CEO Khang Media: Tôi thích câu nói “Khác biệt hay là chết?”

0
612

Nhanh nhạy trong tìm ra “khẩu vị” của khán giả và có những thế mạnh riêng trong ý tưởng mới lạ, các chương trình của Khang Media hầu hết đều có “rating” (tạm dịch là đơn vị dùng để đánh giá sự quan tâm theo dõi của khán giả đối với một chương trình hay một sản phẩm cụ thể nào đó) làm mát lòng nhà đài.

Trong bối cảnh “nhập siêu” format truyền hình thực tế, chiến lược “made in Việt Nam” chính là chìa khóa để Vũ Thành Vinh tạo bứt phá.

Nhắc đến làn sóng hội nhập game show truyền hình những năm 2000, người trong nghề vẫn thường nhắc đến đạo diễn Vũ Thành Vinh. Bởi, những chương trình truyền hình được Việt hóa từ format của nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam như: Nốt nhạc vui, Rồng vàng, Hát với ngôi sao… đều có sự tham gia của ông.

Được đào tạo bài bản để làm nghệ thuật, ông là một trong những cái tên tạo dấu ấn trong thế hệ đạo diễn sáng giá hiện nay cùng Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Lê Bảo Trung, Phương Điền…, với những giải thưởng danh giá như Huy chương vàng Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc với phim Xe lăn, Giải Mai vàng đạo diễn được yêu thích nhất năm 2003, ba năm liền đạt huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc…

Bước ra kinh doanh, vừa phải học từ đầu các kiến thức quản trị, điều hành…, vừa phải quan sát thị trường để đưa ra những sản phẩm có thể mang lại lợi nhuận nuôi sống hàng trăm con người làm việc với mình, Vũ Thành Vinh như “lột xác”.

Ông “đời” hơn, tỉnh táo hơn nhưng vẫn nuôi dưỡng sự duy mỹ của người nghệ sĩ. Ông bảo, kinh doanh, mà là kinh doanh nghệ thuật thì càng phải đẹp, vì cái đẹp của mình có thể lan tỏa đến cộng đồng…

* Năm 2015, khá nhiều chương trình của Khang Media như Cười xuyên Việt, Solo cùng bolero… được xem là đại thắng về mặt “rating”. “Cười xuyên Việt” còn là một trong 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm vừa rồi. Tự đánh giá, ông thấy kết quả này đến từ đâu?

Điều giúp các chương trình của chúng tôi được thị trường đón nhận là sự quen thuộc. Giống như một người ra nước ngoài ăn sơn hào hải vị hay ngập trong bơ sữa suốt một thời gian dài, nhìn thấy tô phở, khán giả hẳn sẽ ngấu nghiến nó.

Hiện tại, truyền hình Việt Nam đang bị “ngoại hóa”. Mảng chương trình thì bị Âu hóa, phim truyện thì toàn phim Hàn Quốc, Trung Quốc…

Ban đầu, khán giả sẽ hồ hởi đón nhận nhưng xem mãi cũng nhàm. Tất cả các chương trình do Khang Media sản xuất đều do chúng tôi nghiên cứu và tự lên ý tưởng, xây dựng format và tổ chức sản xuất… Chúng tôi hướng đến tính “thuần Việt” và bám sát đời sống của phần lớn khán giả đại chúng.

Thường thì những sân chơi truyền hình của Khang Media hướng đến tính đại chúng. Như Solo cùng bolero chẳng hạn, chúng tôi tìm đến những người bình dân, có khả năng hát lên những ca khúc từng bị xem là “sến” nhưng lại quen thuộc và gần gũi với đại đa số người dân.

Nhờ vậy, dù không có “sao” nhưng chương trình vẫn được đón nhận. Tôi nghĩ, đây không phải là bí quyết lớn lao gì cả, chỉ là tách mình ra khỏi đám đông.

Người Việt trong kinh doanh có tính “đám đông” và tính “phong trào” rất cao. Hễ thấy cái gì đang kinh doanh tốt là rất nhiều người lao vào làm, đến khi thị trường ngán thì lại chuyển sang một làn sóng mới.

Hậu quả thì rõ rồi, chặt sắn trồng khoai rồi lại nhổ khoai trồng cà phê… Nếu không tạo được con đường riêng biệt thì rất khó vượt lên phía trước. Tôi rất thích câu nói: “Khác biệt hay là chết?”

* Có thể nói Cười xuyên Việt là một trong những chương trình mở đầu cho làn sóng chương trình hài trên truyền hình. Nó kéo theo sự ra đời của hàng loạt chương trình khác và bản thân Khang Media cũng góp mặt trong làn sóng này với những chương trình sau đó như Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ, Tiếu lâm hội…, nghĩa là cũng thuộc về đám đông?

Chúng tôi phải canh tác trên mảnh đất mình khai phá chứ! Nhưng ở mỗi phiên bản mới, Khang Media luôn đổi mới và sáng tạo để không đi vào lối mòn.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải là Khang Media sẽ bám trụ con đường này. Khi nhận thấy những đơn vị khác ồ ạt đầu tư cho làn sóng chương trình hài thì tôi đã phải tư duy, tìm kiếm con đường khác.

Cụ thể, đầu năm 2016 Khang Media đã trình làng hai format mới hiện đang phát sóng và được rất nhiều khán giả đón nhận, đó là Ngôi sao phương Nam và Hát vui – Vui hát. Như đã nói, tiềm lực vật chất không mạnh thì người sản xuất phải có những giá trị khác để tồn tại.

Một nhà sản xuất thông minh phải tung ra những sản phẩm tạo được những hiệu ứng tích cực với khách hàng, khiến sản phẩm của mình được chú ý, càng nhiều người quan tâm càng tốt.

* Một trong những yếu tố rất nhiều nhà sản xuất dùng để thu hút sự chú ý cho chương trình của mình là scandal, với Khang thì sao, thưa ông?

Với Khang Media, tạo ra scandal thì không, nhưng tạo ra hiệu ứng thì có. Một nhà sản xuất thông minh phải tung ra những sản phẩm tạo được những hiệu ứng tích cực với khách hàng, khiến sản phẩm của mình được chú ý, càng nhiều người quan tâm càng tốt.

Tôi may mắn được tiếp cận công nghệ sản xuất chương trình của phương Tây ngay từ những ngày đầu của thời kỳ hội nhập truyền hình ở Việt Nam nên biết những nhà sản xuất phương Tây luôn có những tính toán rất khoa học và chi tiết trước, trong và sau khi chương trình của họ lên sóng. Họ nắm bắt rất rõ cảm xúc của khán giả, hiểu nhu cầu của khán giả sẽ phát triển như thế nào trước cả khi nó phát sinh, thế nên mới lôi kéo được đám đông.

Có thể dẫn chứng bằng một cuộc thi ca hát ở Việt Nam. Nhiều năm trước chúng ta có Tiếng hát truyền hình đình đám, nhưng khi Vietnam Idol lên sóng, ngay lần đầu tiên đã gây “bão”.

Khi phát sóng vòng sơ tuyển, chương trình đã thu hút được một lượng khán giả khổng lồ. Vì sao? Vì ngày trước khán giả Việt không bao giờ nghĩ những người hát dở kinh khủng cũng có thể xuất hiện trên truyền hình.

Tôi còn nhớ khi đó, nhà sản xuất ở Mỹ đến để chuyển giao công nghệ, họ bảo tôi chỉ cần chọn hai loại thí sinh: cực hay và cực dở (gây sốc càng tốt) đưa lên sóng vòng sơ tuyển để tạo sự khác biệt. Thế là tạo được dư luận.

* Ông hài lòng với những gì mình đã làm được?

Bạn bè vẫn bảo tôi may mắn, thành lập công ty trong lúc kinh tế khó khăn mà vẫn tạo được thương hiệu. Tôi tin may mắn sẽ đến với người luôn biết cố gắng.

Trong công việc, tôi là người cầu toàn và luôn cố gắng hết mình. Tôi hài lòng khi thấy những cố gắng của mình và cộng sự đã được ghi nhận.

Là một nghệ sĩ, đồng thời cũng là một nhà kinh doanh, tôi phải luôn tỉnh táo để cân đối “hai con người” này. Trong vai trò một nghệ sĩ, tôi luôn trăn trở để tạo ra những tác phẩm, những chương trình giải trí lành mạnh, nhân văn gởi đến khán giả; dưới góc độ kinh doanh, tôi mong chờ những sản phẩm đó mang lại lợi nhuận…

Tôi luôn tự nhắc mình, nhà sản xuất có tâm phải định hướng được dư luận thay vì chạy theo dư luận để kiếm lợi nhuận, vì mình đang kinh doanh một sản phẩm rất đặc biệt.

Tôi tự hào vì mình có khả năng “đọc” được nhu cầu của khán giả, nghĩa là biết được nhu cầu của thị trường. Việc còn lại là cố gắng không để bị lợi nhuận làm mờ mắt.

* Ông thường “đo” thị trường bằng cách nào?

Kinh nghiệm 20 năm làm trong lĩnh vực giải trí cộng với chuyên môn đạo diễn và khả năng quan sát cho phép tôi “đọc” được “khẩu vị” của khán giả. Sự khác biệt ở đây chính là nắm bắt được “gu” của người thưởng thức, tiếp đó là phân khúc thị trường mà sản phẩm của mình hướng đến. Nếu kinh doanh sản phẩm văn hóa mà anh không nắm được văn hóa thưởng thức của khán giả từng vùng miền thì thất bại là điều dễ hiểu.

* Đã có chương trình nào Khang Media sản xuất mà thất bại?

Thất bại thì chưa, nhưng chưa thành công thì có. May mắn là phần lớn đều thành công.

* Quyết tâm đi theo chiến lược “made in Việt Nam” trên truyền hình, có bao giờ ông mơ đến “xuất khẩu” chương trình do Khang Media sản xuất?

Nếu nói không thì không có động lực phấn đấu, nhưng nói có thì cũng khó vươn đến. Truyền hình là sản phẩm của một tập thể, để tạo ra chuẩn mực như The Voice, Idol hay X-Factor… phải đầu tư rất nhiều chất xám của cả một tập thể trong nhiều lĩnh vực, đó là cả một quy trình vận hành khoa học, sáng tạo mới tạo ra được một format hoàn chỉnh…

Ở Việt Nam, truyền hình vẫn còn là ngành chưa được đào tạo bài bản, nhân lực thì bấp bênh trong khi tốc độ phát triển đang quá lớn. Nội lực xã hội chưa đủ để cho phép chúng tôi với đến mục tiêu đó.

Nếu kinh doanh sản phẩm văn hóa mà không nắm được văn hóa thưởng thức của khán giả từng vùng miền thì thất bại là điều dễ hiểu.

* Ngoài những cái khó chung, cái khó của riêng ông khi kinh doanh sản phẩm truyền hình là gì?

Quản trị con người là điều khiến tôi đau đầu nhất. Bỏ qua vấn đề đào tạo chuyên môn từ hệ thống giáo dục, nhiều bộ phận gần như phải đào tạo từ đầu, tần suất dịch chuyển cao cũng là thách thức rất lớn.

Như đã nói, tốc độ phát triển của ngành quá lớn, các công ty sản xuất chương trình mọc lên như nấm, dùng đủ cách để chiêu dụ nhân lực, mà cách nhanh nhất là lôi kéo nhân lực đang làm tốt ở các công ty đối thủ, khiến việc giữ người trở nên áp lực.

Khâu quản trị nội bộ cũng không đơn giản. Một công ty sản xuất ra một sản phẩm truyền hình có rất nhiều thành phần nhân lực: đạo diễn, biên tập, quay phim, sản xuất, sân khấu, hậu đài… Không có sự linh hoạt thì rất dễ “gãy”.

* Ông giải bài toán này thế nào?

Ngành này liên quan nhiều đến sáng tạo. Ngoài lương còn có thứ khác hấp dẫn nhân lực là niềm đam mê. Tôi luôn cố gắng truyền cảm hứng cho nhân viên, làm cho họ đam mê nghề để tạo sự gắn kết.

Làm nghề này mà không đam mê thì rất khó đi xa. Tuy nhiên, tôi tự nhận thấy mình còn yếu về kiến thức quản trị nên vẫn đang học hỏi từng ngày. Kế hoạch sắp tới của tôi là sẽ sang Mỹ để tham dự những khóa đào tạo quản trị và sản xuất chương trình.

* Là “linh hồn” của khá nhiều chương trình, sự vắng mặt của ông có ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất?

Sau thời gian dài đào tạo, Khang Media cũng đã có một lực lượng nhân lực nòng cốt, đảm đương được yêu cầu sản xuất. Ở nước ngoài có những khóa đào tạo thực tế rất đặc biệt dành cho người làm nghề. Họ mở cửa cho các “học viên” vào hậu trường sản xuất các chương trình để học cách quản trị sản xuất, tổ chức những show hàng ngàn con người, phục vụ một bộ phim, một chương trình…, kiểu học từ thực tế này rất hữu hiệu. Tôi đang hy vọng sẽ có khoảng thời gian tách ra khỏi không gian quen thuộc để có những ý tưởng mới.

* Bạn đời, cũng là “tay hòm chìa khóa” của Khang Media, tạo điều kiện cho ông nhiều chứ?

Không chỉ tạo điều kiện, bà xã còn đồng hành cùng tôi trong tất cả mọi dự án của Khang, là người luôn thầm lặng phía sau giúp tôi yên tâm thăng hoa trong sáng tạo.

Tôi may mắn được Ơn trên giúp cho chữ “đồng” – đồng vợ đồng chồng trong các quyết định. Chúng tôi vẫn nhắc nhau gìn giữ chữ “đồng” ấy mỗi ngày.

Tôi nghĩ mình không thể mang đến niềm vui cho người khác nếu bản thân mình không hạnh phúc. Chất liệu chính để tôi làm nên những chương trình mang lại niềm vui cho khán giả là hạnh phúc và sự tin yêu. Hãy tin và hãy yêu vì cuộc đời này có rất nhiều phép lạ!

* Cám ơn ông về những chia sẻ!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here