Ngân hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh với Uber, Apple

0
714

Báo điện tử Vnexpress mở shop online bán Iphone, chuỗi Thế Giới Di Động đầu tư bán rau, thịt và hàng tiêu dùng, hãng taxi Mai Linh xin đầu tư 10.000 xe điện thay xe chạy xăng… là những ví dụ rõ nét về hành trình thay đổi để phát triển của doanh nghiệp Việt. Và sẽ đến lúc các ngân hàng cũng phải cạnh tranh với Uber hay Apple.

Tại Hội thảo “Thay đổi để phát triển” vừa qua, ông Trần Nhật Minh – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VIB cho rằng ngày nay sự cạnh tranh không chỉ đến từ các đối thủ trong cùng ngành mà ngày càng có nhiều công ty đang tận dụng công nghệ Internet of Things (IoT) và siêu liên kết của người dùng thông qua e-mail, mạng xã hội, apps chat… để kinh doanh dịch vụ thanh toán trực tuyến.

“Apple đang tiến vào lĩnh vực thanh toán với Apple Pay và Alibaba đã mở Mybank với dịch vụ như ngân hàng điện tử. Ngay cả Uber cũng có thể chia sẻ thị phần với ngân hàng vì trong tương lai khách hàng có thể trả tiền bằng tài khoản Uber mà không thông qua ngân hàng, với các tài xế muốn trở thành thành viên Uber nhưng không đủ tiền, hãng này cũng có giải pháp là cho vay mua xe… và các Fintech startup thì mọc lên như nấm”, ông Minh nhận định và khuyến nghị để thích ứng với sự cạnh tranh này các ngân hàng cần phải thay đổi từ mô hình cung cấp dịch vụ sang đáp ứng nhu cầu của người dùng mọi lúc mọi nơi.

Thay đổi là nhu cầu bắt buộc của doanh nghiệp nhằm thích nghi với tiến bộ công nghệ, thói quen người tiêu dùng, cùng với những biến đổi xã hội và việc hội nhập quốc tế sâu rộng theo như các chia sẻ của bà Nguyễn Hương Quỳnh – Tổng Giám Đốc Nielsen Việt Nam tại hội thảo. Bằng chứng là theo khảo sát của Nielsen về các vấn đề mà lãnh đạo doanh nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam quan tâm nhất trong 5 năm tới thì có 78% người dự đoán rằng đến năm 2020, các hình thức kinh doanh sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ so với hiện tại.

Tuy nhiên chỉ có 48% lãnh đạo doanh nghiệp sẵn sàng đối mặt với thay đổi; 43% tự tin để nói rằng họ có sẵn hệ thống và quy trình để phát hiện ra những chỉ số thay đổi từ sớm; và 59% nhận thức được rằng sẽ là (rất) khó khăn để có thể điều hướng tổ chức của họ phát triển trong vòng 5 năm tới.

Trong đó có 16% quan tâm đến những thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng, 15% quan tâm thay đổi chính trị và pháp luật, 15% chú trọng quy định về thuế, 9% quan tâm đến phát triển kinh tế và 8% quan tâm đến đối thủ cạnh tranh.

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, thói quen tiêu dùng của người Việt đang thay đổi rất nhanh do sự tác động của smartphone và mạng xã hội. Hiện có 9 trong 10 người Việt (91%) sở hữu điện thoại thông minh như là thiết bị cá nhân của họ, người Việt trung bình sử dụng 24,7 giờ để truy cập trực tuyến hằng tuần. Ngay cả ở nông thôn, tác động của công nghệ cũng khiến người tiêu dùng đòi hỏi những sản phẩm và dịch vụ tương đương như khu vực thành thị.

Điều này cũng được các doanh nhân nhận ra khi có 50% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng tin rằng thương mại điện tử sẽ đóng góp 30% hoặc có thể còn cao hơn nữa vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp họ trong 5 năm tới và hơn 32% nghĩ rằng thương mại điện tử sẽ mang lại cho họ 20% trong tổng số doanh thu trong hoạt động kinh doanh của họ trong 5 năm tới.

“Thương mại điện tử không chỉ còn là mảnh đất mua bán các sản phẩm liên quan đến du lịch, sách và âm nhạc nữa. Tại Hàn Quốc, thương mại điện tử ngày nay là kênh bán lẻ lớn nhất và tại Indonesia, doanh số bán lẻ trực tuyến đạt mức tăng trưởng 50% qua từng năm. Mặc dù vẫn có thể nói là sự phát triển của thương mại điện tử vẫn còn đang ở trong giai đoạn trứng nước ở khu vực Đông Nam Á, nhưng có một điều chắc chắn là nó sẽ phát triển theo cấp số nhân và sẽ thay đổi thị trường bán lẻ và người tiêu dùng như chúng ta đang thấy”, bà Hương Quỳnh nhận định.

Ông Trần Thanh Sang – CEO hãng sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu thế giới USG Boral tại Việt Nam cho rằng doanh nghiệp cần thay đổi không chỉ để phát triển mà còn để tồn tại.

Đây là trường hợp của công ty ông khi sáp nhập bộ phận thạch cao của Boral (Úc) với mảng kinh doanh công nghệ tấm trần trang trí, tấm xi măng, bột xử lý hoàn thiện… của USG (Mỹ). Sự thay đổi này nhằm tận dụng thế mạnh của 2 công ty để khai thác tiềm năng của thị trường Việt Nam và trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ mạnh từ Thái Lan, Đức như SCG, Knauf.

“Boral và USG trước khi sáp nhập là 2 công ty có hệ thống quản trị, văn hóa khác nhau và hoạt động theo luật lệ của 2 nước. Để tiến trình thay đổi này thành công thì vấn đề quan trọng nhất không phải là tiền hay công nghệ mà chính là nhân sự.

Ban đầu nhiều nhân viên của chúng tôi không đồng nhất với việc sáp nhập vì họ cho rằng chất lượng sản phẩm của công ty là hàng đầu thế giới, vấn đề là ở người tiêu dùng chứ họ không làm sai. Giải pháp của chúng tôi là để cho khách hàng nói chuyện với nhân viên để họ hiểu rõ sản phẩm đang có ưu khuyết điểm gì”, ông Trần Thanh Sang cho biết.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here