Đã tới lúc ngành du lịch Việt Nam phải hòa mình vào xu hướng chuyển dịch sang số hóa nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh.
Tại buổi nói chuyện về đề tài đổi mới sáng tạo cho ngành du lịch Việt Nam mới đây tại TP.HCM, ông Jeff Hoffman, đồng sáng lập Công ty Priceline.com, cho rằng, việc ứng dụng công nghệ là công cụ để các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực du lịch tăng trưởng nhanh nhất. “Công nghệ có thể làm thay đổi thói quen, suy nghĩ của nhiều người về du lịch, mang lại sức tăng trưởng lớn cho doanh nghiệp”, ông Hoffman nhận định. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, chia sẻ, cần phải xem công nghệ như là công cụ để quảng bá ngành du lịch Việt Nam đến bạn bè thế giới. Cần có nhiều hơn các thông tin về du lịch trên mạng xã hội và doanh nghiệp nên tạo ra các phần mềm quản lý để hoạt động công ty trở nên trôi chảy hơn…
Cả hai quan điểm này đều cho thấy ứng dụng công nghệ đang trở nên quan trọng đối với ngành du lịch tại Việt Nam. Chẳng hạn, nếu sử dụng dịch vụ tại khách sạn 5 sao Caravelle, khách có thể nhận nhiều bất ngờ thú vị từ ứng dụng công nghệ. Khách có thể đăng ký nhận phòng tại bất cứ nơi nào trong khách sạn mà không phải đến quầy lễ tân.
Nhiều khách sạn tại TP.HCM đã có hệ thống check-in trên di động để nhân viên lễ tân gặp và chào khách ở bất cứ địa điểm nào. Điều này giúp cải thiện quy trình check-in và chi phí hoạt động quầy lễ tân. Hay ứng dụng đám mây (cloud) tích hợp các bộ phận trong khách sạn như nhà hàng, đặt phòng, spa… giúp người quản lý đánh giá tổng quát toàn bộ hoạt động của khách sạn một cách nhanh chóng theo thời gian thực.
Google cũng có những khảo sát cụ thể đối với thị trường du lịch Việt Nam với những con số liên quan tới ứng dụng công nghệ. Báo cáo năm 2016 của Google cho biết 72% dân số Việt Nam sử dụng smartphone. Trung bình, mỗi người sẽ dành 2 giờ mỗi ngày để sử dụng internet qua di động. Ba nhóm ứng dụng hàng đầu khi du lịch, người Việt Nam dùng các ứng dụng tìm chỗ ở là phổ biến nhất với 53%, theo sau là tìm hướng dẫn du lịch 44%. Với số lượng người dùng di động lớn, đây là cơ hội để duy trì và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các công ty ngành du lịch.
Để tiếp cận khách hàng tiềm năng ngay ở bước tìm kiếm, lựa chọn chỗ ở trước chuyến đi, đầu tư vào ứng dụng sẽ là một lợi thế rất lớn của doanh nghiệp. Xu hướng này là cơ hội cho sự xuất hiện và phát triển của các doanh nghiệp như Vivu, Chudu24, MyTour, Vntrip… tìm động lực tăng trưởng trong hoạt động đặt phòng, đặt tour trực tuyến.
Với sự dịch chuyển thói quen của người sử dụng sang di động và mức độ cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành du lịch, doanh nghiệp nào nắm bắt cơ hội để cung cấp giá trị và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng thông qua số hóa sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, ứng dụng công nghệ marketing online, không cần kết hợp với nhiều kênh bán phòng (OTA) để tìm kiếm khách hàng, chủ khách sạn chỉ cần làm tốt các khâu marketing online như chào mời, giới thiệu, chia sẻ hình ảnh trên mạng xã hội Facebook, các diễn đàn…
Một giải pháp quản lý đặt phòng trên các kênh OTA đồng bộ với phần mềm quản lý khách sạn được các nhà công nghệ đưa ra giúp công việc đẩy bán phòng trống tự động và thông minh hơn. Ở Việt Nam công nghệ này mới chỉ có ở phần mềm ezCloudhotel và sản phẩm là quản lý kênh phân phối phòng ezCms. Ngoài ra, có một số phần mềm nước ngoài có tính năng trên như Cloudbed, eZee Absolute.
Lượng khách trong năm qua đạt hơn 72 triệu lượt khách bao gồm nội địa và quốc tế. Số lượng khách tăng mạnh đã trở thành động lực cho nhiều dự án kinh doanh khách sạn liên tục mọc lên. Theo đó, với 41 khách sạn mới phân khúc từ 3-5 sao đã có 8.100 phòng được đưa vào hoạt động trong năm 2016. Cùng với đó là cuộc đua đầu tư công nghệ của các khách sạn cũ và mới.
Theo một công bố mới đây của Grant Thornton Việt Nam, tỉ lệ ứng dụng công nghệ số giữa các khách sạn có sự thay đổi không nhỏ. Cụ thể, nếu như trong năm 2015, số lượng khách sạn áp dụng công nghệ số vào kinh doanh chiếm 49,3%, thì năm 2016 giá trị này đã đạt 67,3% và số lượng khách sạn cao cấp 4, 5 sao sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2017 là 12,8%. Hãy hình dung khách hàng sử dụng smartphone để mở khóa phòng, điều khiển tivi và các thiết bị điện tử trong phòng, máy tính bảng trở thành thực đơn sống động và khách hàng có thể đặt món ăn trực tuyến… Nhờ vậy, khách hàng sẽ hài lòng khi được sử dụng tiện nghi và tận hưởng những dịch vụ của khách sạn như đang ở nhà.
The nhận định của Jones Lang LaSalle, Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách du lịch nước ngoài và đã vượt quá mục tiêu 10 triệu khách quốc tế đến năm 2020 do Tổng cục Du lịch đề ra. Do đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ tiếp đón được 20 triệu du khách quốc tế tạo ra tổng doanh thu 35 tỉ USD sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên, muốn đẩy nhanh thực hiện mục tiêu này, ngành du lịch Việt Nam phải hòa mình vào xu hướng chuyển dịch sang số hóa nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh.