Từng là thí sinh tham dự cuộc thi “The Apprentice” năm 2006 cũng như từng tham gia vào Quốc hội Mỹ năm 2010, Surya Yalamanchili là cựu giám đốc thương hiệu của nhãn hàng P&G và là tác giả cuốn “Giải mã Donald: Huấn nghệ chính trị của Trump”. Bài viết là những chia sẻ của ông về nghệ thuật marketing được đúc kết từ thành công của Donald Trump.
Nhân đây tôi xin đề cử ông Donald Trump cho vị trí Tiếp thị viên của năm 2016. Có vô số các nhân tố đã đưa ông Trump tới vị trí đầu bảng của Đảng Cộng hòa, trong đó không thể không kể đến tài năng marketing xuất chúng của ông.
Trong lúc hoàn thành cuốn sách về “hiện tượng” Trump, tôi đã rất bất ngờ nhận ra rằng: chìa khóa thành công của ông Trump chính là những “chiêu” mà tôi đã học được khi làm giám đốc thương hiệu tại P&G.
Thường thì trong những chiến dịch tranh cử tầm cỡ quốc gia, luôn có một đám người tỉ mỉ chỉ đạo những điều mà ứng viên nói hay làm.
Khi tranh ghế Quốc hội năm 2010, cuộc vận động của tôi thiếu đi chút đánh bóng ấy bởi lẽ tôi nào đâu có tiền. Cuộc tranh cử của ông Trump hoặc là cũng thiếu đi mấy người cố vấn đó, hoặc là ông ta đã giấu họ kĩ như báu vật.
Do đó, thành công bất ngờ của ông Trump chính là minh chứng rõ nhất cho bản năng marketing tài tình của ông so với phương pháp vận động tranh cử truyền thống.
“Tại sao lại như vậy?”
Để trả lời câu hỏi này, tôi phải nhắc lại một quy tắc tổng quát mà tôi được đào tạo hồi còn làm cho P&G: Không được đánh đổi thành công dài hạn để lấy những sự quảng bá tạm thời. Nếu như thương hiệu phân phát coupon giảm giá vào mỗi tuần, dần dần khách hàng sẽ quen với việc chẳng bao giờ phải trả đúng giá.
Với hơn một thập kỉ tìm kiếm những thắng lợi ngắn hạn, Đảng Cộng hòa tỏ ra ưa dùng phương thức kích động cảm xúc và nỗi sợ của người ủng hộ. Bằng cách thuyết phục họ tin vào những động cơ xấu xa của phe đối lập, đồng thời không ngừng khẳng định mức độ nguy hiểm của thời đại ngày nay, Đảng Cộng hòa đã thành công trong việc kêu gọi phiếu bầu tại những bang chủ chốt.
Sau đó thì chẳng có gì ngạc nhiên khi mà giờ đây, chính những người bỏ phiếu đó tha thiết đòi hỏi một người đại diện có thể đã chạm “trúng nhất” vào những quan ngại của mình.
“Hãy cẩn thận cách đào tạo khách hàng” là một phương châm của P&G mà rõ ràng Đảng Cộng hòa chưa học được.
Gần đây, người ta đăng cả tá bài báo về những nỗ lực tuyệt vọng của Đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn ông Trump. Thiết nghĩ, có vẻ như giờ đây, khi đã hơi muộn, họ đã hiểu được nguyên tắc marketing cơ bản này.
Ngay từ đầu cuộc đua, ông Trump đã hoàn toàn làm chủ thế trận. Không hài lòng với việc ở thế bị động hay làm con rối của truyền thông, ông Trump đã luôn chủ động đóng vai dẫn truyện.
Sẵn sàng tự vẽ bức biếm họa về bản thân, ông Trump đã tạo nên sự khác biệt: một người có khí chất lãnh đạo dám nói sự thật, với lời lẽ sắc bén và những đòn tấn công thâm hiểm. Bức biếm họa ấy làm cho những kẻ chỉ trích ông phát điên lên; mặt khác, nó tạo dựng lòng tin trung thành ở những người ủng hộ.
Hơn nữa, có thể nhận thấy rằng, cuộc vận động tranh cử của ông Trump không hề nặng về kế hoạch hay chi tiết. Không cần phải lập luận nhiều, ông ấy luôn cố gắng trở nên tối giản.
Là một nhà quảng bá tài năng, ông hiểu rằng những lập luận đúng sai không hề quan trọng. Cơ sở lý luận không quá cần thiết khi mà bạn đang nhắm tới cảm xúc của người nghe. Thay vì tự ép mình vào những khuôn mẫu marketing như những người khác, ông Trump biết lúc nào nên từ bỏ kịch bản.
Sẽ thật thiếu sót nếu như các tiếp thị viên bỏ qua những bài học từ ông Trump: Luôn cẩn thận đào tạo khách hàng, chủ động trong hội thoại và không ngần ngại đối đầu những nguyên tắc lập luận cơ bản khi bán hàng.
Với những chiến thắng quyết đoán vào Siêu Thứ ba, có vẻ như ông Trump sẽ là ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa. Ông ấy sẽ là một tổng thống tốt chứ? Tôi không chắc, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, ông Trump sẽ là nhà tiếp thị “đỉnh” nhất khi đứng lên cầm quyền.