Quay về cốt lõi

0
643

Có vẻ như các doanh nghiệp Việt Nam còn quá trẻ để có thể tham gia một cuộc chơi đa ngành thực sự.

“Có vẻ như đa ngành là “mốt” của các công ty châu Á”. Giám đốc Điều hành Dragon Capital Dominic Scriven mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị Đầu tư 2013 bằng lời nhận định này.

Một nghiên cứu của McKinsey chỉ ra rằng, các công ty đa ngành chiếm 80% doanh thu của 50 công ty lớn nhất Hàn Quốc, 90% ở Ấn Độ và 40% ở Trung Quốc, theo số liệu năm 2010. Đặc biệt, tất cả những công ty này tạo ra mức tăng trưởng doanh thu bình quân rất cao trong suốt thập kỷ 2000 – 2010: Trung Quốc và Ấn Độ là 23%/năm, Hàn Quốc là 11%.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Việt Nam. Ông Dominic Scriven dẫn số liệu từ Bloomberg cho thấy trong giai đoạn 2006 – 2009, một lượng vốn lớn tăng lên ở thị trường Việt Nam và phần lớn đổ vào các lĩnh vực không cốt lõi của 50 công ty lớn nhất ở Việt Nam.

Kết quả là các doanh nghiệp này phải chấp nhận lỗ lớn trong những năm kinh tế khó khăn, nặng nhất là trong năm 2008 với mức lỗ đến 20%.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, cho rằng, sự nở rộ đa ngành ở Việt Nam mấy năm qua có nguyên nhân chính từ xu hướng đầu tư theo phong trào. Quay ngược lại lịch sử, Việt Nam đã từng chứng kiến rất nhiều phong trào đầu tư khác. Giai đoạn đầu những năm 1980 là phong trào lập công ty xuất nhập khẩu, những năm 1990 là lập công ty liên doanh với nước ngoài, đến giai đoạn 2004 – 2005 là thành lập ngân hàng.

“Những năm 80, một ông bạn của tôi là Chủ tịch Phường khoe mới xin thành lập công ty xuất nhập khẩu của Phường. Còn năm 2005 anh nào vừa cầm tờ giấy phép thành lập ngân hàng bước ra khỏi cơ quan cấp phép là có người đứng chờ trả giá lên “5 chấm”, ông nói.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE, lại lập luận rằng cơn sốt đa ngành ở Việt Nam có một phần lỗi do chính sách. “Cách đây 3, 4 năm, đất đai có thể xem một đặc quyền, không phải ai cũng tiếp cận được nên đầu tư vào bất động sản luôn có thể sinh lợi lớn. Đa ngành phát sinh theo thời thế và cơ chế là rất nguy hiểm cho Việt Nam”, bà Thanh nhận xét.

Điều này cũng phần nào được Tiến sĩ Võ Trí Thành, đại diện cho giới nghiên cứu chính sách, thừa nhận. Chính việc thi hành chính sách “đồng tiền dễ dãi” của Chính phủ trong nhiều năm và lấy chỉ số tăng trưởng làm thước đo gần như duy nhất cho nền kinh tế đã thúc đẩy hoạt động đa ngành nhiều hơn.

Trong giai đoạn tăng trưởng nóng 2006 – 2007, chính sách “đồng tiền dễ dãi” mà ông Thành nhắc đến đã tạo điều kiện cho giá các loại tài sản trên thị trường tài chính tăng giá chóng mặt. Đi kèm với đó là việc dễ dàng huy động vốn và đầu tư tràn lan vào ngân hàng, bất động sản hoặc cổ phiếu. Thừa tiền, kết quả tất yếu là doanh nghiệp luôn nỗ lực tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới để bỏ vốn.

Ở phía ngược lại, các công ty chỉ chuyên tâm vào vào một lĩnh vực đang được đánh giá cao hơn, nhận được sự quan tâm của thị trường nhiều hơn và kiếm nguồn vốn dễ dàng hơn. Điều này thể hiện qua giá trị cổ phiếu của những công ty này trên thị trường và room cho nhà đầu tư ngoại luôn kín từ năm 2011.

Một trong số đó là Dược Hậu Giang. Nằm trong top “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” do NCĐT xếp hạng, Dược Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định qua nhiều năm. Thừa nhận DHG luôn thừa tiền nên áp lực đem tiền đi đầu tư kiếm thêm lợi nhuận từ phía cổ đông là rất lớn, nhưng bà có lòng tin tuyệt đối vào ngành dược và năng lực cốt lõi của toàn bộ công ty bà được xây dựng trên lĩnh vực này.

“Giả sử bây giờ có ngành nào làm ra nhiều tiền thì tôi cũng không tham gia. Bản thân tôi đi làm không để kiếm tiền mà vì yêu nghề dược; nhân viên của tôi cũng vậy. Slogan của công ty tôi là “vì một cuộc sống khỏe đẹp hơn”. Cứ cái gì khỏe, đẹp thì chúng tôi làm”, bà Nga nói vui.

Trong khi bà Nga đang tận hưởng thành quả từ sự kiên định của mình thì nhiều đồng nghiệp của bà, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã sa đà đầu tư đa ngành, đau đầu tìm cách cắt bỏ những lĩnh vực kém hiệu quả. “Công ty tôi giờ có tới 5, 6 mảng kinh doanh, biết cái nào là cốt lõi?”, một vị CEO tham dự Hội nghị Đầu tư 2013 đặt câu hỏi.

Theo ông Nguyễn Minh Triết, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Strategy Asia, lĩnh vực cốt lõi không nhất thiết phải là lĩnh vực kinh doanh truyền thống của doanh nghiệp, hay lĩnh vực đã từng mang lại rất nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp trong quá khứ. Đó là lĩnh vực mà doanh nghiệp có năng lực cốt lõi, tức có khả năng cạnh tranh mạnh nhất.

Gói gọn những lý thuyết quản trị này trong một thông điệp hết sức đơn giản, bà Nga Dược Hậu Giang nói: “Xem lại trong các lĩnh vực đó lĩnh vực nào mình làm giỏi nhất, đang nắm giữ lợi thế cạnh tranh tốt nhất so với đối thủ và lĩnh vực nào bạn và nhân viên yêu thích nhất thì đó chính là ngành cốt lõi”.

Tác động nhân quả giữa sức khỏe kinh tế Việt Nam và hoạt động đa ngành vẫn còn là dấu hỏi. Tình hình vĩ mô kém dẫn đến sự không hiệu quả của tập đoàn đa ngành, hay chính các tập đoàn đa ngành đã khiến cho điều kiện vĩ mô của Việt Nam kém đi?

Mặc dù mô hình kinh doanh đa ngành đang bị phê phán ở Việt Nam nhưng gần như cả 500 nhà lãnh đạo doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị Đầu tư 2013 đều nhận định rằng những nỗ lực đa ngành của các ông chủ doanh nghiệp Việt hoàn toàn không có lỗi. “Bản chất doanh nghiệp là đi tìm lợi nhuận. Có cơ hội là phải tranh thủ cơ hội đó để biến thành tiền”, ông Dũng Eximbank cho biết.

“Bí quyết để có mô hình tập đoàn thành công là phải có nhiều kinh nghiệm và phải thất bại nhiều lần”

Sự thất bại của mô hình tập đoàn ở Việt Nam, theo ông Dũng, là do các ông chủ doanh nghiệp đã không biết rõ ngành kinh doanh mình tham gia. “Chúng ta thua không phải vì đa ngành mà vì không có năng lực cốt lõi”.

Sự non trẻ, thiếu kinh nghiệm hoạt động đa ngành cũng là lý do chính để lý giải cho những thất bại vừa qua. Dẫn chứng những tập đoàn đa ngành thành công trên thế giới, ông Dominic Scriven của Dragon Capital đưa ra một nhận xét khá thú vị: “GE có Jack Welch, Berkshire Hathaway có Warren Buffett, Hutchison Whampoa có Li Ka Shing. Điểm chung là các nhà lãnh đạo này đều già”. Như vậy, bí quyết để có mô hình tập đoàn thành công là “phải có nhiều kinh nghiệm và phải thất bại nhiều lần”, ông Dominic nói.

Trong khi đó, rõ ràng là nền kinh tế Việt Nam chưa đủ thời gian để tích lũy kinh nghiệm và tập hợp cả những điều kiện cần khác để thành công trong cuộc chơi đa ngành. Đó là có đầu óc kinh doanh xuất sắc, cơ cấu tài chính và quản trị doanh nghiệp vững mạnh, năng lực lãnh đạo xuất sắc và kế hoạch thoái vốn kiên định.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here