Thảm họa “câu view” bằng mọi giá

0
739

Vì sao tin đồn, tin hóng hớt, tin nghe ba chớp ba nhoáng được đẩy lên bất cần kiểm chứng, bất cần trách nhiệm, bất chấp hậu quả? Chúng tôi nhìn lại thảm họa này để cùng các chuyên gia phân tích, tìm lời giải.

Khi một trang mạng đăng thông tin đầu tiên dựng chuyện về việc chuột cống trong nồi nước lèo của người bán hủ tiếu gõ với những tình tiết ly kỳ cùng những thông tin chưa được kiểm chứng đưa lên thì hàng trăm, hàng ngàn người đọc và chia sẻ thông tin (share link) trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.

Đưa tin trước, kiểm chứng sau

Sau đó là những bình luận, lời kêu gọi tẩy chay, những chuyện kể thêm mắm giặm muối xảy ra xung quanh nồi hủ tiếu gõ. Cũng có người bình tĩnh kiểm chứng thông tin từ ngay chính nội dung bài viết trên mạng mà tác giả tự xưng là “phóng viên” đó và đề nghị mọi người hãy bình tĩnh.

Một số rất nhỏ những người lao động hoặc các bạn sinh viên thường xuyên ăn hủ tiếu gõ thì có một vài lời thanh minh giúp, nhưng những lời cảnh tỉnh này rơi vào hư không khi số cộng đồng mạng “theo số đông” hùa vào kết tội hủ tiếu gõ.

Thông tin bịa đặt “nấu hủ tiếu bằng chuột cống” lan trên các trang mạng khiến dư luận xôn xao.

Để câu view (thu hút lượt truy cập – pageview), nhiều trang mạng đang đi ngược quy trình đưa tin là cứ đưa thông tin, câu được view trước, sai đúng tính sau. Đầu tháng 7-2013, cộng đồng mạng như “lên cơn” về thông tin TP.HCM ra văn bản cấm phụ nữ trên 33 tuổi mang thai. Chỉ từ một mẩu tin nhỏ do phóng viên báo điện tử V diễn đạt chưa đúng ý kiến của bà Tô Thị Kim Hoa – chi cục trưởng Chi cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, hàng trăm bài viết khác về việc này đã xuất hiện trên các trang mạng với đủ kiểu bình luận, mở rộng thông tin, lập những diễn đàn bình luận, thậm chí chửi bới để hút dư luận tăng view.

Trong khi đó, việc đơn giản nhất là liên hệ với bà Tô Thị Kim Hoa và tìm được văn bản có nội dung đã đưa thì không mạng nào chịu làm. Kết quả lượt view của nhiều trang mạng tăng cao nhưng hậu quả là Chi cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình TP.HCM phải sống trong bão dư luận, cho đến khi Tuổi Trẻ Online thực hiện bản tin phỏng vấn bà Tô Thị Kim Hoa khẳng định không hề có quy định này. Sau đó, trừ báo mạng V có lời xin lỗi, các trang mạng từng nối đuôi gây ra cơn bão dư luận đã thản nhiên rút bài như chưa từng đưa tin và không kèm theo lời xin lỗi nào.

Xuất phát từ một câu chuyện “tiếu lâm” bác sĩ kể trong lúc trà dư tửu hậu, tháng 9-2012 một phóng viên đưa thông tin chưa kiểm chứng về “vụ ngoại tình” của ba chồng và nàng dâu khiến cả hai người dính liền nên phải đưa đến bệnh viện để cứu chữa ở ĐBSCL. Ngay lập tức thông tin này nhận được sự chia sẻ đông đảo khiến các trang mạng “sôi sùng sục”.

Không chỉ đi sâu bàn về chuyện “vô luân” của ba chồng nàng dâu “ảo” kia mà các trang mạng còn đưa thông tin chính xác tên tuổi, địa phương của hai người, và tranh thủ mời bác sĩ “bàn thêm” về các triệu chứng mắc phải khác khi nam nữ quan hệ tình dục. Khi tờ báo mạng đăng tin đó lên tiếng xin lỗi thì tin tức dỏm về vụ đó đã lan tràn trong dư luận cả nước.

Bất chấp hậu quả

Thủ thuật này xem ra khá đơn giản, không cần những người trong nghề báo mà một người vừa thoát ra khỏi cơn bão dư luận, là nạn nhân của trò câu view là bà Tô Thị Kim Hoa cũng chỉ ra: “Họ thường lờ đi bối cảnh thông tin, hoặc chỉ nói một phần thông tin để giật gân”.

Bà Hoa cho biết bà chỉ trách phóng viên của báo V đã đưa bản tin đầu tiên việc phụ nữ trên 33 tuổi không được mang thai là sơ sót, ghi sai ý của bà khi trao đổi bên lề dẫn tới hiểu nhầm. Trách thì đã rồi, các trang mạng khác khi dẫn lại đã cố tình lờ đi bối cảnh thông tin, nâng mức độ quan trọng rằng đó là thông tin được trích từ văn bản. “Mỗi trang thêm mắm thêm muối một chút, cuối cùng đẩy lên thành bão dư luận” – bà Hoa nói.

Những bức xúc này sau đó đã được bà Hoa chỉ ra tại cuộc họp giao ban báo chí của Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM vào ngày 12-7 và đề nghị phải xử lý nghiêm những trang mạng cố tình câu view bằng cách lờ đi bối cảnh thông tin và “thêm mắm giặm muối” để tăng view.

Với vụ việc xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường, trong khi cơ quan điều tra vào cuộc để củng cố bằng chứng phục vụ việc điều tra, tìm tung tích nạn nhân thì một số trang mạng đã nhảy vào “moi móc” các thông tin khác theo hướng tò mò, giật gân và xâm phạm đời tư: tìm về nhà gia đình bác sĩ Tường ở quê, viết về mẹ và anh chị trong gia đình ông Tường, viết về tình trạng phẫu thuật thẩm mỹ và dẫn lại trường hợp, đăng luôn ảnh một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng thời xuân sắc và lúc về già… Những thông tin này làm tổn thương đến người ngoài cuộc, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của những người không hề liên quan tự dưng bị bêu trên báo.

“Mỗi trang thêm mắm thêm muối một chút, cuối cùng đẩy lên thành bão dư luận”

Sau khi thông tin chính thức khẳng định không hề có chuyện chuột cống trong nồi hủ tiếu gõ thì các trang mạng tung tin ban đầu đã đăng bài của tác giả để “xin lỗi những người bán hủ tiếu chân chính và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để tìm hiểu về vấn đề an toàn thực phẩm của những hàng hủ tiếu gõ”. Nhưng bài viết sau này không có nhiều người share, thậm chí lượt người đọc cũng rất hạn chế. Cũng như vậy, khi chuyện “ba chồng nàng dâu” được khẳng định là tin hoàn toàn bịa đặt thì cộng đồng mạng chẳng mấy ai quan tâm đến thông tin này nữa.

Và trong khi các báo điện tử, trang mạng, các Facebooker đang mải miết chửi bới vào lối làm ăn chụp giật, vô nhân đạo của người bán hủ tiếu gõ và kêu gọi cộng đồng tẩy chay những hàng hủ tiếu bất lương (như cách viết trên trang mạng) kia thì người bán hủ tiếu gõ không biết thanh minh với ai. Họ âm thầm đẩy xe hàng từ nơi này đến nơi khác, buồn bã kèm tức giận khi nghe khách chọc “có nấu bằng chuột cống không vậy?”… Tất cả điều đó đã đánh trực tiếp vào nồi cơm của những người lao động tha hương từ Quảng Ngãi ở Sài Gòn với bao nỗi niềm.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here