Liệu Apple có thể quản lí được đế chế ngày càng hùng mạnh của chính mình?

0
804

Sau khi trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt giá trị 800 tỉ USD, đà tăng trưởng của Apple vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Liệu đây có phải là một điều đáng quan ngại?

Theo Telegraph, trong nhiều năm qua, ngày quan trọng nhất trong cuốn lịch của Apple đều là một buổi sáng đầu tháng 9, khi họ sẽ ra mắt chiếc iPhone đời mới với công chúng.

Apple xoay quanh chiếc iPhone “toàn năng”, thứ chiếm gần 2/3 con số 218 tỉ USD (rất nhiều tỉ đồng) doanh thu hàng năm của công ty này. Những tính năng hoàn toàn mới khiến cả thế giới trầm trồ hay sự nhàm chán đến thất vọng, sẽ đóng vai trò quyết định đến âm hưởng của công ty cho phần còn lại của năm, cũng như quyết định số phận của họ.

Thiết kế mới và màn hình lớn của chiếc iPhone 6, được ra mắt vào năm 2014, đã hất văng Apple ra khỏi những top những công ty đạt lợi nhuận cao nhất trong quý. Những thay đổi đó đã đánh dấu cột mốc lần đầu tiên, Apple phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số, điều chưa từng xảy ra trong suốt một thập kỉ.

Nhưng điều đó đang thay đổi. Tuần qua, hội nghị thường niên dành cho nhà phát triển của công ty tổ chức, còn được biết đến với cái tên WWDC, đã gợi lại mọi sự phấn khích của người dùng mỗi khi có chiếc iPhone mới ra mắt. Apple đã “nhét” 6000 người, từ các nhà phát triển, các nhà phân tích đến nhà báo vào Trung tâm Hội nghị McEnery tại San Jose, California.

Trong những gương mặt nổi tiếng xuất hiện trên sân khấu còn có bà Michelle Obama, mặc dù Giám đốc điều hành Tim Cook mới là người mà mọi người đến để theo dõi.

Tim Cook, sau 6 năm nhậm chức, bằng giọng miền Nam đặc trưng của mình, ông đã công bố phiên bản mới của những thiết bị đã làm nên tên tuổi của Apple. Dòng máy tính xách tay của họ nhận được những sự nâng cấp đáng kể, và Apple cũng ra mắt chiếc iMac hoàn toàn mới. Chiếc máy tính bảng iPad Pro cũng có được những sự quan tâm nhất định, với màn hình 10.5-inch, kiểu dáng đẹp mắt và màn hình hiển thị tốt hơn.

Nhưng có hai trong số những công bố của Apple thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Đầu tiên là chiếc HomePod, một sản phẩm loa thông minh có giá 350 USD (khoảng 8 triệu đồng) được điều khiển qua trợ lí ảo Siri. HomePod sẽ là sản phẩm mới đầu tiên của Apple sau gần ba năm trời, khi nó được bán ra vào tháng 12.

Còn một thứ nữa, không có giá cao một chút nào. Ngạc nhiên, phải không? Thực ra, Apple sẽ mang đến cho bạn một cách hoàn toàn miễn phí. Đó chính là iOS 11, phiên bản hệ điều hành mới nhất dành cho iPhone và iPad.

Khi những cuộc chạy đua cấu hình đã không còn nhiều ý nghĩa, phần mềm sẽ là thứ mà người dùng quan tâm. Bạn có thể thấy rõ nhất qua chiếc iPhone: thiết kế cơ bản của nó hầu như không có sự thay đổi trong những năm gần đây, kể cả khi đối thủ của Apple là Samsung đã trình làng những tính năng như màn hình cong hay sạc không dây. Nhiều người cho rằng, chính iOS mới là thứ lôi kéo người dùng đến với iPhone, chứ không phải thiết kế – vốn đã có nhiều sự tương đồng với những chiếc điện thoại khác.

Khi doanh số của iPhone bị sụt giảm, Apple đã phải tìm cách thu hút sự chú ý sang hệ sinh thái iOS. Năm ngoái, Apple đã bán được hơn 1 tỉ thiết bị – từ iPhone, iPad cho đến iPod Touch, và con số đó vẫn sẽ còn tiếp tục tăng lên – chỉ trong 3 tháng đầu năm nay Apple đã bán được 51 triệu chiếc iPhone và 9 triệu chiếc iPad.

iOS đã khiến Apple phần nào gặp khó khăn trong việc cân bằng doanh thu của mình. Chiếc Apple Watch, được ra mắt vào năm 2015, có doanh thu cao hơn mọi đối thủ, nhưng vẫn bị cho là một nỗi thất vọng. Nếu tai nghe Beats và AirPod được ước tính đã chiếm 40% doanh số của tai nghe không dây vào cuối năm, chúng cũng chỉ góp phần rất nhỏ vào tổng doanh thu của công ty.

Thay vào đó, các nhà phân tích cho rằng thành công của Apple phụ thuộc vào hai yếu tố: họ kiếm được bao nhiêu từ chiếc iPhone thế hệ mới, và số tiền họ làm ra bằng cách bán phần mềm và ứng dụng cho người dùng iPhone và iPad đã có sẵn.

Trong những tháng gần đây, các giám đốc của Apple đã nói về triển vọng của bộ phận dịch vụ, bao gồm App Store, Apple Music và kho lưu trữ trực tuyến iCloud. Trong năm 2016, doanh thu của bộ phận này đạt 25,5 tỉ USD, tăng 20 phần trăm so với năm trước và gần tương đương với tổng doanh thu của Facebook. Tuần vừa rồi, Apple cũng nói rằng số lượt tải ứng dụng đã tăng 70% so với cùng kì năm trước. Các nhà phân tích tại Credit Suisse đã ước lượng rằng doanh thu từ mảng dịch vụ của Apple sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020, và khi đó sẽ chiếm khoảng 1/3 lợi nhuận của Apple.

Trên sân khấu WWDC, Apple đã không cho những người theo dõi có giây phút nào để nghỉ ngơi. Họ đã cải thiện những ứng dụng như máy ảnh hay bản đồ của mình. Tính năng “do not disturb” (không làm phiền) khi đang lái xe sẽ chặn mọi thông báo để người dùng không bị phân tâm bởi các cuộc gọi và tin nhắn. App Store cũng nhận được lần “đại tu” lớn nhất kể từ khi nó được ra mắt 9 năm về trước.

Tuy nhiên, nhiều công nghệ mà Apple đã giới thiệu gây cho chúng ta cảm giác họ đang phải cố gắng đuổi theo những gã khổng lồ công nghệ khác. Siri, trợ lí ảo của Apple, đã được trao khả năng phiên dịch ngoại ngữ trực tiếp, điều thực sự không còn mới mẻ chút nào. Một bản “demo” của những công cụ thực tế tăng cường cho các nhà phát triển có nhiều nét tương đồng không thể chối bỏ với những gì mà Facebook của Mark Zuckerberg đã giới thiệu vào tháng 4. Loa thông minh HomePod cũng chỉ là phản ứng của Apple với “mối đe họa” Amazon Echo.

Nhiều công ty đã lấy cảm hứng từ Apple, vậy tất nhiên, đã đến lúc để họ “đòi lại”. Nhưng câu hỏi vẫn còn tồn tại ở đó: liệu Apple có thể tạo ra sự đổi mới trong tương lai về các lĩnh vực phần mềm – trí tuệ nhân tạo, nhận diện giọng nói, thực tế ảo và thực tế tăng cường – giống như những gì họ đã làm được với phần cứng?

Nhiều chuyên gia cho rằng những tính năng mới mà Apple công bố vào tuần qua chưa thực sự gây được ấn tượng. Các nhà phân tích tại Deutsche Bank phát biểu: “Đa số những nâng cấp đều chỉ mang tính chất bổ sung, chứ không phải là cách mạng nào cả. Mặc dù nó đem lại sự thay đổi cho hệ sinh thái của Apple, chúng cũng không có sự khác biệt nhiều so với những thứ mà các công ty khác mang lại“.

Hãng nghiên cứu thị trường CCS Insight cho biết Apple đã không đưa ra được một cái nhìn bao quát về tương lai của họ. Trong khi Google đang khai thác những lợi ích của trí tuệ nhân tạo, Facebook bàn về việc đưa thế giới lại với nhau, Microsoft triển khai những kế hoạch về điện toán đám mây thì Apple, theo CCS Insight, thì lại “thiếu tầm nhìn xa trông rộng, và những thành công của họ chỉ là những sự rời rạc chắp vá lại với nhau”.

Đây không phải là một lời chỉ trích dành cho Apple. Tim Cook đã từng tự hào rằng tất cả các sản phẩm của Apple có thể đặt vừa lên trên một cái bàn; nhưng nó không phải là vấn đề nữa và họ cần phải có những sự nâng cấp lớn hơn bao giờ hết. Vị trí trung tâm của iPhone trong lòng người dùng và những nỗ lực của Apple trong việc phát triển một hệ sinh thái bao quanh nó cho thấy họ vẫn còn phải đi một chặng đường rất dài để có thể đáp ứng được những sự kì vọng đặt lên vai mình.

Tim Cook đã từng chỉ trích thực tế ảo và cho rằng nó là một công nghệ “phản xã hội” và gây hoang mang về ích lợi mà nó mang lại. Nhưng những chiếc iMac được công bố tuần qua đã được nâng cấp mạnh mẽ để có thể đáp ứng được những đòi hỏi về thực tế ảo của người dùng và các nhà sản xuất. Các giám đốc của Apple cũng đã từng tỏ ra hoài nghi về loa thông minh, thế nhưng họ cũng vẫn ra mắt chiếc HomePod để có thể cạnh tranh với Amazon Echo trong cuộc chiến không khoan nhượng để có thể đặt chân vào phòng khách của gia đình bạn.

Cũng có những sự cải tiến mang lại cơ hội cho Apple. iPhone sẽ được tích hợp dịch vụ thanh toán ngang hàng (peer-to-peer) cho phép người dùng giao dịch tiền bằng tin nhắn, một cơ hội rõ ràng cho Apple để bước chân vào các dịch vụ tài chính. Chiếc iPad mới cũng có những tính năng tương tự như máy tính để bàn và hướng đến việc thay thế máy tính xách tay, ý tưởng mà Apple đang dựa vào để cứu vãn doanh số thảm hại của máy tính bảng.

Năm ngoái Apple đã chi hơn 10 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển, nhiều hơn gấp 10 lần so với số tiền họ bỏ ra khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt cách đây một thập kỉ.

Ít nhất thì các nhà đầu tư đang tin vào khả năng của Apple trong việc quản lí đế chế của chính mình. Giá cổ phiếu đã tăng lên thêm 30% trong năm nay. Nhiều người thậm chí còn dự đoán rằng Apple sẽ trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có giá trị 1000 tỉ USD.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here