Sai lầm trong quảng cáo: 6 trường hợp – 1 lỗi

0
787

Tháng 10/2017, Dove nhận được hàng loạt chỉ trích từ cộng đồng và bị cáo buộc làm gia tăng tình trạng phân biệt chủng tộc bằng một quảng cáo trên Facebook.

Quảng cáo này có nội dung một người phụ nữ da đen sau khi dùng sữa tắm Dove thì “lột xác” trở thành da trắng. Một người xem đã đăng quảng cáo này lên Twitter với bình luận “đây như một quảng cáo phân biệt chủng tộc ngày xưa vậy”. Tập đoàn Unilever, công ty mẹ của Dove đã nhanh chóng xin lỗi trên Twitter và bày tỏ sự hối tiếc về sai sót trong nội dung quảng cáo.

Song, Dove không phải là nhãn hàng duy nhất bị chỉ trích về cách đưa yếu tố màu da vào các quảng cáo của mình. Dưới đây là 6 mẫu quảng cáo khác cũng từng bị vướng lỗi “phân biệt chủng tộc” trên thế giới.

1. Chất tẩy rửa Qiaobi

Đoạn quảng cáo của hãng chất tẩy rửa Trung Quốc Qiaobi ra mắt vào tháng 3/2016 với nội dung một chàng trai da đen bị một phụ nữ Trung Quốc đẩy vào máy giặt. Sau quá trình “tẩy rửa”, chàng trai bước ra với hình dáng của một anh chàng Trung Hoa trắng trẻo.

Câu thông điệp đi kèm của quảng cáo này là “Thay đổi, tất cả bắt nguồn từ bột giặt tẩy Qiaobi”. Người dùng sau đó đã đăng đoạn quảng cáo này lên Twitter kèm dòng bày tỏ quan điểm “Có lẽ đây là quảng cáo kỳ thị chủng tộc nhất tôi từng xem. Họ chính xác là muốn gột rửa chất “Đen” ra khỏi con người vậy”.

Công ty chủ quản của thương hiệu bột giặt Qiaobi, Shanghai Leishang Cosmetics Ltd. Co, đã xin lỗi người tiêu dùng hai tháng sau đó. Công ty này cho biết: “Chúng tôi rất tiếc rằng quảng cáo đã gây ra những cách hiểu hoàn toàn trái ngược với thông điệp gốc. Song chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm với những cách hiểu khác nhau này”.

“Chúng tôi xin lỗi vì những tổn thương có thể gây ra cho cộng đồng người châu Phi vì sự lan tỏa của đoạn quảng cáo cũng như sự phóng đại quá mức của truyền thông”, công ty bày tỏ, “Chúng tôi chân thành hy vọng công chúng và truyền thông sẽ không đưa mọi chuyện đi quá xa”.

2. Nivea

Đầu năm nay, thương hiệu Nivea đã ra mắt dòng sản phẩm khử mùi với tiêu đề chính “Trắng là thuần khiết” và thông điệp: “Giữ sạch, giữ sáng. Đừng để bất cứ thứ gì phá hủy điều này, #invisible”.

Công ty mẹ của Nivea, Beiersdorf đã tháo hình ảnh quảng cáo này xuống và thừa nhận: “Hình ảnh này không phù hợp và không phản ánh đúng những giá trị của công ty. Chúng tôi xin lỗi sâu sắc vì sai lầm này”.

3. Cadbury

Vào năm 2011, hãng chocolate Anh Quốc Cadbury chạy một quảng cáo so sánh thanh kẹo Dairy Milk của hãng với siêu mẫu Naomi Campbell. “Quên Naomi đi, đây là diva mới”, dòng tiêu đề này đặt cạnh thanh Dairy Milk Bliss của hãng Cadbury.

Ngay sau đó, siêu mẫu Campbell đã lên tiếng: “Tôi rất tức giận vì bị xem như một thanh chocolate. Đây không chỉ là sự kỳ thị với riêng tôi mà còn với tất cả phụ nữ lẫn người da đen nói chung. Tôi không thấy có gì vui ở quảng cáo đó cả. Đó là một sự sỉ nhục và tổn thương”.

Công ty Cadbury, về sau thuộc quyền sở hữu của Mondelez, đã xin lỗi rằng: “Chúng tôi không hề cố ý dùng đoạn quảng cáo này để sỉ nhục Naomi, gia đình cô ấy hay bất cứ ai. Và chúng tôi vô cùng xin lỗi vì những gì đã xảy ra từ quảng cáo này”.

4. Sony PlayStation Portable

Khi Sony giới thiệu sản phẩm PlayStation Portable (PSP) với nhiều màu sắc khác nhau vào năm 2006, hãng này đã dùng một poster có hình hai phụ nữ. Trong đó, người phụ nữ da trắng cầm lấy gương mặt của một người mẫu da đen đầy công kích kèm câu thông điệp: “PlayStation Portable White sắp ra mắt”.

Poster quảng cáo này sau đó đã bị tháo xuống và công ty thực hiện đã giải thích rằng: “Hình ảnh tương phản trong banner nhằm thể hiện sự đối lập giữa những màu sắc khác nhau sắp ra mắt của PSP. Chúng tôi đã nhận ra rằng một vài yếu tố trong banner này có thể gây ra sự bất đồng ở một vài quốc gia, dù rằng quảng cáo này không xuất hiện ở đó”.

5. Benetton

Công ty chuyên về may mặc của Ý, Benetton, nổi tiếng với xu hướng dùng những quảng cáo tạo tranh luận. Năm 2011, hãng này từng đưa ra quảng cáo với hình ảnh Tổng thống Mỹ, Barack Obama hôn cựu Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez. Trước đó, năm 1991, hãng cũng từng tung ra một poster hình em bé sơ sinh trên mình vẫn còn máu và dây rốn.

Với xu hướng lựa chọn các quảng cáo này, Benetton cũng từng vấp phải chỉ trích từ dư luận về một quảng cáo sử dụng hình ảnh nhiều màu da khác nhau. Năm 1989, một poster của Benetton giới thiệu hình ảnh một phụ nữ da màu đang cho một đứa trẻ da trắng bú sữa. Poster này ở thập niên 1980 đã gây ra làn sóng phẫn nộ tại Mỹ và đã bị buộc phải tháo xuống.

6. Thuốc lá Nicofresh

Ngành công nghiệp thuốc lá điện tử từ không có gì đã phát triển lên thành một thị trường cạnh tranh cao. Trở lại năm 2014, Nicofresh đã tạo ra một chiến dịch cho thấy một chàng trai trẻ da đen đang ôm một phụ nữ da trắng từ phía sau cùng dòng chữ “Không thuốc lá. Không cấm đoán”.

Poster này được trưng bày tại Belfast (Bắc Ireland) nhưng bị cấm ở Anh. Nguyên nhân vì Cơ quan Kiểm soát Tiêu chuẩn Quảng cáo Anh Quốc đánh giá quảng cáo này sẽ làm người tiêu dùng tin rằng những mối quan hệ khác chủng tộc, khác độ tuổi là điều bị xã hội cấm đoán. Nicofresh thời điểm đó đã phản hồi lại rằng quảng cáo này được tạo ra với một thông điệp “hoàn toàn tích cực”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here