Thấy gì từ chuyện lương thưởng của Vinamilk

0
966

Từ câu chuyện lương, thưởng tại Vinamilk, nhìn rộng ra các doanh nghiệp lớn của Nhà nước.

Với mức lợi nhuận sau thuế lên tới 5.819 tỷ đồng của năm 2012 và mức tăng trưởng bình quân của chỉ tiêu này đạt 47%/năm trong giai đoạn 2008-2012, chế độ lương, thưởng cho người lao động tại Vinamilk như thế nào là hợp lý?

Lương, thưởng khủng tại Vinamilk

Đề cập đến vấn đề lương, thưởng, lãnh đạo Vinamilk bày tỏ quan điểm: mức thù lao, tiền lương cần phù hợp để thu hút, giữ chân và khích lệ thành viên HĐQT, bộ máy lãnh đạo để điều hành doanh nghiệp của mình thành công. Một phần của tiền lương căn cứ vào kết quả hoạt động chung của công ty và của từng cá nhân. Khi đề ra tiền lương, tiểu ban lương, thưởng của công ty có xem xét đến các yếu tố về tiền lương và việc làm trong cùng ngành, so sánh với các công ty tương đương, kết quả hoạt động của Vinamilk nói chung, cũng như từng cá nhân. Chương trình xét thưởng hàng năm tại doanh nghiệp này được áp dụng cho toàn thể nhân viên trong công ty.

Là doanh nghiệp có lợi nhuận lớn, vậy thu nhập chính thức của ban lãnh đạo Vinamilk hiện ra sao? Theo số liệu của Vinamilk, chi phí lương, thưởng của công ty tăng hàng năm. Đơn cử, năm 2011, tiền lương và thưởng của thành viên HĐQT và ban điều hành là 46 tỷ đồng; con số này trong năm 2012 là 56 tỷ đồng. Trong số các thành viên HĐQT, bà Mai Kiều Liên hưởng thù lao tháng là 120 triệu đồng, ngoài ra còn có thù lao chủ tịch, trưởng ban; thù lao tiểu ban, trưởng tiểu ban, cộng cả khoản thưởng 342 triệu đồng tính cả năm 2012, thù lao tham gia HĐQT của bà Liên là 777 triệu đồng. Trong các thành viên HĐQT khác, thù lao cao nhất thuộc về ông Lê Anh Minh và Wang Eng Chin với số tiền lần lượt là 798 triệu đồng và 783 triệu đồng. Hai lãnh đạo của Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tham gia HĐQT công ty này là ông Hoàng Nguyên Học và ông Lê Song Lai hưởng thù lao lần lượt là 251 và 547 triệu đồng. Tuy nhiên, theo quy định của SCIC và Bộ Tài chính, số tiền này phải nộp về SCIC và được tính vào thu nhập của SCIC.

Là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính dồi dào, bởi vậy thù lao mỗi cuộc họp HĐQT của Vinamilk là mức mơ ước với các doanh nghiệp khác. Mỗi năm, HĐQT Vinamilk có 4 cuộc họp, tham dự mỗi cuộc họp một thành viên được hưởng thù lao 15 triệu đồng, nếu tham dự cả 4 cuộc họp thì thù lao mà một người được hưởng lên tới 60 triệu đồng/năm. Tương tự HĐQT, Ban Kiểm soát Vinamilk cũng được hưởng mức thù lao rất cao trong năm 2012. Trong số các thành viên ban kiểm soát, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban, có mức thù lao cao nhất với 558 triệu đồng.

Có thể nói mức lương, thưởng cho những vị trí cao nhất tại Vinamilk rất cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Đơn cử, tiền lương và thưởng của thành viên HĐQT và ban điều hành năm 2012 là 56 tỷ đồng. Nếu trừ đi thù lao của HĐQT ở mức xấp xỉ 4 tỷ đồng thì 8 thành viên ban điều hành có quỹ lương và thưởng gần 52 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi thành viên được hưởng 6,5 tỷ đồng/năm. Trong ban điều hành của Vinamilk có bà Mai Kiều Liên và Ngô Thị Thu Trang là hai thành viên HĐQT. Bên cạnh thù lao, lương, thưởng, các thành viên của Vinamilk còn được hưởng lợi rất lớn từ chương trình phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trong doanh nghiệp giai đoạn 2007-2011. Cổ phiếu mà người lao động trong công ty được mua ưu đãi có giá bằng mệnh giá, trong khi thị giá cổ phiếu lại thường dao động, cao gấp gần chục lần.

Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay

Lương, thưởng cho ban lãnh đạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của giới đầu tư và các chủ thể thị trường khi họ tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp. Trong trường hợp của Vinamilk, doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao, thị giá cổ phiếu tăng mạnh qua các năm, lương thưởng dành cho ban lãnh đạo dù ở mức rất cao, nhưng vẫn được sự ủng hộ của nhiều cổ đông. Tuy nhiên, bởi từng là doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, việc áp dụng những thông lệ quản trị hiện đại nhất cũng như cách trả lương, thưởng cho ban lãnh đạo theo mặt bằng các công ty lớn trong khu vực cũng không hề đơn giản. Thu nhập của ban lãnh đạo và người lao động Vinamilk hiện ở mức cao so với mặt bằng lương, thưởng tại Việt Nam. Đây là một trong những lý do mà cổ đông Nhà nước SCIC viện dẫn để phủ quyết chương trình ESOP của Vinamilk tại 2 kỳ đại hội cổ đông năm 2012 và 2013.Cũng có ý kiến lập luận rằng, Vinamilk đạt được những thành tích tăng trưởng ấn tượng là nhờ nhu cầu của thị trường sữa Việt Nam tăng mạnh, với mức tăng 21 – 22%/năm trong giai đoạn 2006 – 2011 và 12%/năm trong các năm từ 2011 – 2016, theo đánh giá của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor.

Thực tế là nhiều doanh nghiệp ngành sữa khác cũng đều có mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Ngoài chuyện giảm tiền thuế hàng năm nộp về ngân sách Nhà nước, quỹ lương, thưởng quá lớn sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Đồng thời, nắm giữ thị phần lớn như vậy, Vinamilk nên đưa ra mức giá bình ổn, hỗ trợ người tiêu dùng, thay vì tăng giá và góp phần thiết lập mặt bằng giá sữa cao như hiện nay. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ có thể thấy mức độ cạnh tranh trong ngành sữa hiện đang rất gay gắt, với hàng chục nhãn hiệu trong nước và nước ngoài. Việc duy trì chế độ lương, thưởng hấp dẫn để thu hút người tài và tăng hiệu suất làm việc của người lao động ở một chừng mực nào đó là điều cần được khuyến khích.

Từ Vinamilk nhìn về các doanh nghiệp khác

Doanh nghiệp lãi lớn, lương thưởng cao, điều đó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, dư luận thời gian qua nóng lên với câu chuyện lương thưởng ở nhiều doanh nghiệp lớn có kết quả kinh doanh bết bát. Đơn cử, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) năm 2011 lỗ 1.671 tỷ đồng, song Chủ tịch HĐQT vẫn hưởng lương hơn 50 triệu đồng/tháng, các Phó Tổng giám đốc hưởng lương 40 triệu đồng/tháng. Hay thu nhập bình quân của lãnh đạo TCT Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) năm 2011 là 56,5 triệu đồng/tháng, còn tại TCT Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là 79,749 triệu đồng/tháng.

Tại một cuộc họp báo mới đây, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho rằng: lương, thưởng của lãnh đạo các tổng công ty được thực hiện đúng quy định, song dư luận vẫn tỏ ra băn khoăn, liệu thu nhập của những lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đó là tương xứng hay quá cao so với cống hiến của họ cho doanh nghiệp?

Chuyện công bằng trong lương, thưởng cũng là một trong những vấn đề được lãnh đạo các tổng công ty Nhà nước đề cập tại cuộc gặp với Thủ tướng và thường trực Chính phủ hồi đầu năm. Theo quy định hiện nay, chỉ doanh nghiệp Nhà nước xếp hạng A mới được tăng lương. Trong khi hệ thống chỉ tiêu đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp nhà nước hiện chỉ quy định chung chung là những doanh nghiệp có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước tăng so với năm trước, không có nợ phải trả quá hạn, không vi phạm pháp luật mới được xếp hạng A. Có lãnh đạo doanh nghiệp đặt câu hỏi: “Lợi nhuận tăng một đồng cũng là tăng, bởi vậy có những doanh nghiệp năm trước đạt lợi nhuận thấp, năm nay đặt kế hoạch kinh doanh tăng lại được xếp hạng A, trong khi doanh nghiệp của họ có lợi nhuận tuyệt đối lớn, năm 2013 chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận tương đương lại không được xếp hạng A”.

Trong một cuộc họp giao ban sản xuất kinh doanh của Bộ Kế hoạch Đầu tư, đại diện của VNPT than thở: do cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông hiện quyết liệt quá, giá cước liên tục hạ, tập đoàn này lại phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ công ích, lợi nhuận khó tăng qua các năm, kết quả là doanh nghiệp toàn xếp hạng B nên bị thiệt thòi về lương thưởng!

Trong khi đó, cơ chế để phê duyệt chế độ lương thưởng của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện này cũng khó tránh được sự mất công bằng vì khi xem xét kế hoạch tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội dựa trên kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp đưa ra mức lợi nhuận dự kiến cao hơn năm trước, nhưng kết thúc năm, doanh nghiệp lại viện dẫn nhiều lý do khách quan cho việc lỗ lã cả trăm tỷ đồng. Khi ấy thì mọi “sự đã rồi” vì lương thưởng đã được trả hết trong năm rồi.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here