Tránh sai lầm khi đưa ra thông điệp tiếp thị

0
875

Thông điệp tiếp thị là một thành phần quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu. Các thông điệp tiếp thị của doanh nghiệp phải thu hút được sự chú ý của khách hàng mục tiêu và thúc đẩy họ hành động. 

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc soạn thảo các thông điệp tiếp thị. Ngay cả những công ty nằm trong danh sách Fortune 500 cũng có thể mắc phải một số sai lầm trong thông điệp tiếp thị. “Nhiều công ty quên rằng một thông điệp tiếp thị tốt phải bắt đầu bằng việc nêu ra những giá trị cốt lõi đối với khách hàng mục tiêu chứ không phải nói về sản phẩm của doanh nghiệp” – Whitnet Greer, một chuyên gia tư vấn xây dựng nhãn hiệu của Brandularity đã nhận xét như vậy và còn chỉ ra một số sai lầm dưới đây mà nhiều doanh nghiệp thường mắc phải.

1. Không thể hiện được những giá trị của khách hàng

Thông thường, các nhà làm tiếp thị hay tạo ra các thông điệp xoay quanh những gì mà họ tin là những tính năng quan trọng nhất của sản phẩm hay dịch vụ, chứ không bỏ công tìm hiểu xem điều gì thật sự quan trọng đối với khách hàng mục tiêu. Greer khuyên doanh nghiệp nên dành thời gian để tìm hiểu điều này và tạo ra thông điệp tiếp thị thể hiện cho được những gì có giá trị đối với khách hàng. Một trong những cách để tìm hiểu được những điều khách hàng đánh giá cao là thực hiện các cuộc khảo sát ngắn tại các cửa hàng hay trên trang web của doanh nghiệp.

Để khuyến khích khách hàng tham gia khảo sát, có thể áp dụng hình thức bán hàng giảm giá cho những khách hàng trả lời đầy đủ các câu hỏi khảo sát. Chẳng hạn, một công ty bán vỏ xe hơi sau khi thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với khách hàng đã phát hiện ra những quan tâm hàng đầu của khách hàng khi sử dụng xe hơi là hai yếu tố “gia đình” và “sự an toàn” chứ không phải là “chi phí thấp nhất”. Từ đó, công ty đã thiết kế lại thông điệp tiếp thị, chuyển từ nhấn mạnh “chi phí thấp nhất” sang “đảm bảo an toàn cho gia đình bạn với chi phí thấp nhất”.

2. Sử dụng những từ quá kêu

Các công ty có xu hướng thích chạy theo các xu hướng chính trên thị trường bằng cách sử dụng những cụm từ rất thời thượng, chẳng hạn “du lịch xanh”, “thực phẩm an toàn”, “dữ liệu khủng”… Khi có quá nhiều công ty cùng gắn những cụm từấy vào thông điệp tiếp thị của họ thì chúng không tạo được sự khác biệt và ấn tượng trong tâm trí của khách hàng nữa. Theo Geer, điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp không thể sử dụng những từ ngữ mới đang được nhiều người ưa thích, nhưng nên hạn chế và nếu dùng thì kèm theo những từ tạo ra sự khác biệt cho doanh nghiệp. Ví dụ, công ty cung cấp sản phẩm chăm sóc da tự nhiên có tên TruKid đã khéo léo sử dụng từ sustainable (mang ý nghĩa khỏe mạnh hay bền vững) trong thông điệp tiếp thị như sau: “TruKid chăm sóc trẻ trong các hoạt động vui chơi hằng ngày, giúp trẻ có được một cơ thể khỏe mạnh và chăm sóc tóc cho cả gia đình”.

3. Thông điệp không dễ nhớ

Tiếp thị truyền miệng luôn là một kênh tiếp thị có sức mạnh đối với doanh nghiệp trong phát triển kinh doanh. Để khai thác kênh tiếp thị này hiệu quả, doanh nghiệp cần phải tạo ra những thông điệp dễ nhớ nhằm thể hiện rõ những giá trị mà khách hàng quan tâm và những hoạt động khác biệt của mình.

4. Không khơi dậy cảm hứng cho khách hàng

Con người có xu hướng ra các quyết định dựa trên các thói quen, cảm tính và bản năng. Những thông điệp không khơi dậy được nhiều cảm hứng cho khách hàng và thôi thúc họ đi đến hành động thường nhanh chóng bị rơi vào lãng quên. Để khơi dậy cảm hứng cho khách hàng, Geer cho rằng doanh nghiệp nên dùng câu chủ động và hạn chế dùng câu bị động.

5. Cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người

Các đối tượng khách hàng khác nhau thì có những quan điểm khác nhau về những gì mà doanh nghiệp đang làm và những giá trị mà doanh nghiệp cam kết tạo ra cho khách hàng. Vì vậy, lời khuyên của Geer là không nên cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người (điều không thể), mà chỉ cần tập trung vào những giá trị cốt lõi của nhóm khách hàng mục tiêu và thể hiện thông điệp tiếp thị một cách rõ ràng, cụ thể và chân thực. Có thể xem thông điệp tiếp thị của Bristol-Myers Squibb là một ví dụ. Sứ mệnh của công ty dược hàng đầu thế giới này là “Khám phá, phát triển và phân phối những loại dược phẩm mới giúp bệnh nhân chiến thắng những căn bệnh hiểm nghèo”.

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here