Là một trong số ít những người Việt Nam mang thương hiệu Việt rạng danh trên đất Mỹ và thế giới, ông Phạm Đình Nguyên – CEO Công ty PhinDeli Coffee đã trở thành biểu tượng sống và truyền cảm hứng cho hàng ngàn bạn trẻ hiện nay.
Đặc biệt, với những câu chuyện về Marketing “độc nhất vô nhị”, ông Nguyên luôn gây được ấn tượng cho khách hàng về thương hiệu PhinDeli Coffee của mình.
Ông Phạm Đình Nguyên là Chủ tịch Công ty PhinDeli với câu chuyện nổi tiếng về gây dựng danh tiếng một thương hiệu Việt ở thị trường nước ngoài. Ông là người thắng cuộc tại phiên đấu giá trực tiếp toàn cầu để mua thị trấn “thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ” Buford, bang Wyoming vào tháng 4/2012 và sau đó đổi tên thành PhinDeli Town Buford vào tháng 9/2013. Kể từ đó, ông Nguyên đã trở thành một biểu tượng gây cảm hứng cho thanh niên Việt Nam câu chuyện thương hiệu cà phê PhinDeli làm dậy sóng truyền thông nước Mỹ. Trước đó, ông đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghiệp Hàng hóa tiêu dùng nhanh (FMCG) với 15 năm làm việc tại bộ phận kinh doanh & marketing cho các công ty đa quốc gia bao gồm Coca-Cola, Nokia, Mars cũng như các doanh nghiệp hàng đầu trong nước như ICP (Chủ thương hiệu Xmen) và tập đoàn Kinh Đô.
Mở đầu những chia sẻ của mình, ông Nguyên chia sẻ về quan điểm sống và làm việc vô cùng khách quan và rõ ràng: “Thành công của một người được quyết định bởi 25% trình độ chuyên môn, bằng cấp; 75% còn lại là kỹ năng mềm”. Ông Nguyên cho rằng, nếu chúng ta muốn thành công, điều thực sự cần thiết nhất chính là rèn luyện kỹ năng sống và sự tư duy về các vấn đề một cách nhanh nhạy. Đặc biệt hơn, với các kỹ năng sống tuyệt vời ấy, ông Nguyên đã có những thành công trong lĩnh vực mà ông đam mê từ khi còn trẻ – Marketing.
* Câu chuyện “thần kì” về sự thành lập của Cà phê Phindeli đã khiến cho nhiều người trầm trồ thán phục. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này cho các bạn đọc được biết rõ hơn không?
Tôi không dám nhận hai chữ “thần kỳ” đâu bạn ơi, nếu có thể tôi xin phép dùng từ “đột phá” thì đúng hơn. Với những SMEs khởi nghiệp trong ngành cà phê đầy cạnh tranh khốc liệt như PhinDeli thì việc làm cho người tiêu dùng biết đến thương hiệu với 1 số tiền không quá “khủng” là mục tiêu hàng đầu. Chúng tôi quan niệm rằng, làm Marketing không cần quá nhiều tiền, chúng ta nên dành tiền đó để thực hiện các công việc khác của doanh nghiệp. Và với lý tưởng ấy, chúng tôi đã may mắn khi “số phận” gõ cửa và mang đến cho mình cơ hội ngàn năm có một. Câu chuyện “Người Việt mua thị trấn Mỹ” đã làm hao tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông trong và ngoài nước. Và chúng tôi khai trương thị trấn cà phê Việt trên đất Mỹ, PhinDeli thì một lần nữa gây bão truyền thông. Nhìn lại mọi việc, chúng tôi tự hào vì đã dám dấn thân vào những việc mà xưa nay chưa ai làm.
* Ông bén duyên với nghề Marketing từ khi nào? Và ông đã gắn bó với nghề Marketing trong bao lâu rồi?
Thật ra tôi tốt nghiệp ngành Marketing trường ĐH Kinh Tế TP HCM. Sau đó trong suốt mười mấy năm đi làm thì cơ duyên đưa tôi làm toàn những công việc xoay quanh marketing và sales. Nên cũng khó có thể nói chính xác là tôi bén duyên với markeitng từ lúc nào và trong bao lâu rồi.
* Theo ông, điều gì làm nên cốt lõi của một kế hoạch Marketing hiệu quả? Ông nghĩ sao về xu hướng thực hiện Marketing gắn với xây dựng thương hiệu?
Để làm tốt một việc thì trước tiên mình cần hiểu rõ và hiểu đúng về bản chất của nó. Sau đó cần hiện thực hoá thành 1 kế hoạch hoàn chỉnh, cụ thể và hiệu quả.
Có rất nhiều bạn trẻ biết khá nhiều về marketing nhưng đôi khi lại nghiêng về một trục nào đó, một trục là thế mạnh của mình, ví dụ như digital, quảng cáo. truyền thông… Còn với riêng tôi và Học viện Thương hiệu Plato nói chung (Học viện đào tạo về Thương hiệu và Marketing mà tôi tham gia đồng sáng lập), chúng tôi mong muốn chia sẻ cho các bạn cách suy nghĩ, tư duy và nguyên lý xây dựng một kế hoạch Marketing hoàn chỉnh. Chúng tôi chia sẻ các case thực tế, cập nhật cùng nhau thảo luận từng module và cùng nhau áp dụng những gì vừa biết vào đề tài cuối khoá. Một kế hoạch Marketing hiệu quả trước hết là một kế hoạch marketing đúng chuẩn, sau đó tùy theo công lực và tinh hoa mà từng cá nhân sẽ khiến kế hoạch của mình thêm phần hấp dẫn và lôi cuốn.
* Ông có chia sẻ về Học viện Thương hiệu Plato. Được biết, Học viện Thương hiệu Plato tuy mới được thành lập đầu năm 2016 nhưng đã trở thành một địa chỉ uy tín hàng đầu đào tạo về thương hiệu và marketing. Và ông cũng chính là người đồng sáng lập Học viện cùng với ông Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch Học viện. Vậy cơ duyên nào khiến ông đến với Plato?
Là một người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, Marketing là một trong những lĩnh vực mà tôi rất đam mê. Cách đây khoảng 1 năm, tôi nhận lời làm diễn giả cho case PhinDeli trong chương trình “Vietnam Brand Matters” và anh Nguyễn Đức Sơn chính là một thành viên trong Ban tổ chức. 1 tháng sau chương trình ấy, tôi nhận được cuộc gọi từ anh Sơn, chia sẻ về việc thành lập 1 Học viện chia sẻ các vấn đề về Marketing và Thương hiệu, và thế là tôi nhận lời.
Tôi và anh Đức Sơn chọn tên Plato với khát vọng muốn xây dựng một Học Viện kiểu mẫu theo đuổi đến tận cùng các giá trị về sự uyên bác của trí thức, chính trực về hành vi và truyền cảm hứng trong mối tương tác với các học viên. Đối với chúng tôi mục tiêu chia sẻ và đóng góp cho cộng đồng cao hơn mục tiêu kinh doanh tại Plato. Hiện tại Plato đang có 3 chương trình học chính: Khóa Sustainable Branding (Xây dựng Thương hiệu chuẩn quốc tế), khóa Actionable Marketing (Marketing thực hành), khóa Copywriting (Chuyên sâu về kỹ năng viết).