Cách đây khoảng 2 năm, người tiêu dùng đã tỏ ra khó chịu khi smartphone cao cấp có giá bán đến 800 USD. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại xu hướng smartphone có giá trị trên 1.000 USD lại xuất hiện nhiều.
Theo SlashGear, trong khi nhiều người đổ lỗi cho các nhà sản xuất liên tục tăng giá không phanh thì giới phân tích lại cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến điều đó xảy ra xuất phát từ bản thân người tiêu dùng.
Nhiều nhà sản xuất smartphone có thể đã nuôi ý định tăng giá lên 4 chữ số (1.000 USD trở lên) nhưng chỉ có Apple mới thực sự dám vượt qua rào cản đó. Nhiều phê bình đã nhắm vào Apple vì đội giá iPhone X, thế nhưng nó vẫn bán… chạy. Công ty chứng minh rằng có những người sẵn sàng trả giá đó vì bất kỳ lý do nào mà họ cho rằng iPhone X có thể đáp ứng. Chính vì vậy, các hãng khác như Samsung hay Huawei cũng tranh thủ thực hiện theo.
Vậy tại sao giá điện thoại tăng? Lý do trực tiếp mà các công ty đưa ra là giá thành phần tăng lên, về cơ bản dựa vào cái gọi là “Dự luật Vật liệu”. Thành phần tiên tiến hơn có chi phí nhiều hơn để sản xuất, và một số vật liệu khó sản xuất dẫn đến chi phí tăng lên. Khi smartphone ngày càng nhồi nhét nhiều thứ vào trong không gian nhỏ nhắn của nó, những con số đó cũng sẽ tăng lên. Đó là lý do mà ngay cả OnePlus cũng có ý định tăng giá sản phẩm của mình. Nhưng trớ trêu thay, Google tăng giá Pixel 3 lên 100 USD ngay cả khi sản phẩm không thay đổi gần như bất cứ thứ gì so với Pixel 2.
Ở thời điểm hiện tại, các công ty phải “ném” tiền vào chi phí nghiên cứu và phát triển, tiếp thị, chứng nhận, thuế quan… dẫn đến chi phí cuối cùng tăng cao.
Nhưng yếu tố quan trọng nhất chính là bất kể giá bán nào, người tiêu dùng cũng sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm đó. Các công ty hiểu được rằng sẽ luôn có những người sẵn sàng mua điện thoại đắt nhất mà họ đưa ra vì một số tính năng, nhận diện thương hiệu…, và đó đều là yếu tố bất lợi cho người dùng. Nếu iPhone X và các điện thoại khác tương tự ra mắt sau đó thất bại vì giá của chúng, nếu người tiêu dùng đổ xô săn lùng điện thoại giá rẻ hơn có khả năng tương đương… thì sự xuất hiện của smartphone 1.000 USD trở lên sẽ ít hơn. Đáng buồn thay điều đó đã không xảy ra.
Vấn đề là, khi người mua có xu hướng giữ điện thoại giá trị của họ lâu hơn có nghĩa là các công ty có thể sẽ bán ít smartphone hơn theo thời gian. Chính vì điều này mà một số công ty có ý định tăng giá smartphone chỉ để bù đắp cho lượng sản phẩm bán chậm.
Cuối cùng, nhiều smartphone tầm trung đang bắt kịp các điện thoại cao cấp về hiệu năng và tính năng, giúp nó ngày càng hấp dẫn. Đến thời điểm đó, những chiếc điện thoại cao cấp trở thành một vật phẩm xa xỉ chỉ để biểu thị địa vị và uy tín, nơi người tiêu dùng không phải phụ thuộc quá nhiều về giá cả nữa.