Mạng xã hội trước áp lực phải thay đổi

0
762

Truyền thông xã hội mà điển hình là các mạng xã hội như Facebook hay Twitter được sinh ra với mục tiêu kết nối cộng đồng. Nhưng phía sau những tiện ích cho cộng đồng là những quyền lực ẩn danh.

Trong làn sóng những lời phản hồi cùng phê phán tác động tiêu cực của truyền thông xã hội gần đây, một số mạng xã hội đang thay đổi tôn chỉ và mục tiêu của mình.

Người sử dụng vào mạng xã hội để tạo nhóm bạn bè, xem tin tức, giải trí hay để quảng cáo rao bán hàng hóa cùng dịch vụ, và gần đây người ta còn dùng nó làm nơi giao dịch tài chính. Trước những sự thay đổi đang diễn ra nơi các mạng xã hội lớn, người sử dụng có quyền kỳ vọng rằng sự chuyển động này sẽ mang lại hiệu ứng tích cực, và giảm bớt tính “độc hại” của xã hội ảo này. Với hơn 2 tỉ người sử dụng Facebook và hơn 1 tỉ người dùng YouTube, Instagram, WhatsApp, hơn một năm nay chủ sở hữu các mạng xã hội này – tập đoàn Facebook – đã nhận thấy sự khủng hoảng ngay trên nền tảng nội dung số của chính mình. Đáng kể nhất là vấn nạn tin tức giả, tin xấu, tin kích động, và tệ hơn bao gồm cả những nội dung do con người tạo ra nằm lẫn lộn với những nội dung do các người máy mạng thường được gọi là “bot” tạo ra, rồi cũng chính hệ thống đó khuếch đại để tạo nên sự lan truyền không kềm chế nổi. Cuối cùng, vị tỉ phú trẻ tuổi kiêm Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã phải công bố tuyển dụng thêm nhân sự cho việc lập phòng tuyến mới chống lại nạn “ô nhiễm” trong môi trường mạng.

Khi sự giả dối xâm lấn xã hội ảo

Trang Mashable.com cho biết album mới nhất mang tên “Witness” của Katy Perry đã đạt mốc 100 triệu người theo dõi (follower) từ hashtag #LoveKaty chỉ trong vòng chưa đến một tuần lễ kể từ ngày phát hành. Việc đạt những mốc theo dõi cao rất có ý nghĩa, nhất là đối với những chính trị gia hay người nổi tiếng, mặt khác nó còn mang giá trị quảng cáo mạnh hơn cả những nội dung quảng cáo đăng trên các trang mạng hay tạp chí. Nhưng rồi câu chuyện 100 triệu người theo dõi của Katy Perry bị nghi ngờ khi trang Digitalspy.com công bố kết quả theo dõi của TwitterAudit cho biết vào thời điểm #LoveKaty có 99,3 triệu lượt người theo dõi thì chỉ có 32% trong số này là từ những con người thật, 67 triệu lượt còn lại là những người ảo mà ngày nay người ta thường biết đến dưới cái tên chung là “bot”. Như vậy, với hơn 99 triệu người theo dõi, ca sĩ mang danh “Swish Swish” đã qua mặt cả Justin Bieber (95,7 triệu), Tổng thống Barack Obama (89,2 triệu) và hơn hẳn đối thủ của mình là Taylor Swift (84,3 triệu). Những con số trên TwitterAudit đã cho thấy trong khi Taylor Swift có đến 74,2 triệu lượt người thật theo dõi thì con số này ở Katy Perry chỉ là 31,7 triệu người.

Năm 2016, người ta nói nhiều đến tin tức giả, và mạng xã hội lớn nhất hành tinh là Facebook đã phải chịu những cơn bão giận dữ từ công chúng cũng như từ nhiều tổ chức và chính phủ vì làm sai lạc nghiêm trọng các sự việc, kết quả thực tế. Những phần mềm đã được tung ra để kềm chế đại dịch tin giả này mà chủ yếu được lan tuyền bởi những đội ngũ bot, nhưng xem ra giải pháp vẫn chưa triệt để, thậm chí không hữu hiệu vì các dòng bot mới thông minh hơn sẽ lọt qua được các hệ thống công nghệ kiểm tra. Điều khá khôi hài là cuối cùng Facebook lại trở thành nạn nhân của tin tức giả với việc ngày 26-12-2016 trang mạng này đã tự động kích hoạt phần mềm cứu hộ khẩn cấp Safety Check vì cho rằng đang có một vụ đánh bom chết người tại tòa nhà chính phủ ở Bangkok (Thái Lan). Nhưng trong thực tế chẳng có vụ đánh bom nào cả. Một ai đó đã đưa ra bản tin giả, rồi đội ngũ bot lặp lại, những cư dân trong vùng cũng hoảng hốt chia sẻ làm cho mật độ thông tin về cuộc đánh bom tại đó dày đặc, và mạng Facebook kích hoạt phần mềm cứu hộ Safety Check.

Thông qua sự phát triển của các thế hệ bot mỗi lúc một thông minh, các quyền lực ẩn danh nay hoạt động rất mạnh trên các trang mạng, đặc biệt tập trung vào các mạng xã hội và các hạ tầng truyền thông xã hội, bất chấp các chủ trang fanpage hay hashtag có biết hay thậm chí có đồng ý hay không bởi một khi bot đã xâm nhập thì chính họ cũng không kiểm soát được. Người ta rất khó biết về ý định của những quyền lực ẩn danh, có khi đó chỉ là những trò chơi mà người ta nghĩ rằng vô hại, nhưng có khi đó cũng là mưu đồ chiến lược nhằm nâng cao hoặc hạ thấp một mục tiêu. Việc thay đổi thước đo trên mạng xã hội không chỉ làm xáo trộn phương tiện truyền thông vốn rất có uy tín và có khả năng lây lan rất nhanh này mà còn tạo nên những sự bất bình đẳng trong việc tranh chấp quảng cáo, và cả những thứ lừa đảo lớn nhỏ như thổi phồng hiệu quả của một loại thuốc. Trong chính trị, người ta gọi đội ngũ bot này là những “âm binh”, và nhiều chính trị gia đã dùng chúng để làm cho nhiều người lầm tưởng rằng chính sách của một chính phủ được rất nhiều người tán thưởng, hay ngược lại chủ trương của đối thủ đã có thể lỗi thời.

Hình thành trào lưu ‘anti-Facebook’

Việc đô thị hóa làm cho những con người vốn ở gần nhau trở thành xa cách, và sự công nghệ hóa làm cho người ta vươn ra tầm xa đến những chân trời mới mà quên đi những người hàng xóm. Nhưng nay một loại hình mạng xã hội mới đã xuất hiện, với mục tiêu kết nối những người trong cùng một cộng đồng hoặc trong một phạm vi nhỏ hẹp. Ví dụ như Nextdoor kết nối cư dân trong cùng khu phố hay thôn xóm thành một khối đoàn kết cùng quan tâm đến nhau và cùng chăm lo an sinh, và tạo mối liên kết bền vững giữa cơ quan công quyền và các tổ chức dịch vụ cùng những doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Nextdoor đã phát triển nhanh đến 75% cộng đồng ở Mỹ, ở đây gọi là những trang Neighborhood, nhanh chóng lan ra các nước khác, thâm nhập vào khoảng 50% cộng đồng ở Hà Lan, 40% ở Anh và xâm nhập vào xã hội Đức, nơi Internet đang trở thành công cụ triển khai cuộc cách mạng kỹ nghệ 4.0. Trang tin công nghệ Techcrunch.com cho biết Nextdoor cho đến nay đã có 160.000 trang cộng đồng, và Giám đốc điều hành Nirav Tolia cho biết công ty dự tính sử dụng những khoản tiền đầu tư để phát triển mạng xã hội cho người hàng xóm này đến những nơi xa xôi ở châu Á và châu Phi.

Với yêu cầu đặt ra là người sử dụng phải đăng ký với tên thật và địa chỉ thật, các trang cộng đồng Nextdoor đang xóa đi cái tâm lý “gần nhà nhưng xa ngõ” vốn đang chi phối các cộng đồng khu phố và cả những thôn xóm hiện nay. Người ta trao đổi với nhau trên mạng về mọi thứ cần thiết, có thể là những cuộc trò chuyện thăm hỏi đến việc tìm gấp một người giữ trẻ, thông báo cho nhau biết việc cần mua một món hàng hay muốn chia sẻ một món đồ ít khi sử dụng. Ngoài ra, mọi người thường xuyên lưu ý với nhau về tình trạng vệ sinh hay an ninh – trật tự, thông báo cho nhau về một vụ trộm diễn ra trong khu phố hoặc nhắc nhở nhau những quy định chung nơi địa phương mình sinh sống. Và cuối cùng, những người trên mạng cũng là những người chào hỏi nhau trên đường phố, vì họ đã quen biết nhau trên mạng cộng đồng dành cho những người láng giềng cùng xóm.

Phóng viên Alissa Walker trên trang Gizmodo.com đã kể chuyện về việc thành lập một trang láng giềng trên Nextdoor. Người chủ trang cho biết sau khi nơi ông cư ngụ trải qua các vụ tấn công tội phạm thì ông quyết định đăng ký một trang cộng đồng cho bốn khu phố. Ban đầu chỉ có 72 gia đình, chiếm khoảng 7% trên tổng số những hộ gia đình tại khu vực này, tham gia. Nhưng rồi những hiệu ứng tích cực, trước hết là về an ninh, đã làm cho nhiều người biết đến và cùng gia nhập vào trang Nextdoor.

Người ta cho rằng mạng xã hội dành cho người láng giềng như Nextdoor dễ bị đè bẹp bởi những mạng khổng lồ như Facebook hay Craigslist. Người ta cũng cho rằng với tiềm năng công nghệ của những “cánh tay” hiện hữu gồm Messenger, Instagram và WhatsApp và có số người sử dụng cùng khách kinh doanh lên đến hàng tỉ thì Facebook có thể tạo nên một thứ công nghệ mạng láng giềng tương tự để bóp chết Nextdoor. Nhưng Nextdoor vẫn phát triển ổn định, và CEO Tolia cho rằng nếu Facebook là một chú gấu khổng lồ nặng 800 cân Anh thì Nextdoor lại là một chú sóc tí hon. Cả hai đều có những sự khác biệt, khi mà Facebook nhắm đến những người vốn là bạn bè của nhau còn Nextdoor nhắm đến những người là láng giềng của nhau. Và cả hai tiếp tục dựa vào sự khác biệt này để phát triển.

Nextdoor cho biết, sự khác biệt quan trọng của họ với Facebook là “ngay từ đầu tính riêng tư và bảo mật tuyệt đối đã được đưa lên hàng đầu với giải pháp hàng rào địa lý, bản thân những người muốn tham gia đều phải khai tên thật và xác định địa chỉ thực sự nằm trong một Neighborhood”. Đây là một thứ ‘anti-Facebook’ khi mạng xã hội lớn nhất hành tinh này có khuynh hướng bung ra cho mọi người, với bất kỳ ai.

Những nỗ lực cứu vãn tình hình

Chỉ một tuần sau khi những đoạn video khuyến khích tự tử xuất hiện và lan rất nhanh trên mạng, tháng 5 vừa qua ban quản trị Facebook đã lên tiếng trấn an người sử dụng với việc công bố bổ sung thêm 3.000 chuyên viên kiểm duyệt và ngăn chặn những nội dung độc hại, cộng vào số 4.500 chuyên viên đã được cơ cấu trước đó. Lên tiếng trên trang Facebook.com, CEO Mark Zuckerberg bộc bạch: “ Trong vài tuần qua chúng ta đã chứng kiến nhiều người tự làm hại đến mình và gây tổn thương cho nhiều người khác trên Facebook, dưới dạng video hay live stream. Thật đau lòng, và tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm cái gì đó cho xã hội này tốt đẹp hơn”. Vị tỉ phú công nghệ này đề nghị mọi người một khi thấy xuất hiện những nội dung độc hại hãy thông báo ngay cho Facebook, và các chuyên viên ở đó sẽ ngay lập tức xem lại nội dung có liên quan cùng ngăn chặn chúng, bao gồm cả những nội dung thù hằn và xâm phạm trẻ con. Người sáng lập và giám đốc điều hành mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng cho biết, ngoài việc đầu tư nhân lực Facebook cũng tạo ra các công cụ như một thứ phòng tuyến ngăn chặn nội dung độc hại mà mục đích cuối cùng là làm cho cộng đồng an toàn hơn.

Trên thực tế, từ tháng 3, Facebook đã tung ra một loạt những công cụ phòng ngừa tự tử và tháng sau đó cho ra đời những công cụ chống lại hình thức khiêu dâm để trả thù, bao gồm cả việc đưa lên mạng những hình ảnh và những đoạn video mà không được sự đồng ý của đương sự. Công ty nhấn mạnh việc xây dựng những thuật toán mới và phát triển những cơ chế để những người bạn có thể thông báo cho nhau những gì mà họ thấy cần quan tâm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), tình trạng tự tử trong lứa tuổi từ 15 đến 29 nay lên rất cao, và cứ 40 giây đồng hồ lại có một người chết. Mạng xã hội lại là nơi mà những con người khốn khổ tìm đến để tự an ủi, nhưng một khi môi trường ở đó cũng bị độc hại thì tình huống của họ càng tệ hại hơn. Những chuyên viên kiểm duyệt tại đây có nhiệm vụ ngăn chặn những nội dung độc hại đó lại, và theo thuật toán mới thì một nội dung một khi đã bị ngăn chặn sẽ không thể xuất hiện trở lại.

Tuy vậy, việc ngăn chặn tin giả – những tin tức có mục tiêu làm sai lạc thông tin và cường điệu hóa thành một phong trào phục vụ cho những quyền lực ẩn danh – lại không dễ dàng chút nào, mặc dù các mạng xã hội lớn như Facebook lẫn Twitter và cả những cỗ máy tìm kiếm như Google đã đưa ra rất nhiều giải pháp cũng như công cụ. Bản báo cáo ‘Information Operations and Facebook’ do Jen Weedon, William Nuland và Alex Stamos biên soạn và cập nhật ngày 27-4 vừa qua trên fbnewsroomus.files.wordpress.com cho thấy việc sản xuất và lan truyền tin giả nay đã trở thành một thứ kỹ nghệ với sự tham gia của đội ngũ ‘chatbot’ có tài khoản trên mạng. Một tháng sau, Google đã lặng lẽ khai trương Chatbase Platform nhằm kiểm soát hoạt động của những ‘bot’, theo sau các nền tảng tương tự đã được tung ra bởi Viber, eBay, JustFab và cả của Unicef thuộc Liên Hợp Quốc (UN).

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here