Nội Dung Chính
Tọa đàm “Sáng tạo để trường tồn” trong khuôn khổ buổi giới thiệu giải thưởng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect”do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư và thương hiệu Royal Salute tổ chức ở Đà Nẵng cuối tháng 11 vừa qua đã đưa thông điệp đến các doanh nghiệp: Để tồn tại, doanh nghiệp cần sáng tạo không ngừng; quá trình sáng tạo ấy luôn bao hàm những rủi ro thách thức.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Secoin, diễn giả của buổi Tọa đàm, đã nhìn nhận, ai cũng có thể ngồi và nghĩ ra rất nhiều ý tưởng về những cái mới. Nhưng sẽ chỉ có những ý tưởng nào thực hiện được bằng nguồn lực, ý chí người lãnh đạo và hợp với xu hướng nhu cầu của khách hàng, mới là ý tưởng sáng tạo. Quan trọng hơn, quá trình thực hiện ý tưởng ấy là cả một lộ trình đổi mới doanh nghiệp, chứa đựng nhiều rủi ro và thách thức.
Đối mặt rủi ro?
Ông Kỳ chia sẻ một bài học thất bại của doanh nghiệp mình trong giai đoạn đầu tiên đổi mới. Đó là khi ông phát hiện ra các loại gạch tấm xây dựng có cơ hội tiêu thụ trên thị trường đều liên quan đến các nhà sản xuất Trung Quốc và rất nhiều nguồn hàng vật liệu xây dựng phải nhập khẩu từ nước này. Ông liền mua dây chuyền công nghệ, học cách làm sản phẩm, lập phân xưởng sản xuất với niềm tin sẽ thắng. Nhân lực rẻ hơn, thị trường sẵn trong tay nên chỉ cần nắm chắc công nghệ, đưa ra sản phẩm đúng ý khách hàng là doanh nghiệp sẽ có thể phát triển. Tuy nhiên, chẳng mất nhiều thời gian, Secoin đã thất bại thảm hại, sản phẩm làm ra ứ đọng, Công ty đành đóng cửa sản xuất gạch tấm công nghệ và chuyển qua làm sản phẩm khác.
Nguyên nhân được xác định: không thể cạnh tranh giá với nhà sản xuất Trung Quốc. Nước này đánh thuế nguyên liệu rất đắt. Do nhà máy của Secoin vẫn phải nhập nguyên liệu nước ngoài, nên dù sản xuất khéo đến đâu, tiết kiệm đến đâu, cũng không thể đối đầu nổi với sản phẩm Trung Quốc có giá bán rẻ hơn đến 40%.
“Chúng tôi nhận ra một điều: làm một sản phẩm mà chỉ rập khuôn người ta, không có sự vận động khác biệt của mình, thì ý tưởng hay bao nhiêu cũng thất bại. Cần phải nhìn ý tưởng sáng tạo thay đổi của mình từ những góc cạnh thực tế”, ông Kỳ cho biết.
Nội dung “sáng tạo phải bao hàm thay đổi” này lại được ông Phạm Việt Anh, nhà sáng lập Công ty Left Brain Connectors, phân tích: Sáng tạo không phải tạo cái mới hoàn toàn, mà là dựa vào cái đã có, tái tạo nên một cái hợp lý với hoàn cảnh, tận dụng đúng nguồn lực trong tay và được thị trường chấp nhận.
Giải pháp để kiểm soát con đường sáng tạo và ngăn chặn rủi ro diễn ra là phải mạnh dạn và tỉnh táo đổi mới.
Cùng một vấn đề, nhưng ai nhìn ra được nhiều góc giải quyết, rồi chọn đúng góc hợp với khả năng của mình nhất để làm, thì người đó sáng tạo hơn. Chưa hết, với cùng góc nhìn đã chọn, nhưng ai có giải pháp hiệu quả hơn, đánh trúng tâm lý thị hiếu thị trường hơn để sản phẩm làm ra khác biệt các sản phẩm khác nhưng lại dễ lôi kéo khách hàng, thì người đó mới thực sự giải được bài toán sáng tạo.
Vấn đề ở chỗ liệu ai có thể bảo đảm suốt cả chặng dài tìm tòi, ứng dụng, thử nghiệm cái đã có thành cái mới hơn như vậy mà doanh nghiệp không hề bị rủi ro? Vậy nên khi tìm kiếm sự sáng tạo, doanh nghiệp phải chấp nhận đồng hành cùng rủi ro.
Tất yếu sáng tạo
Ông Kỳ cho rằng, giải pháp để kiểm soát con đường sáng tạo của doanh nghiệp và ngăn chặn rủi ro diễn ra chính là phải mạnh dạn và tỉnh táo đổi mới.
Việc biến một ý tưởng sáng tạo thành hiện thực phải theo đúng quy trình, có những bài toán định tính, định lượng rõ ràng dựa vào thực tế nguồn lực và ý chí doanh nghiệp. Đó chính là tiến trình đổi mới.
Ông Đỗ Nhật Thanh (bìa phải), Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư và ông Phạm Đình Trung (bìa trái), đại diện đơn vị đồng hành, tặng hoa cho các diễn giả.
Theo ông Kỳ, không nên lẫn lộn giữa sáng tạo và đổi mới. Ông dẫn lời một nhà triết học kinh tế: “Các tổ chức thường đeo đuổi sự sáng tạo, nhưng những gì họ thực sự cần lại là phải theo đuổi sự đổi mới. Điều thường thiếu ở doanh nghiệp không phải là sáng tạo ra những ý tưởng mới, mà là sự đổi mới trong hành động sản xuất”.
Khi theo đuổi đổi mới, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt rủi ro. Để vượt qua rủi ro, doanh nghiệp phải kiên trì với hướng đổi mới và qua đó, đạt đến mục tiêu sáng tạo của mình.
Theo ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, bối cảnh kinh tế hiện nay có nhiều bất trắc, khả năng rủi ro cao thì áp lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp lại càng phải đặt ra nghiêm túc. Không có nhiều doanh nghiệp dám lựa chọn sáng tạo đổi mới như vậy. Cho nên, với những doanh nghiệp điển hình, đã có bài học đổi mới, sáng tạo thành công, cộng đồng nên có sự ghi nhận chính đáng, sự tôn vinh cần thiết. Đó là lý do để giải thưởng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Respect” được phát động.
Theo ông Kỳ, các doanh nghiệp cần nhìn nhận vấn đề từ góc cạnh tổng thể này, để mạnh dạn tham gia cuộc thi, tạo nên sân chơi công bằng, khẳng định tầm nhìn, trí tuệ và bản lĩnh các doanh nghiệp Việt đthành công từ Sáng tạo, Nguồn lực và Động lực.