“Nét như Sony” giờ đã thành… “Nát như Sony”?

0
710

Không chỉ Sony, nhiều hãng TV Nhật Bản “một thời vang bóng” như Sanyo, Panasonic… đã chỉ còn là câu chuyện của quá khứ, nhường đường lại cho những cái tên đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

TV Nhật Bản chỉ còn là “một thời vang bóng”

Ngày xưa, khi nhắc đến những chiếc TV, nhà nhà đều nhớ những câu slogan như “Nét như Sony” hay “Đẹp như Panasonic”… điều đó đủ để thấy những chiếc TV mang thương hiệu Nhật từng làm chúng ta say mê thế nào. Nếu sinh ra vào thập niên 80, nhớ lại ngày bé, nhà nào sở hữu một chiếc TV Toshiba cỡ lớn của Nhật là cả một sự tự hào. Thế nhưng, tất cả đã là chuyện của quá khứ. Có quá nhiều lý do để hào quang của các hãng TV Nhật ngày nào vỡ vụn như bong bóng xà phòng.

Do áp lực của cuộc chiến giá cả, tháng 2/2015, Panasonic tuyên bố rút khỏi thị trường TV quốc tế. Những sản phẩm giá rẻ hơn của hãng này với thương hiệu Sanyo, vốn được bán tràn lan ở các siêu thị từ Việt Nam đến Walmart của Mỹ, cũng đã chỉ còn là thứ mà người Nhật “tự sản tự tiêu”. Toshiba cũng ngừng sản xuất và bán TV tại Bắc Mỹ từ tháng 3/2015 vì một lý do tương tự: Không thể cạnh tranh về giá cả cũng như thông số với các đối thủ khác. Ngược lại, tập đoàn Sony lại lựa chọn tách mảng sản xuất TV ra thành một công ty con hoạt động độc lập.

Theo ông Peter Richardson, Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint: “Lý do các công ty Nhật Bản có ngày nay chính là do chiến lược. Các thương hiệu Nhật như Sony và Panasonic luôn chú trọng vào chất lượng, nhưng thực sự họ không có khả năng đem lại sự khác biệt đến thị trường. Ngoài ra, cơ cấu kinh doanh tốn kém và phức tạp khiến các hãng điện tử Nhật Bản khó thu về lợi nhuận đáng kể”.

“10 năm vẫn chạy tốt”?

Không chỉ có vậy, do không theo kịp sự thay đổi về quan niệm tiêu dùng của khách hàng mà các hãng điện tử Nhật Bản đã hụt hơi trong cuộc cạnh tranh với Hàn Quốc và Trung Quốc. Các hãng điện tử Nhật Bản, trong đó có Sony, tin tưởng rằng cứ “nồi đồng cối đá”, “10 năm vẫn chạy tốt” là khách hàng sẽ chấp nhận bỏ mức giá thật cao để mua sản phẩm của họ. Đúng là chất lượng cao và bền là một yếu tố thu hút khách hàng, nhưng đứng giữa thị trường bạt ngàn sản phẩm, những mẫu quảng cáo phủ kín truyền thông đánh đúng tâm lý tiêu dùng “rẻ hơn, đẹp hơn, công nghệ cao hơn” thì người tiêu dùng làm sao có thể trung thành với TV Nhật? Ai cũng muốn sản phẩm của mình “10 năm vẫn chạy tốt” nhưng công nghệ thay đổi chóng mặt từng ngày, 10 năm nữa chiếc TV bạn đang dùng trong nhà làm sao sở hữu công nghệ tiến tiến đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng phức tạp? Vậy nên có chạy tốt 10 năm cũng để làm gì!

Có còn là “Nét như TV Nhật”

Sony được cho là đã thực hiện các cuộc nghiên cứu nội bộ về tỷ lệ lỗi trên các sản phẩm của họ và phát hiện ra rằng sản phẩm của Sony có độ bền lâu hơn nhiều so với đối thủ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, sự thật là để giảm chi phí, các công ty Nhật Bản trong đó có Sony đã sản xuất sản phẩm ở nước ngoài, như ở Thái Lan hay Trung Quốc. Đó là lý do tại sao sản phẩm của họ không còn mác “Made in Japan” nữa.

Cách đây 2 năm, nếu muốn tìm một chiếc Ti vi Nhật Bản được sản xuất hoàn toàn tại Nhật, có thể chỉ còn những model Kageyama của Sharp. Nói về giá, chúng đắt hơn một chút, nhưng chúng hoàn toàn là hàng “Made in Japan”. Thậm chí Panasonic cũng có nhà máy ở nước ngoài. Nếu các linh kiện được sản xuất ở nước ngoài, nhưng sản phẩm cuối cùng lắp ráp tại Nhật, bạn có thể nói chúng là hàng “Made in Japan”? Chi phí đắt đỏ, nên các công ty thường sản xuất ở nước ngoài và lại nhập về Nhật Bản. Vẫn có một số lượng người dùng ít ỏi, khó tính chuộng hàng “Nhật xịn”, sẵn sàng trả giá cao hơn để sở hữu sản phẩm, nhưng Sony có vẻ đã mất đi những khán giả này.

Nếu bạn vào trang web Consumeraffairs bạn sẽ thấy nhiều người tiêu dùng đã chấm điểm và bình chọn cho các sản phẩm TV mình đang dùng. Theo đó, các tên tuổi Nhật Bản như Sanyo hay Toshiba đều chỉ được chấm 3/5 sao. Sony được 3,6/5 sao. Chỉ riêng Panasonic là còn giữ được cho mình 4/5sao. Nhìn những con số này, chúng ta thấy rằng TV Nhật vẫn giữ được một vị trí nào đó trong lòng người dùng tuy nhiên điểm số đã không còn ở mức “rất hài lòng” như trước mà chỉ còn là “khá hài lòng” thôi.

Hàn Quốc và Trung Quốc lấp chỗ trống của Nhật Bản trên thị trường TV

Trước sự yếu thế từ Nhật, các hãng sản xuất Hàn Quốc và Trung Quốc vươn mình trỗi dậy, giành được thị phần lớn hơn nhờ tập trung vào các sản phẩm giá rẻ và chấp nhận mức lợi nhuận thấp.

Với mức giá cạnh tranh hơn cũng như các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, doanh số của LG trên toàn cầu trong năm 2014 đã tăng từ 800 triệu lên 174 tỷ won. Ông Richardson cho biết thêm: “Các thương hiệu Hàn Quốc, Samsung và LG đi tiên phong trong chất lượng cũng như công nghệ tân tiến nhờ năng lực tự phát triển sản phẩm của mình. Điều này có nghĩa là họ có khả năng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với mức giá bán hợp lý so với các khoản đầu tư của mình”.

Rất nhiều thương hiệu Trung Quốc cũng giành thêm được thị phần nhờ giá rẻ và chấp nhận lợi nhuận thấp. “Có rất nhiều thương hiệu trong nước Trung Quốc đã tung ra các sản phẩm TV thông minh giá rẻ, độ phân giải cao, chất lượng tốt như Xiaomi TV và Leshi TV. Họ có năng lực cạnh tranh rất tốt so với những đối thủ khác trên thế giới, đặc biệt là với những thương hiệu TV đắt tiền”, ông Ivy Jiang, nhà nghiên cứu phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Mintel, Trung Quốc cho biết.

Sự đổi mới của công nghệ và nhu cầu giải trí tại nhà cũng đóng góp vào sự thay đổi trên thị trường toàn cầu. Nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi và họ nhanh chóng tiếp nhận những hệ thống mới với mức giá rẻ chưa từng thấy mà các hãng đưa ra.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here