Vinasun bành trướng

0
840

Chỉ 3 năm trước, ngôi vị đứng đầu trên thị trường taxi TP.HCM thuộc về Mai Linh. Nhưng nay “ngôi vương” đã thuộc về Vinasun.

Trong thị trường taxi, ai có được số đầu xe áp đảo, người đó gần như nắm chắc phần thắng, bởi chẳng khách hàng nào muốn gọi taxi lại phải đợi quá 10 phút. Từ 27 đầu xe Toyota được Công ty Vinasun nhập về trong những ngày đầu hoạt động (năm 2003), qua 10 năm số lượng xe của Vinasun đã tăng lên gần 4.600 xe, chiếm 46% thị phần xe taxi của TP.HCM. Mai Linh và 34 hãng taxi khác chia nhau 54% thị phần còn lại.

Tăng trưởng đẹp

Kết quả kinh doanh quý 3/2013 mới được Vinasun công bố cho thấy, tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh đạt 786,74 tỉ đồng; lợi nhuận đạt 72,36 tỉ đồng, nâng tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2013 lên 2.271,6 tỉ đồng, đạt 81,3% kế hoạch kinh doanh năm của công ty mẹ. Sau 9 tháng, tổng lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 166,94 tỉ đồng, tương ứng 95% kế hoạch năm. Những con số tăng trưởng nói trên đã phần nào khẳng định ngôi vị dẫn đầu của hãng taxi này, đồng thời cho thấy chiến lược do người đứng đầu là ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinasun đã phát huy tác dụng. Theo tính toán của UBND TP.HCM, số lượng xe tối đa cho thành phố là 12.500 chiếc, nhưng số xe thực chạy chỉ khoảng 11.000 chiếc. Khảo sát riêng của Vinasun cho thấy, chỉ còn khoảng 9.500 chiếc đang thực sự vận hành. Đây là cơ hội tốt để Vinasun gia tăng thị phần tại TP.HCM.

Ngoài ra, lợi nhuận từ thanh lí xe Vinasun thu về khoảng 49 tỉ đồng cộng với thu nhập khác (thu quảng cáo qua LCD đặt trên xe) đã đóng góp khoảng 29% vào lợi nhuận trước thuế trong 2 quý đầu của năm.

Dừng đúng lúc?

Thời điểm những năm 2009 -2010, khi Mai Linh và nhiều doanh nghiệp khác vẫn còn ngập sâu trong bất động sản thì Vinasun đã may mắn rút chân khỏi lĩnh vực này. Báo cáo của Mai Linh và Vinasun cho thấy, thời điểm những năm 2008-2009, Vinasun còn đầu tư mạnh cho bất động sản với số tiền 197 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, Mai Linh vẫn còn đầu tư khá dè dặt ở mức 31 tỉ đồng và 36 tỉ đồng tương ứng trong 2 năm kể trên. Đến thời điểm năm 2010 – 2011, được coi là giai đoạn đóng băng của thị trường bất động sản, với sự tư vấn đúng đắn của Temaseck Holding: “Bỏ hết các lĩnh vực râu ria như nhà hàng, bất động sản và tập trung vào lĩnh vực taxi”, Vinasun đã kịp rút chân đúng lúc và bảo toàn được một khối tài sản lớn, với tổng đầu tư cho bất động sản chỉ ở còn mức trên dưới 10 tỉ đồng.

Hành quân thần tốc và chắc chắn

Hiện nay, doanh thu từ hoạt động taxi của Viansun đạt 2.692,3 tỉ đồng, chiếm 99,23% trong cơ cấu tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ. Doanh thu từ mảng du lịch chỉ khoảng 21 tỉ đồng, chiếm 0,77% trong tổng doanh thu. Con số này cho thấy, dù ban đầu hoạt động taxi không phải là lĩnh vực được ông Thành đầu tư nhiều, nhưng nay trở thành lĩnh vực cốt lõi của Vinasun.

Là cử nhân sinh hóa, ông Thành từng kinh qua nhiều vị trí tại các cơ quan nhà nước. Đến năm 1995, ông thành lập Công ty TNHH Trầu Cau hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng và du lịch nội địa. Năm 2002, Trầu Cau đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ du lịch và Tư vấn đầu tư Ánh Dương Việt Nam, với việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang hoạt động tổ chức tour du lịch trong ngoài nước, tư vấn du học và bán vé máy bay. Cũng trong những năm 2000-2002, khi bất động sản đang phát triển nóng, ông Thành đã đầu tư khá nhiều vào lĩnh vực này và kiếm được một khoản lớn. Có thể nói, đầu tư bất động sản đã mang lại nguồn tài chính tốt để ông Thành lấn sân sang lĩnh vực taxi vào năm 2003, khi Mai Linh và Vinataxi đang chia nhau thị phần tại TP.HCM.

Vinasun áp dụng chế độ ăn chia doanh thu. Tài xế càng mang về doanh số cao thì càng được hưởng mức chiết khấu hoa hồng cao. Đây là một trong những động lực quan trọng để tài xế Vinasun luôn cố gắng hoạt động hết công suất và mang lại nguồn thu ổn định cho mảng taxi của hãng.

Là người đến sau, ông Thành biết rằng mình không thể đầu tư ồ ạt mà phải tiến những bước chắc chắn. Cho đến thời điểm hiện tại, số điểm đón khách của Vinasun đã phủ kín Sài Gòn với hơn 900 điểm. Với đội ngũ hùng hậu gồm gần 4.622 đầu xe và lượng nhân viên lên đến 13.488 người (tính đến 31/12/2012), nhưng Vinasun vẫn quản lí rất hiệu quả với 1 công ty mẹ tại TP.HCM và 1 công ty con tại Đà Nẵng, với tổng chi phí quản lí doanh nghiệp chỉ 63,9 tỉ đồng (theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012), chiếm khoảng 2,3% tổng doanh thu. So với Mai Linh, hiện nay hãng này đang sở hữu 12.000 đầu xe với số nhân viên là 28.000 người. Bộ máy quản lí của Mai Linh trở nên cồng kềnh với khoảng 60 công ty con, cháu rải đều khắp 53 tỉnh thành cả nước, đã ngốn chi phí quản lí doanh nghiệp lên đến 301 tỉ đồng (theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011), chiếm tới 10% doanh thu của hãng.

Để cạnh tranh với một đối thủ sừng sỏ như Mai Linh, không có cách nào khác là Vinasun phải tự nâng cao chất lượng phục vụ trong khi giá cước là tương đương. Có hai vấn đề được Ban giám đốc Vinasun đặt ra và quán triệt chặt chẽ. Thứ nhất là nâng cao chất lượng xe. Thứ 2 là “văn hóa Vinasun” đồng nhất cho tất cả tài xế. Ở vấn đề thứ nhất, có thể thấy, ông Thành là người dám mạnh dạn đầu tư ngay từ đầu khi gia nhập ngành. Ông đã cho nhập về dòng xe Toyota, rồi thay mới qua các đời xe Zace, Innova J và Innova G. Kế hoạch đến cuối 2013, Vinasun sẽ nâng tổng số xe Innova G lên 2.455 xe. Cũng không phải lúc nào ông cũng thành công. Năm 2008, Vinasun đã thử nghiệm đầu tư dàn xe sang trọng Camry để phục vụ tầng lớp khách thượng lưu tại Sài Gòn, nhưng không thu được hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, Vinasun đã nhanh chóng nhận ra sai lầm này và sửa sai ngay trong năm 2009.

Với tài xế, Vinasun áp dụng chế độ ăn chia doanh thu. Theo đó, tài xế càng mang về doanh số cao thì càng được hưởng mức chiết khấu hoa hồng cao (mức chiếu khấu cao nhất lên tới 63%). Đây là một trong những động lực quan trọng để tài xế Vinasun luôn cố gắng hoạt động hết công suất và mang lại nguồn thu ổn định cho mảng taxi của hãng.

4.8/5 - (9312 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here