Bí mật bên trong một chai nước hoa

0
776

Chi phí làm nên một chai nước hoa 100 USD thực sự tốn bao nhiêu? Câu trả lời là một trong những bí mật ‘nhơ nhuốc’ nhưng lại rất hợp lí của ngành công nghiệp bán lẻ này.

Không phải người mua nào cũng biết được khoản chi phí hương liệu ‘đổ’ vào 1 chiếc bình xịt nước hoa ít đến thế nào.

Mặc dù tất cả những lời tiếp thị phía sau các nhãn hiệu nước hoa uy tín, bao gồm tất cả những công thức bí truyền pha chế nước hoa – đều vô cùng hoa mỹ, thì giá trị thực sự của khối chất lỏng đó chỉ tương đương giá một cốc cà phê cỡ lớn. Thậm chí còn không bằng một cốc cappuccino.

Nước hoa không nằm ngoài quy tắc chung của ngành mĩ phẩm:

Khi nhắc đến các sản phẩm làm đẹp, luôn “có một sự khác biệt rất lớn giữa chi phí tạo ra sản phẩm và chi phí mà khách hàng bỏ ra, chênh lệch này nhiều hơn bất cứ sản phẩm nào khác”, một vị Cựu giám đốc bán lẻ nói với DailyFinance.

“Nếu bạn mua một chiếc laptop với giá 1.000 USD, thì có thể tốn đến 600-700 USD chi phí để sản xuất nó, nhưng nếu bạn mua một thỏi son giá 25 USD, thì có thể chỉ mất 25 cent để làm ra nó thôi”, ông nói. “Điều này cũng đúng với nước hoa”.

Nước hoa là một nền công nghiệp khổng lồ và vẫn tiếp tục lớn mạnh.

Chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, các cửa hàng nước hoa đã tạo ra doanh số lên đến 501,2 triệu USD, tăng 7% so với năm 2011, với gần 8 triệu đơn vị được bán ra, theo công ty nghiên cứu thị trường NPD Group.

Vị cựu giám đốc điều hành bộ phận bán lẻ giấu tên đã cung cấp cho DailyFinance một số phân tích bí mật về các khoản chi phí để tạo nên loại nước hoa uy tín trong các cửa hàng, lấy ví dụ bằng một loại nước hoa nổi tiếng đóng trong chai 3,5 ounce, có giá 100 USD.

Vì việc bóc tách chi tiết về chi phí sản xuất là một bí mật thương mại được bảo vệ nghiêm ngặt, nên vị này chỉ nói khi không tiết lộ danh tính.

Dưới đây là chi tiết các khoản chi phí bí mật làm nên chai nước hoa 100 USD.

Vỏ chai: 6 USD

Vị giám đốc cho hay, bản thân những chiếc chai xịt là một thành phần quan trọng trong các khoản chi phí tạo nên loại nước hoa đó, đặc biệt với một số chai, chiếc vỏ chính là những tác phẩm điêu khắc thực sự, được thiết kế tốn kém bởi các họa sĩ. Thực tế là, những chiếc vỏ chai nước hoa có một lịch sử cao quý như một môn nghệ thuật, tới mức, chúng đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc triển lãm trong bảo tàng.

Đóng gói: 4 USD

Thông thường, ở đây bao gồm việc đóng gói chai, cũng như các loại giấy tờ và tài liệu kèm theo dành cho nhân viên ở cửa hàng bán lẻ, như mẫu thử và hiển thị “đó là một phần trong quá trình giới thiệu toàn bộ sản phẩm”.

Chi phí marketing: 8 USD

Tất cả các màn ‘ảo thuât’ mang lại sự thần bí cho nước hoa, đặc biệt là với các nhãn hiệu nổi tiếng, là tạo ra mức giá trên trời. Cỗ máy tiếp thị ma thuật sẽ bao gồm mọi thứ, từ việc tiếp thị tại các điểm bán lẻ cho đến các phương tiện truyền thông như “những dải mùi hương trên các tờ tạp chí, những áp phích quảng cáo ngoài trời và nhà chờ xe buýt, cùng quảng cáo trên truyền hình”, vị giám đốc cho hay.

Trong khi nhà bán lẻ và nhà cung cấp thường chia nhau phần chi phí quảng cáo trên truyền hình, thì tất cả các khoản chi marketing khác đều do nhà sản xuất bỏ tiền ra lo.

Nhưng khi tiếp thị một loại nước hoa – không phải thời trang hay phụ kiện – thì thứ nhìn thấy được không phải lúc nào cũng đáng tín, Karen Grant, một vị phó chủ tịch và nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường NPD Group cho hay.

Một người tiêu dùng có thể ngay lập tức cảm thấy hợp nhãn với chiếc túi xách cô ta nhìn thấy trong một cửa hàng hay trong một quảng cáo, điều đó có thể thúc đẩy tạo ra doanh số. Nhưng trước khi khách hàng được thuyết phục mua nước hoa, họ phải “chạm được mùi hương đó” thông qua các tiểu xảo quảng cáo như mẫu thử hay dải mùi hương trên tạp chí. Tất cả những điều đó đều ‘thêm mắm dặm muối’ vào chi phí marketing.

Hoa hồng bán hàng: 6 USD

Các nhân viên bán hàng tại các quầy mỹ phẩm đều làm công ăn lương theo hoa hồng sản phẩm, phụ thuộc vào giá của loại nước hoa mà họ bán được. Thông thường, họ được trả tiền bởi các nhà cung cấp mỹ phẩm, chứ không phải từ nhà bán lẻ.

Chi phí thương quyền: 4 USD

Rất nhiều loại nước hoa ngày nay mang nhãn hiệu của những ngôi sao nổi tiếng. Họ được trả tiền bản quyền cho việc sử dụng tên tuổi, hình ảnh và sự góp mặt trong các hoạt động quảng bá cho sản phẩm đó.

Chi phí của nhà sản xuất: 15 USD

Một phần lớn trong giá thành nước hoa được đi vào túi của nhà sản xuất – mọi thứ từ tiền lương cho các CEO cho đến các chi phí văn phòng công ty. Dĩ nhiên, còn phải chi khoản thù lao hậu hĩnh cho các nhà hóa học để chế tạo ra mùi hương.

Với loại nước hoa mang thương hiệu nổi tiếng, các ngôi sao hay các ông bầu quản lí của họ sẽ làm rõ quyền lợi của mình.

Các công ty chế tạo nước hoa, như International Flavor and Fragrances và Givaudan chẳng hạn, sẽ làm việc theo hợp đồng cho các nhà sản xuất nước hoa, chế tạo ra các mùi hương trên cơ sở nguyên liệu đầu vào, sau đó sẽ tiến hành sàng lọc và lựa chọn.

Quá trình từ việc lên ý tưởng cho đến khi ra sản phẩm nước hoa cuối cùng không giống như cách làm của một nhà chế biến thực phẩm sáng tạo ra “công thức nấu món súp gà”, vị giám đốc cho hay.

Lợi nhuận của nhà sản xuất: 15 USD

Con số này được ước tính từ lợi nhuận bán lẻ nước hoa.

Chi phí của nhà bán lẻ: 25 USD

Khoản này tương tự như chi phí cho nhà sản xuất, nhưng không bao gồm chi phí cho các nhà hóa học.

Lợi nhuận của nhà bán lẻ: 15 USD

Đó là khoản lợi nhuận mà các cửa hàng thu được từ nước hoa, sau khi trừ bỏ chi phí.

Và cuối cùng… hương liệu: 2 USD

Thứ chất lỏng hỗn hợp gồm nước cất, cồn và hương thơm, là những thành phần có giá trị nhất trong một chai nước hoa nổi tiếng.

Và trong khi hỗn hợp chứa hương thơm kì lạ này có vẻ đắt đỏ, thì “chính người chế tạo ra mùi hương lại cho hay thực ra nồng độ của nó rất nhỏ thôi”.

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here