Hiroshi Mikitani – “ông trùm” thương mại điện tử Nhật Bản

0
620

Khi Alibaba nổi lên như một hiện tượng thương mại điện tử, người ta bắt đầu nhìn lại lĩnh vực này và điểm lại những người khổng lồ đang chiếm lĩnh thị trường.

Amazon thì đã quá phổ biến trong tâm trí người dùng Việt Nam, nhưng Rakuten vẫn là một cái tên tương đối xa lạ, cho tới khi thương hiệu này thâu tóm Viber, vốn là một ứng dụng nhắn tin khá quen thuộc với giới trẻ Việt.

Ít người biết đây là một trong những website thương mại điện tử lâu đời và thịnh vượng nhất trên thế giới ảo, dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Hiroshi Mikitani – một cựu sinh viên của đại học Harvard.

Thời niên thiếu của Mikitani

Hiroshi Mikitani có thể được coi là “con nhà nòi” khi sinh ra trong một gia đình tinh hoa trí thức: cha của ông là một nhà kinh tế học, anh trai là giáo sư ở đại học Tokyo. Mikitani tốt nghiệp đại học Hitotsubashi, sau đó khi đang làm việc cho ngân hàng Công nghiệp Nhật Bản, ông được cử đi du học ở Mỹ với khóa học MBA tại đại học Havard.

Ngày 7/2/1997, Mikitani cùng một số người bạn của mình lập ra Rakuten với 250.000 USD mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào khác về tài chính. Tới nay trang web này đã trở thành một đại siêu thị ảo với giá trị vốn hóa thị trường lên tới 13,5 tỉ USD và doanh thu hàng năm trên 4 tỷ USD. Với kết quả kinh doanh ấn tượng này, Rakuten luôn giữ vững ngôi vị website thương mại điện tử số 1 tại Nhật Bản, đồng thời là một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực này trên toàn thế giới.

Mô hình hoạt động: Trang web lớn cho công ty nhỏ

Rakuten Ichiba có thể được ví như một siêu thị khổng lồ trên mạng Internet, nơi các nhà cung cấp có thể đăng ký sở hữu một gian hàng nhỏ để tiếp thị sản phẩm của mình với khách hàng. Mặc dù trong “đại siêu thị” Rakuten có không ít tên tuổi đình đám như Adidas, Toshiba…, trang web này vẫn chú trọng việc hỗ trợ những nhà cung cấp nhỏ lẻ bằng những biện pháp thiết thực và rất cụ thể.

Một ví dụ tiêu biểu về tác động tích cực của Rakuten đối với thị trường thương mại nhỏ ở Nhật Bản như sau: Một nông dân muốn bán số trứng của mình trên Rakuten, ông được hỗ trợ hướng dẫn cách thức chụp ảnh quá trình cho gà ăn và ấp trứng để chứng minh các sản phẩm của ông là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc luôn tươi mới. Sau đó ông đăng tải những bức ảnh này lên website Rakuten.

Hiệu quả vượt xa so với mong đợi của bản thân người bán: số lượng đơn đặt hàng tăng lên chóng mặt, chẳng mấy chốc doanh thu từ duy nhất việc bán trứng của người nông dân nọ đã cao hơn cả mức doanh thu trung bình của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác.

So với hình thức bán hàng trực tiếp truyền thống, bán hàng trên Rakuten có lợi thế hơn nhiều do tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng, sửa chữa bảo dưỡng cửa hàng, lại có khả năng tiếp cận phạm vi khách hàng rộng hơn rất nhiều. Do vậy từ các tiểu thương tới các thương hiệu lớn ở Nhật đều nhanh chóng đăng ký cho mình một gian hàng trên Rakuten.

Động lực phát triển: Những ý tưởng điên rồ

Hiroshi nổi tiếng với những ý tưởng nhiều phá cách ít ai ngờ tới. Nhưng ông cũng khiến người ta nể phục do một khi đã dự định áp dụng những ý tưởng đó thì ông triển khai một cách dứt khoát, quyết liệt, và thường đem lại cú hích cho sự phát triển của Rakuten.

Điển hình trong số các biện pháp của Mikitani phải kể tới động thái “Anh hóa” trang Rakuten vào năm 2010. Một ngày Mikitani đột nhiên đi tới kết luận rằng:“Tiếng anh không còn là lợi thế cho doanh nghiệp nữa, mà nó trở thành một yêu cầu nhất định phải có”.

Thế là chỉ sau một đêm, tất cả những bảng hiệu, menu trong canteen và biển báo thang máy… công ty chủ quản Rakuten đều phải đổi sang tiếng anh.

Có thể dễ dàng hình dung sự phản ứng của nhân viên và giới quan sát trên thị trường. Một số người thậm chí cảm thấy lòng tự tôn dân tộc của mình bị tổn thương. Nhưng Mikitani vẫn kiên định với lựa chọn của mình.

Kết quả là 90% số nhân viên của Rakuten giờ đây đã có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh, đồng thời bản thân trang web thương mại Rakuten cũng thay da đổi thịt trở thành một thương hiệu mang tính chất quốc tế, rất thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào tham gia, đầu tư góp vốn hoặc đơn giản chỉ để mua hàng. Còn câu chuyện của Mikitani thì trở thành một “case study” điển hình trong nhiều giáo trình về quản trị kinh doanh ở các trường đại học lớn.

Đánh đông dẹp bắc

Bất cứ ai khi tiếp xúc với Mikitani đều có ấn tượng về sự năng động, dám nghĩ dám làm và giàu ý tưởng. Người đàn ông này từng tiến hành vô số thương vụ mua bán sáp nhập để tăng thêm tiềm lực cho Rakuten, cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên nhiều nền tảng khác nhau, trong đó có thể kể tới việc mua lại Kobo, công ty sản xuất máy đọc ebook bán chạy nhất ở Canada, Buy.com – một website thương mại điện tử của Mỹ, và mới đây nhất là mua lại ứng dụng tin nhắn đình đám Viber với hơn 300 triệu người dùng, chỉ để tạo một kênh liên lạc tiện ích cho khách hàng khi muốn nhắn tin trao đổi với người bán về giá cả và chất lượng sản phẩm.

Bất cứ ai khi tiếp xúc với Mikitani đều có ấn tượng về sự năng động, dám nghĩ dám làm và giàu ý tưởng.

Có thể thấy tất cả những vụ thâu tóm này đều nhằm mang lại cho người sử dụng Rakuten những trải nghiệm mua sắm tốt nhất, trên nhiều phương diện. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và sự tỉ mỉ trong việc chăm sóc cảm giác của khách hàng, Rakuten vẫn giữ vững vị thế của một trong những website thương mại điện tử hàng đầu thế giới, bất chấp có rất nhiều tên tuổi khác đang trỗi dậy.

Cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác, Rakuten của Mikitani không tránh khỏi có những bước hụt chân trong một số chiến thuật của mình. Người khổng lồ này từng xây dựng một trang web mang tên Lekutian – đứa con lai của Rakuten với tập đoàn Baidu- với tham vọng đưa website này trở thành “Trang bán hàng online lớn nhất Trung Quốc”. Không may là chỉ hai năm sau, đứa con lai này đã chết yểu.

Tuy nhiên, một vài hao tổn này không làm ảnh hưởng tới tầm vóc của Rakuten, và đế chế này vẫn đang ngày một bành trướng ra ngoài lãnh thổ Nhật Bản, cùng với đó là tầm ảnh hưởng của CEO Mikitani.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here