Làm thương hiệu bằng game: Tại sao không?

0
842

Gần đây, trong kế hoạch tiếp thị của các công ty quảng cáo đã bắt đầu xuất hiện cụm từ “In-game advertising”,tạm dịch là quảng cáo trong game.

Ðây là một công cụ mới, hứa hẹn đem lại hiệu quả cao bên cạnh những phương tiện quảng cáo trực tuyến phổ biến khác như Facebook hay thông qua các công cụ tìm kiếm.

Bùng nổ game trực tuyến

Theo khảo sát vừa được nghiên cứu bởi SuperData Research, thị trường game trực tuyến toàn cầu đã bùng nổ với doanh thu dự kiến đạt 74,2 tỉ USD. Như vậy, sau một thập kỷ, thị trường này đã tăng quy mô gấp 3 lần. Dữ liệu của SuperData Research cho thấy doanh thu game trực tuyến di động (điện thoại và máy tính bảng) đã chiếm 22,3 tỉ USD, tương đương 30% doanh thu ngành game toàn cầu.

Ngoài ra, xu hướng ngành giải trí chuyển dịch sang game trực tuyến cũng diễn ra khá mạnh mẽ. Tại thị trường Mỹ, lợi nhuận ngành giải trí đã tăng từ 79 tỉ USD (1985) lên tới 200 tỉ USD (2015). Trong đó, hình thức giải trí bằng game trực tuyến đã tăng gấp 5 lần, dự kiến sẽ chiếm 13% tổng lợi nhuận, tương đương 25 tỉ USD và đứng thứ 3 toàn ngành.

Theo số liệu của Hiệp hội Quảng cáo Di động Toàn cầu, trong số 5,3 tỉ điện thoại đăng ký sử dụng toàn cầu, 1/4 là smartphone có thể chạy được game trực tuyến. Theo thống kê của hãng phân tích thị trường di động Flurry, người Mỹ đã tiêu tốn rất nhiều thời gian cho những game di động như Flappy Birds, Angry Birds hay Candy Crush, với 32% tổng thời gian dành để chơi game. Vì thế, việc game sẽ trở thành một phương tiện quảng cáo hiệu quả là khả thi trong tương lai gần.

Tiên phong phát triển hình thức quảng cáo mới trên game là hãng EA của Mỹ. EA đã thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo các nhãn hiệu như McDonald’s, Ford Wheat Thins và Fox Sports bằng cách cho người chơi tương tác với quảng cáo của những sản phẩm trên thông qua game Ultimate Fighting, nhằm nhận quà tặng trong game. Còn thương hiệu xe sang Lexus gần đây đã phối hợp với EA sản xuất game Real Racing 3 để quảng cáo sản phẩm mới. “Chúng tôi cơ bản đã trao khách hàng chìa khóa mẫu xe Lexus mới, nhằm giúp họ có thể trải nghiệm được nó thông qua game Real Racing 3”, ông Scott Wensman, Giám đốc Truyền thông Lexus, nói.

Trong khi đó, nhà kinh doanh thời trang trực tuyến Zappos đã tạo ra một loạt game trực tuyến và có đến 80% người chơi game nhận diện chính xác ngay thương hiệu Zappos được xuất hiện trong game. Ngoài ra, 56% người chơi có ấn tượng tốt về Zappos vì cho rằng thương hiệu này đã tài trợ để họ được chơi game. “Loại quảng cáo này dễ được tiếp nhận vì khách hàng rất thích chơi game trực tuyến miễn phí”, Peter Manickas, Giám đốc Nghiên cứu của Frank Magid Associates, nhận xét.

Việt Nam hiện có 33,9 triệu người chơi game trực tuyến, điều mà không có nhà quảng cáo nào không để ý tới.

Cũng theo ông Manickas, nghiên cứu đã chứng minh rằng quảng cáo trong game trực tuyến mang lại hiệu quả tốt hơn quảng cáo truyền hình. Việc Zappos lồng ghép hình ảnh vào game góp phần tăng thêm 500% tỉ lệ người xem nhận biết tự phát về thương hiệu so với quảng cáo truyền hình.

Cơ hội tại Việt Nam

Quảng cáo trong game tuy không mới trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp sử dụng công cụ này để marketing cho thương hiệu khá ít, chủ yếu vẫn là các công ty ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và những ngành hàng điện tử. VTC Game từng ký hợp đồng quảng cáo trị giá 200.000 USD để lồng ghép hình ảnh của Samsung vào trò chơi Audition tại Việt Nam, cho phép game thủ nhìn thấy logo của hãng điện tử Hàn Quốc trên sàn biểu diễn trong game trực tuyến này. Ngoài ra còn có game Xạ thủ Pepsi quảng cáo cho PepsiCo, hay game Bóng đá Asian Cup cho doanh nghiệp đưa logo, sản phẩm lên màn hình chờ, sân vận động và các banner quanh sân.

Theo số liệu của Newzoo, Việt Nam hiện có 33,9 triệu người chơi game trực tuyến. Thị trường game được dự đoán sẽ đạt mức doanh thu 217 triệu USD trong năm 2015, đứng thứ 35 trên thế giới và đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Ðặc biệt, mức doanh thu này đã tăng 31,7% so với năm 2014, với mảng di động chiếm đến 38% tỉ trọng. Thị trường này cũng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng 28,1% từ đây đến năm 2018. Ðây rõ ràng là những con số khá ấn tượng, cho thấy tiềm năng của công cụ quảng cáo trong game.

Tại Việt Nam, những cuộc thi xoay quanh hình thức quảng cáo mới này cũng được tổ chức nhằm kích thích và gợi mở hướng đi mới cho ngành quảng cáo. Ví dụ như cuộc thi Gameloft Game Jam 2015 đã thu hút các đội thi khắp Đông Nam Á cùng tranh tài để tạo ra game quảng bá cho các thương hiệu mới.

Để xây dựng một game di động với mục đích quảng cáo tại Việt Nam, chi phí là khoảng 10-20 triệu đồng cho game đơn giản. Còn game phức tạp, doanh nghiệp sẽ phải chi ra đến vài chục ngàn USD. Ngoài ra, việc thực hiện game cũng phải mất ít nhất vài tuần, nên chủ yếu chỉ những doanh nghiệp lớn có chiến lược tiếp thị dài hơi và ngân sách lớn như PepsiCo, Samsung mới ứng dụng.

Tuy vậy, với sự phát triển vượt bậc của game trực tuyến, nhất là game trên nền tảng di động, cùng sự bão hòa của các kênh quảng cáo truyền thống và trực tuyến khác, có thể nói việc game trực tuyến trở thành một hình thức quảng cáo hiệu quả là điều có thể nhìn thấy trong tương lai gần.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here