Truyền thông xã hội sẽ tiến hóa ra sao?

0
637

Facebook, Twitter hay Viber đều là những sản phẩm công nghệ đã quá quen thuộc với mọi người. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng với sự thay đổi nhu cầu liên tục của người dùng, các sản phẩm này sẽ được cải tiến để bổ sung nhiều chức năng mới tiện ích hơn.

Ryan Holmes, nhà sáng lập Hootsuite (Mỹ) – công ty truyền thông có hơn 10 triệu khách hàng, trong đó bao gồm 79/100 tập đoàn thuộc danh sách Fortune 100, đã đưa ra dự báo về 5 xu hướng tiến hóa của truyền thông xã hội trong tương lai.

Ví điện tử

Tháng 10.2014, một nhà lập trình đã vô tình phát hiện ra tính năng thanh toán nằm ẩn bên trong ứng dụng nhắn tin Messenger của Facebook. Tính năng này, nếu được kích hoạt, sẽ cho phép người dùng Facebook chuyển tiền cho nhau bằng thẻ ghi nợ (debit card) mà không phải mất phí. Trong khi đó, Twitter cũng giới thiệu công cụ mới cho phép các nhà bán lẻ đưa coupon giảm giá trực tiếp vào tin nhắn tweet, để người dùng có thể dễ dàng thanh toán mua hàng ngay trên Twitter.

Ở châu Á, cuộc chiến thanh toán điện tử đã bắt đầu nóng lên giữa các ứng dụng nhắn tin như KaKaoTalk (Hàn Quốc) hay Line (Nhật). Các ứng dụng nhắn tin này đã bắt đầu cung cấp dịch vụ thanh toán ở từng thị trường cụ thể. Ví dụ, tháng 12 vừa qua, người dùng Line đã có thể đặt thức ăn mang đi hoặc mua sắm thời trang qua ứng dụng này. Trước đó, KaKaoTalk cũng đã tung ra dịch vụ KakaoPay cho phép người dùng mua sắm ngay trong ứng dụng nhắn tin và thanh toán nhanh chóng bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

Tại Việt Nam, ứng dụng nhắn tin Zalo do VNG phát triển và được cho là đã đạt đến con số 20 triệu người dùng. Trả lời tạp chí Wall Street Journal (Mỹ) vào tháng 5.2014, Chủ tịch Lê Hồng Minh của VNG cho biết Zalo mới chỉ có doanh số từ việc quảng cáo trong ứng dụng.

Dù vậy, việc Zalo tham gia mảng thanh toán điện tử và thu hút các nhà bán lẻ cũng chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi. Bởi theo ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG đồng thời phụ trách chính dự án Zalo, thương mại điện tử trên di động sẽ bùng nổ cùng với các ứng dụng nhắn tin, nhưng vẫn cần khá nhiều thời gian để cụ thể hóa và thành công với mô hình này.

Tích hợp thiết bị thông minh

Chi phí sản xuất chíp cảm biến ngày càng thấp đang dẫn đến sự bùng nổ của các thiết bị thông minh. Mọi thiết bị đều trở nên thông minh hơn, có thể ghi nhận dữ liệu người dùng để ứng dụng vào nhiều hoạt động khác. Ví dụ, Mymo là một thiết bị theo dõi mức độ vận động vừa ra mắt ở Ấn Độ vào tháng 9.2014, cho phép người dùng đổi điểm vận động lấy cước điện thoại, sản phẩm hoặc vé máy bay.

Theo Ryan Holmes, thử thách của các nhà sản xuất thiết bị thông minh trong năm 2015 sẽ là tích hợp sản phẩm với truyền thông xã hội theo cách hiệu quả nhất. Thay vì chỉ tự động cập nhật status trên trang cá nhân của người dùng, các thiết bị thông minh còn phải tác động được đến cả cuộc sống thực tế của họ. Giống như một chiếc tủ lạnh thông minh có thể theo dõi các sự kiện trên Facebook của người dùng, biết được sắp có bao nhiêu khách đến nhà và chủ động đề xuất danh sách những thứ cần mua cho bữa tiệc.

Nếu tìm ra cách khai thác kênh truyền thông xã hội một cách tinh tế hơn, thông qua việc theo dõi hoạt động của người dùng với bạn bè và đưa ra giải pháp phù hợp, các thiết bị thông minh sẽ càng thông minh hơn trong vài năm sắp tới.

Thu hút bán lẻ trực tuyến

Truyền thông xã hội đã thay đổi bộ mặt của thương mại điện tử, cung cấp cho các nhà bán lẻ trực tuyến nhiều cách mới để tiếp cận khách hàng và tăng doanh thu. Lazada, nhà bán lẻ trực tuyến đình đám ở Đông Nam Á, từ lâu đã hướng đến khách hàng trên Facebook và Twitter. Năm 2015, thương mại điện tử trên di động sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với sự giúp sức của truyền thông xã hội. Giá smartphone và chi phí internet ngày càng giảm, nhất là ở Đông Nam Á, sẽ đưa nhiều khách hàng đến với thương mại điện tử hơn nữa.

Ứng dụng hẹn hò

Có không ít sản phẩm công nghệ ăn theo sự thành công của ứng dụng hẹn hò di động Tinder đã ra mắt tại châu Á. Trong số đó phải kể đến Pakto (Singapore) với hơn 1,5 triệu tài khoản đăng ký, hay Momo (Trung Quốc) có khoảng 60 triệu người dùng mỗi tháng. Momo đã được niêm yết trên sàn chứng khoán ở Mỹ, còn Pakto đã gọi thành công hơn 5 triệu USD vốn đầu tư trong năm 2014 và trở thành ứng dụng hẹn hò quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, Zalo của VNG cũng đã cho phép người dùng tìm kiếm những thành viên Zalo lân cận khác thông qua tín hiệu Wifi hoặc GPS. Cũng nhờ tính năng này mà Zalo được xem là ứng dụng hẹn hò trên di động có nhiều người dùng nhất Việt Nam. Ryan Holmes cho rằng, ranh giới giữa ứng dụng nhắn tin và ứng dụng kết bạn/hẹn hò đang ngày càng mờ nhạt; và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra.

Nhu cầu bảo mật

Đầu tháng 12 vừa qua, KakaoTalk đã giới thiệu Secret Chat, một tính năng trò chuyện cho phép bảo mật hoàn toàn thông tin người sử dụng. Đây là bước đi nhằm giải quyết những lo ngại của người dùng về việc thông tin cá nhân bị rò rỉ trên internet.

Xu hướng tăng cường bảo mật sẽ thay đổi truyền thông xã hội một cách mạnh mẽ trong những năm sắp tới. Ví dụ, tháng 11.2014, Facebook công bố sẽ tung ra tính năng Privacy Basics vào năm 2015, cho phép người dùng mạng xã hội này tùy chỉnh cụ thể hơn nữa các lựa chọn ẩn hình ảnh, cập nhật mà họ chia sẻ; và thêm nhiều cách để gỡ tên cá nhân khỏi hình ảnh do người khác chia sẻ.

Không chỉ có vậy, sự xuất hiện của các mạng xã hội ẩn danh và mạng xã hội riêng tư cũng sẽ mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người dùng. Dù một số ứng dụng nhắn tin như Snapchat, Whisper hay Secret đều cung cấp một số tính năng bảo mật/ẩn danh nhất định, dữ liệu của người dùng vẫn có thể bị đánh cắp nếu kẻ xấu ra tay. Thực tế, việc ẩn danh hoàn toàn trên internet là hầu như không thể thực hiện được. Vì vậy, nhu cầu của người dùng đối với các kênh truyền thông xã hội cung cấp tính năng bảo mật thật sự sẽ còn mạnh mẽ hơn.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here