Scandal sẽ khiến Volkswagen phải hy sinh sản phẩm mang tính biểu tượng của mình?

0
617

Đối mặt với chi phí lên tới hàng tỷ euro để giải quyết vụ bê bối gian lận lượng khí thải, Volkswagen AG (VW) có thể sẽ phải cân nhắc việc tái cơ cấu lại đế chế 12 dòng sản phẩm chiến lược – các thương hiệu mang tính biểu tượng của hãng được xây dựng trong hai thập kỷ qua từ xe hơi giá rẻ, xe máy phân khối lớn đến dòng xe tải nặng.

Trong quá khứ, VW hoàn toàn có thể đủ khả năng để chống đỡ những khó khăn về mặt tài chính, đặc biệt đến từ Seat của Tây Ban Nha, siêu xe Bugatti và dòng xe tải nặng MAN – những dòng sản phẩm tồn tại với mục đích quảng bá giá trị thương hiệu chứ không phải doanh số, nhờ các khoản lợi nhuận khổng lồ từ Porsche và Audi.

Tuy nhiên, giờ đây số tiền này cần phải được sử dụng cho mục đích quan trọng và cấp thiết hơn, đó là bù đắp các chi phí liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng.

“VW sở hữu một số thương hiệu được phân loại vào mục “có thì tốt, không thì cũng chả sao”, theo Stefan Bratzel, giám đốc trung tâm nghiên cứu về ô tô tại Đại học Khoa học ứng dụng Bergisch Gladbach, Đức. Ông cũng chính là người đã ước tính số tiền mà VW phải bỏ ra để trả giá cho vụ bê bối lên tới 30 tỷ euro (tương đương 34 tỷ USD). Bratzel khẳng định: “Bugatti, Lamborghini và cả Ducati nữa, chúng có thể hào nhoáng và khiến người khác khao khát, nhưng hoàn toàn không thể là quân bài giúp công ty kiếm được tiền.”

Giám đốc điều hành mới của Volkswagen, ông Matthias Mueller cho biết, bởi lẽ hiện giờ VW không cần một cuộc cách mạng, nên ông quyết định sẽ trì hoãn hoặc hủy bỏ một số dự án không cần thiết để cắt giảm chi phí nhằm bù đắp cho những thiệt hại từ vụ scandal khí thải động cơ diesel.

Tuần trước, hãng xe này đã công bố việc thu hồi 8,5 triệu xe sử dụng động cơ diesel ở châu Âu. Ông Mueller tuyên bố hậu quả của vụ bê bối này sẽ tốn kém con số 6,5 tỷ euro mà hãng đã chuẩn bị. Trong khi đó, phát ngôn viên của VW từ chối bình luận về vấn đề tái cấu trúc của thương hiệu ô tô đến từ Đức.

Bugatti đang trở thành “người thừa”?

Thương hiệu Ducati gia nhập VW vào năm 2012 với chi phí 860 triệu euro, với mục đích củng cố dòng thương hiệu siêu sang trọng bao gồm xe thể thao Lamborghini cũng từ Italia, hay các mẫu cao cấp khác như Bentley và Bugatti của Anh.

Chỉ tính riêng doanh số bán hàng ở Trung Quốc, trong nửa đầu năm nay lợi nhuận của Bentley đã giảm 43% xuống còn 54 triệu euro. Mặc dù VW không báo cáo số liệu tài chính cụ thể cho Lamborghini hay Bugatti, thì ai cũng có thể đoán được rằng những con số đó sẽ chẳng hề khả quan chút nào.

Đặc biệt là Bugatti, dòng sản phẩm này thậm chí chưa bao giờ kiếm được lợi nhuận kể từ khi được VW mua lại từ thương hiệu của Pháp vào năm 1998.

“Bugatti là một trong những thứ thừa thãi nhất đang tồn tại ở tập đoàn Volkswagen,” Frank Schwope, một nhà phân tích tại NordLB nhận định: “Dòng sản phẩm này chẳng qua chỉ để gia tăng tính nghệ thuật và xa xỉ trong hình ảnh của Volkswagen. Tuy nhiên, chúng chỉ có hiệu quả khi hãng xe đang trên đỉnh cao, còn với những thời điểm khó khăn như hiện nay, mọi con mắt sẽ chỉ tập trung vào việc VW định làm gì với Bugatti.”

Có hiệu quả khi hãng xe đang trên đỉnh cao, nhưng thời điểm khó khăn như hiện nay, mọi con mắt sẽ chỉ tập trung vào việc VW định làm gì với Bugatti.

Ngoài ra, VW cũng nên cân nhắc kỹ càng hơn về dòng xe tải nặng của mình. Sau khi mua lại Scania của Thụy Điển và MAN của Đức, hãng này vẫn chưa đạt được thành công nào đáng kể nhằm bù đắp số tiền bỏ ra cho hai thương vụ này. Dưới trướng VW, MAN hiện đang phải vật lộn với lợi nhuận giảm 17% xuống còn 185 triệu euro trong nửa đầu năm nay.

“Seat” sẽ bị giám sát chặt chẽ

Trong số hàng loạt các thương hiệu trên thị trường của hãng, Seat đang phải chịu kiểm sát chặt chẽ hơn bất cứ mãu nào khác. Thương hiệu từ Tây Ban Nha đã không công bố lợi nhuận hàng năm kể từ năm 2007, và có một danh mục sản phẩm phục vụ phân khúc cấp thấp của thị trường hiện đang bị chồng chéo với Skoda – thương hiệu đã đạt được lợi nhuận 522 triệu euro trong nửa đầu năm nay.

Hiện tại Seat đang có kế hoạch cho ra đời một mẫu xe SUV nhỏ gọn, sản xuất tại một nhà máy Skoda tại Cộng hòa Séc, nơi có thể hỗ trợ cho mọi sự đổi mới. Đây được coi là một chiến lược chủ chốt và được kỳ vọng rất lớn của Seat.

Phe đối lập gay gắt

Bất cứ lời đề nghị nào về việc bỏ rơi thương hiệu Seat đều gặp phải sự phản đối gay gắt từ các nhà lãnh đạo công đoàn – những người nắm giữ một nửa số ghế trong ban giám sát của VW, trừ khi hãng hứa hẹn sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho những người lao động. Thương hiệu Seat đang xây dựng một mô hình tương tự như Audi ở Tây Ban Nha và sẽ phải sử dụng các nhà máy sản xuất tại đây để phục vụ cho kế hoạch này.

“Hiện vẫn còn rất nhiều sự lo lắng và không chắc chắn, kéo theo đó là sự hỗn loạn,” Rafa Guerrero, người đại diện cho công nhân của Seat tại Tây Ban Nha cho biết. “Các vị lãnh đạo cần phải đưa ra được những lời giải thích thỏa đáng cho những gì đã xảy ra, và họ đang giải quyết chúng như thế nào.”

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here