‘Người khổng lồ’ thâu tóm hệ thống phân phối

0
821

Chỉ đến khi Tập đoàn Metro Cash & Carry tuyên bố, chúng ta mới biết hệ thống bán sỉ lớn nhất và duy nhất ở Việt Nam đã rơi vào tay người Thái.

Trong khi chúng ta còn bàng hoàng với hàng loạt câu hỏi thì hàng của người Thái đã vào tới mâm cơm người Việt. 13 năm qua, năm nào Thái Lan cũng tổ chức hội chợ ở Hà Nội. Sự kiện mới nhất diễn ra vào cách đây chưa đầy 3 tháng tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nộ với 180 gian hàng đủ loại từ đồ ăn, uống, hoa quả tươi, vật dụng gia đình, may mặc, trang sức cho đến linh kiện ô tô, xe đạp và đồ phụ tùng, vật dụng trang trí và lưu niệm, thiết bị điện tử…

Tại TP.HCM mỗi năm có khoảng 4 hội chợ quy mô lớn; hội chợ “nhỏ nhỏ” khoảng 20 – 30 gian hàng thì 1 tháng 2 lần “đến hẹn” lại được mở ra với đầy đủ các mặt hàng từ kẹp tóc, bấm móng tay, giày dép, kem đánh răng, mỹ phẩm, đồ nhựa…

Hằng Thái đã vào tới mâm cơm người Việt

Với mật độ hội chợ dày kịt, mục đích lớn nhất của doanh nghiệp (DN) Thái đã tạo cho người tiêu dùng Việt Nam thói quen sử dụng hàng của nước này.

Tại hội chợ hàng nhập khẩu Thái Lan đang diễn ra ở Cung văn hóa Lao động TP.HCM chiều qua (11.11) vẫn đông nghẹt khách dù khi chúng tôi ghé vào đang là “giờ cao điểm” và là ngày đầu tuần.

Chị Nguyễn Thanh Hương, nhà ở Q.5 vừa chọn một máy vắt cam bằng tay với giá 35.000 đồng, một bình đựng nước 2 lít cùng giá, một ly uống nước cho trẻ em 19.000 đồng và một chậu tắm em bé hơn 250.000 đồng. “Chị thấy hàng Thái thế nào”- chúng tôi hỏi. Chị thành thật: “Mẫu mã không có gì lạ hay độc đáo. Thậm chí mấy đôi dép kia (chỉ tay vào mấy đôi dép đủ màu xếp trên kệ bàn) còn rất xấu, hay kem trái cây ăn vào có mùi vị giống phẩm màu”. “Vậy tại sao chị vẫn mua?” “Vì giá rẻ quá, tôi thấy nhiều người mua quá nên mua theo”, chị Hương trả lời không do dự.

Tâm lý mua hàng theo đám đông như chị Hương ở Việt Nam là không ít và được các DN Thái khai thác triệt để. Họ kiên trì đeo bám và đến nay đã thành công. Hồi tháng 4 vừa rồi, hội chợ mua sắm và ẩm thực Thái Lan ở Trung tâm triển lãm Tân Bình xảy ra cảnh xưa nay hiếm khi hàng trăm người rồng rắn xếp hàng vào mua. Hàng hóa bị vét sạch chỉ trong 4 ngày. Các gian hàng bán thực phẩm không đủ chỗ ngồi cho thực khách, nên người ta mua đồ rồi ngồi ăn vất vưởng ở hành lang. Đáng nói là hầu hết sản phẩm ở hội chợ cũng chỉ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, chăn ga gối nệm, bánh kẹo… đều là những mặt hàng trong nước không thiếu, thậm chí đang tồn kho, kích cầu đủ cách.

“Nếu DN Việt Nam không sản xuất ra được hàng hóa có chất lượng ngang bằng với Thái Lan hay giá thành cao hơn, không tổ chức được hệ thống phân phối thì chúng ta chắc chắn sẽ mất thị trường”.

“Tôi đi đến nhiều vùng nông thôn, người dân nói hàng Thái hiện đã vào từng mâm cơm của họ. Nhưng thách thức cực kỳ lớn cho Việt Nam là khi Cộng đồng kinh tế chung ASEAN được thành lập vào năm 2015 với việc xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu. Thị trường khi đó không còn biên giới. Nếu DN Việt Nam không sản xuất ra được hàng hóa có chất lượng ngang bằng với Thái Lan hay giá thành cao hơn, không tổ chức được hệ thống phân phối thì chúng ta chắc chắn sẽ mất thị trường”, chuyên gia kinh tế quốc tế – TS Phạm Văn Chắtkhuyến cáo.

Nguy cơ mất thị trường

Hiện tại thị trường nội địa có hầu hết các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng trên thế giới nhưng tạo dựng một chiến lược bài bản như người Thái thì rất hiếm. “Tay phải” tiếp cận, tạo thói quen sử dụng hàng Thái với người tiêu dùng Việt Nam, “tay trái” các ông chủ tìm cách thôn tính hệ thống phân phối, vốn được coi là huyết mạch của nền kinh tế để hậu thuẫn đưa hàng nước này vào ngõ ngách thị trường nội địa.

Bước đầu, họ mua lại và đổi tên chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart thành B’s mart. Chỉ sau vài năm, thương hiệu B’s mart đã và đang len lỏi trong các khu đô thị trên toàn quốc với đa số sản phẩm xuất xứ tại Thái Lan. Theo báo chí nước này, ông chủ của B’s mart có kế hoạch chi thêm 1 tỉ baht (khoảng 31,2 triệu USD) để mở rộng lên 205 cửa hàng tiện lợi B’s mart tại Việt Nam vào năm 2018. Cũng công ty Thái này đã mua lại hệ thống 19 siêu thị METRO VN từ tay tập đoàn Đức. Rồi hệ thống bán lẻ Robins (thuộc Tập đoàn bán lẻ Central của Thái Lan) cũng đã khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên tại Hà Nội có diện tích 10.000 m2 và đang chuẩn bị khai trương cái thứ 2 tại TP.HCM.

Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Văn Chắt vô cùng lo lắng và bức xúc: “Hệ thống phân phối được các nước quan tâm phát triển bằng chính nội lực để hậu thuẫn cho nền sản xuất trong nước nhưng Việt Nam thì không. Hàng loạt cơ sở phân phối trong nước hiện do nước ngoài nắm giữ là rất nguy hiểm. Nắm hệ thống phân phối là nắm được thị trường, trong trường hợp cần thiết sẽ sử dụng để điều tiết thị trường. Ví dụ chúng ta kêu gọi dùng hàng Việt nhưng trong tay lại không có hệ thống phân phối, bán lẻ thì làm sao thực hiện được? Đó là chưa kể, nếu không nắm giữ hệ thống này, sản xuất trong nước cũng khó tiếp cận người tiêu dùng, vì quyền quyết định trung gian đã nằm trong tay DN nước ngoài”.

Chuyên gia thương mại, TS Hoàng Thọ Xuân (nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) cũng tỏ ra khó hiểu khi chúng ta nỗ lực đàm phán giữ thị trường phân phối trong nước để rồi sau đó lại dễ dàng cấp phép cho các công ty nước ngoài mở siêu thị tràn lan. “Về lý thuyết thì chúng ta có đầy đủ điều kiện để cấp phép hay không cho DN nước ngoài mở siêu thị nhưng thực tế thì ai xin cũng cho”, TS Xuân nhấn mạnh và tỏ ra lo ngại: “Hệ thống phân phối là huyết mạch kết nối sản xuất tới tay người tiêu dùng, vì vậy nếu chúng ta không kiểm soát được huyết mạch thì hỏng. Thái Lan đã và đang từng bước thôn tính các kênh phân phối ở Việt Nam. Họ có một chiến lược ghê quá, khiến thị trường bán lẻ ở địa bàn đô thị Việt Nam dần rơi vào tay nước ngoài”.

Mạng lưới bán sỉ, lẻ mà DN Thái thâu tóm tại thị trường Việt Nam đang lan rộng khắp cả nước mang theo đủ các loại hàng hóa từ nước này “tỏa” khắp Việt Nam. Cuộc chiến với “người khổng lồ” Thái Lan và nhà sản xuất trong nước chính thức được châm ngòi.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here