Vì sao ít thương hiệu Việt có clip quảng cáo xúc động?

0
646

“Tôi gặp không ít trường hợp khách hàng muốn làm TVC thương hiệu nhưng vẫn phải nặng về yếu tố hàng hoá, dịch vụ”… Nhiều TVC quảng cáo khiến người xem cảm động, phát trên truyền hình thường thuộc về các công ty nước ngoài. Thương hiệu thuần Việt rất ít clip “lấy nước mắt” như vậy.

Bình luận về điều này, ông Lê Tấn Đạt, Giám đốc NEO Communications, nói: Những tập đoàn lớn của nước ngoài đã quen với việc làm quảng cáo cho thương hiệu, tác động đến cảm xúc của khách hàng chứ không thúc đẩy trực tiếp việc mua hàng hoá, dịch vụ của họ.

Chính vì thế, các clip quảng cáo cũng không cần thiết phải quảng bá cho hàng hoá, dịch vụ cụ thể mà chỉ nêu những phương châm mà họ phục vụ. Những câu chuyện xúc động cũng ra đời từ đây.

Trong khi đó, phần lớn các công ty Việt Nam chưa làm TVC quảng bá thương hiệu (corporate TVC) mà chủ yếu để bán hàng, nên yếu tố sản phẩm phải nổi bật trong clip (brand selling TVC).

Nhưng thực tế là có nhiều tập đoàn, công ty lớn cũng đầu tư cho việc quảng bá thương hiệu nói chung (corporate TVC) chứ không phải chỉ cho sản phẩm…

Thực tế là ngay cả khi một công ty muốn làm TVC quảng bá thương hiệu, nói về tầm nhìn của mình thì việc tạo ra một sản phẩm thu hút người xem, gây xúc động cũng không hề dễ dàng. Tôi gặp không ít trường hợp khách hàng muốn làm TVC thương hiệu nhưng vẫn phải nặng về yếu tố hàng hoá, dịch vụ do mình cung cấp.

Nếu chỉ làm một câu chuyện xúc động nói về định hướng chiến lược nhưng không liên quan trực tiếp tới sản phẩm của họ hoặc trừu tượng khiến người xem chỉ nhớ câu chuyện xúc động là chính thì thường rất khó được chấp nhận.

Vấn đề là một số công ty Việt Nam không hiểu TVC thương hiệu thì cần gì hay có lý do nào khác? Thực ra doanh nghiệp hoàn toàn thấu hiểu TVC quảng bá cho thương hiệu (corporate TVC) là điều nên làm, nhưng yếu tố về “quảng cáo là chi phí hay đầu tư” luôn làm doanh nghiệp hơi đắn đo.

Yếu tố khác là tầm nhìn chiến lược mà công ty đó nêu ra chưa thực sự quán triệt và đủ tầm để nhìn xa hơn mục tiêu bán hàng trong ngắn hạn. Chính vì thế, khi công ty quảng cáo thể hiện một câu chuyện xúc động cho thương hiệu, họ cũng bị nước đôi trong việc “bán hàng” hay “thể hiện tầm nhìn doanh nghiệp”. Điều này thường làm hạn chế sự sáng tạo của các công ty quảng cáo ít nhiều.

Ông có thấy trường hợp thương hiệu Việt nào gần đây làm được TVC thương hiệu cảm động và đúng kiểu các tập đoàn lớn của thế giới thực hiện? Tôi thấy một clip hiếm hoi thể hiện được câu chuyện xúc động và nói lên được tầm nhìn của một thương hiệu Việt là Viettel với clip quảng cáo “Bạn thân”. TVC này đang phát trên truyền hình và tôi thấy nó đem lại cho người xem nhiều cảm xúc.

Clip bắt đầu với mối quan hệ cha con dường như không hiểu nhau. Người con gái thường làm bạn với một nick trên mạng có tên Yuna và thường tâm sự về những vui buồn trong cuộc sống.

Nút thắt của TVC là khi người bố mang bánh sinh nhật về muộn và cô gái buồn bã nhắn cho “bạn thân” Yuna: “Sinh nhật một mình, buồn ơi là buồn” và nhận được câu trả lời: “Mình sẽ đón sinh nhật với cậu. Chờ nhé!”… Đây cũng là lần đầu tiên cô gái gặp trực tiếp “bạn thân” Yuna.

Khi chờ đợi, một cơn mưa lớn ập đến. Trong khi đang luống cuồng, cô thấy bố mình cầm chiếc ô, từ từ đi đến. Cô gái bật khóc khi hiểu mọi chuyện…Thương hiệu Viettel chỉ xuất hiện ở những giây cuối, với lời thoại ngắn về việc họ hiểu tình cảm gia đình là vĩnh cửu và câu chốt: “Chúng tôi thay đổi để giữ điều ấy, để tốt hơn từng ngày. Thay đổi cho những điều không bao giờ đổi thay”.

Cá nhân ông có nghĩ là người xem sẽ hiểu thông điệp của Viettel hay không? Đừng đánh giá thấp người xem. Tôi nghĩ là ai xem vài lần clip này phát trên truyền hình sẽ cảm nhận được điều gì đó tích cực, có thể điểm tích cực sẽ khác nhau ở mỗi người từ TVC quảng cáo này.

Điều mà tôi nghĩ sẽ có nhiều người nhận ra từ TVC này là Viettel muốn nói: “Tôi mong thấu hiểu bạn chứ không có ý định buôn bán gì với clip quảng cáo này. Tôi trân trọng những giá trị tình cảm của bạn. Và Viettel muốn tham gia cùng bạn thay đổi những khoảng cách thế hệ, để nó tốt đẹp hơn giữa những con người sống cần nhau…”.

Khi người xem thấy rằng thương hiệu mà họ sử dụng vượt lên trên việc cung cấp hàng hoá dịch vụ thông thường, có tầm nhìn xa với yếu tố nhân bản cao thì tình cảm dành cho thương hiệu sẽ tăng lên rất nhiều.

Điều này sẽ khó đo đếm hiệu quả ngay lập tức ở khối lượng hàng hoá, dịch vụ bán ra nhưng có tác động tích cực về lâu dài. Vì thế, cũng chỉ những thương hiệu có tầm nhìn xa mới làm những TVC xúc động, “lấy nước mắt” người xem kiểu này.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here