phối dược phẩm, hướng đi của MWG là mua bán và sáp nhập (M&A).

“Thay vì phải mất vài ba năm hiểu về mô hình này, MWG sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm đó để M&A, trong đó đặc biệt ưu tiên những đơn vị có 10 – 15 cửa hàng. Đến thời điểm chín muồi sẽ biến chuỗi từ 10 – 15 cửa hàng thành 500 cửa hàng”, đại diện MWG chia sẻ.

Tương tự, DGW cũng sẽ phân phối các loại thực phẩm chức năng theo hình thức cuốn chiếu, ban đầu chỉ một sản phẩm, sau đó có hiệu ứng thị trường mới tung ra sản phẩm tiếp theo. Lợi thế của DGW là sẵn có các dịch vụ phân tích thị trường, marketing, hậu cần, bán hàng, hậu mãi.

DGW cũng đang quản lý khoảng 800 nhân viên bán hàng tại các đại lý, được đào tạo bài bản, qua đó đủ tự tin về năng lực và kinh nghiệm giúp các công ty kinh doanh trong mảng chăm sóc sức khỏe và kinh doanh thực phẩm chức năng thực hiện các chương trình tiếp thị, chiêu thị để tăng doanh số bán hàng và tăng thị phần.

Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí đầu tư và đạt mục tiêu đến giữa 2019 có 20.000 nhà thuốc (hiện Việt Nam có khoảng 40.000 nhà thuốc), chiến lược phân phối của DGW là M&A các nhà thuốc hiện có để phát triển theo chiều rộng chứ không xây dựng hệ thống phân phối.

Để phát triển chuỗi giá trị gia tăng trong ngành hàng thịt, Masan đã đầu tư 1.000 tỷ đồng để xây dựng trang trại heo với tổng diện tích trên 223ha, quy mô 10.000 con heo nái và 230.000 con heo thịt/năm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật chăn nuôi VietGAP tại Nghệ An và hợp tác chiến lược với Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan).

Với chiến lược đầu tư cho ngành hàng thịt, cơ sở để Masan có thêm nội lực, đó là sự đồng hành của các quỹ đầu tư, trong đó có Quỹ đầu tư KKR & Co đến từ Mỹ vừa giải ngân 250 triệu USD vào Masan Group và Công ty TNHH Masan Nutri – Science để phát triển nền tảng cho ngành thịt và các sản phẩm từ thịt. Masan đang có lợi thế về nguồn thức ăn gia súc và mô hình trang trại chăn nuôi công nghệ cao. Nếu xây dựng hoặc thâu tóm thành công một số công ty chăn nuôi lớn, Masan có thể trở thành đối thủ ngang tầm với C.P Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch kiêm TGĐ Điều hành Masan Group, công nghệ sẽ dẫn dắt “cuộc chơi” cho các doanh nghiệp và nó làm thay đổi toàn bộ hạ tầng của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng nhanh. Và chính công nghệ sẽ cung cấp giá trị nhanh hơn, rẻ hơn cho người dùng. Đó là lý do 3 năm qua, Masan đã đầu tư công nghệ để xây dựng năng lực cạnh tranh cho ngành hàng thịt và sản phẩm từ thịt.

Với Asanzo, mặc dù đã có khoảng 6.000 điểm bán hàng, kể cả kênh hiện đại lẫn truyền thống, song song đó là đội ngũ giao hàng khá chuyên có thể giao hàng trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nhưng khi đã sẵn sàng với “lối rẽ mới” vẫn phải thuê người giỏi từ nước ngoài để phát triển phần mềm và mua bản quyền của Google để xây dựng website phù hợp cho việc kinh doanh điện thoại di động với lợi thế riêng.

Dù đã chuẩn bị và đầu tư bài bản cho chiến lược kinh doanh mới, nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều thử thách.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here