Quy mô nhỏ, chưa phù hợp với tập quán mua sắm khiến doanh thu của các cửa hàng điện thoại di động trong hệ thống siêu thị ngày càng mờ nhạt.
Việc Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) công bố rút 22 cửa hàng ra khỏi Big C Việt Nam theo yêu cầu của bên cho thuê địa điểm khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn. Theo các chuyên gia, ngoài việc Central Group (chủ mới của Big C) đã sở hữu một đơn vị kinh doanh gần tương đồng (siêu thị điện máy Nguyễn Kim) thì mô hình “shop in shop”, nhất là với mặt hàng đặc thù này, dường như đã kém hấp dẫn.
Khi rút khỏi Big C, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Thế Giới Di Động cũng cho biết, thực tế doanh số 22 cửa hàng trong hệ thống này khá thấp so với 1.000 cửa hàng bên ngoài, nên không tác động nào đáng kể đến sự tăng trưởng doanh thu trong 8 tháng của công ty.
Trước đó, Thế Giới Di Động cũng đã từng triển khai mô hình “shop in shop” từ rất lâu tại Bình Dương. Tuy nhiên, do cách thức vận hành còn nhiều hạn chế khiến khách hàng không có được sự thuận lợi cần thiết. Đơn cử như diện tích gian hàng chỉ ở mức 12m2, phụ thuộc BigC ở khâu thanh toán, các khuyến mại nhận được khi mua phải mang ra siêu thị thegioididong.com bên ngoài mới được áp dụng hoặc các đơn hàng online khó xử lý… Chính vì những hạn chế này nên thử nghiệm lần đầu đã không đạt được thành công.
Với mô hình mới, dù hoạt động được một năm ở Big C song doanh thu không đáng kể. Mặt khác, đơn vị này cũng cho biết có chút khó khăn là một số ngành hàng chưa thể kinh doanh tại BigC như thẻ cào, máy cũ. Ngoài ra, việc xuất và nhập thông qua cổng BigC còn khó khăn… Mới đây, Thế Giới Di Động muốn chuyển qua bán điện máy và hai bên đã không đạt được thỏa thuận phù hợp nên chấm dứt hợp đồng.
Không có cái kết chóng vánh như câu chuyện giữa Thế Giới Di Động và BigC nhưng mô hình bán hàng điện tử, di động của nhiều doanh nghiệp trong các hệ thống siêu thị hiện nay cũng kém hấp dẫn.
Từ cuối năm 2009, mô hình “shop in shop” (cửa hàng nằm trong cửa hàng) của chuỗi bán lẻ Viễn Thông A đã bắt đầu đưa vào các hệ thống CoopMart, Lotte Mart… nhưng hoạt động khá mờ nhạt.. Tại các hệ thống siêu thị Lotte ở quận 10, nhân viên bán hàng của Viễn Thông A cho biết lượng khách đến nhiều nhưng đa phần là các bà nội trợ, chỉ quan tâm tới thực phẩm, đồ gia đình chứ ít khi ghé xem điện thoại. “Có ngày chỉ có vài khách trẻ tuổi ghé xem nhưng ít người chuẩn bị sẵn hầu bao để mua. Các mẫu sản phẩm cũng không đa dạng như cửa hàng lớn”, nhân viên ở đây cho biết.
Một cửa hàng khác của Viễn Thông A tại Lotte Mart Gò Vấp (TP HCM) cũng không mấy khách ghé mua. Nhân viên cho hay, cửa hàng mới hoạt động được 5 tháng với định hướng chỉ tập trung phân phối các dòng điện thoại thông minh, máy tính bảng và linh phụ kiện điện tử nên sản phẩm kém đa dạng hơn bên ngoài. Vì không gian tương đối hẹp nên việc lựa chọn sản phẩm cũng không khiến khách hàng hào hứng dẫn đến sức mua cũng khó cạnh tranh. Mặt khác, chi phí mặt bằng, nhân viên cũng khá cao nên lợi nhuận đạt được thấp.
Gần đây, dù đơn vị này áp dụng hàng loạt ưu đãi giảm giá, combo quà tặng và tích lũy 1% giá trị trên mỗi sản phẩm vào thẻ mua sắm của hệ thống Lotte nhưng khách hàng vẫn không mặn mà. Lượng khách tham quan và dùng thử sản phẩm cũng rất thưa thớt.
Tâm lý của người dân Việt thích mua các sản phẩm này ở cửa hàng chuyên dụng để thoái mái trong trải nghiệm, lựa chọn và thuận tiện trong thanh toán, bảo hành.
Nhìn nhận về vấn đề trên, một chuyên giá bán lẻ tại TP HCM cho rằng, việc các doanh nghiệp di động, viễn thông chọn mở cửa hàng tại các hệ thống siêu thị với mong muốn lượng lớn khách hàng đi siêu thị sẽ để ý tới sản phẩm điện tử, di động. Tuy nhiên, tâm lý của người dân Việt lại thích mua các sản phẩm này ở cửa hàng chuyên dụng để thoái mái trong trải nghiệm, lựa chọn và thuận tiện trong thanh toán, bảo hành. Cho nên, mô hình này tại Việt Nam vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Vì vậy, việc rút lui của Thế Giới Di Động tại BigC là chuyện bình thường vì mô hình khó phát triển trong khi hai bên bó hẹp lợi ích với nhau.
Riêng việc về thông tin cho rằng BigC “đuổi” Thế Giới Di Động để “dọn đường” cho Nguyễn Kim cũng là một lý do. Tuy nhiên, theo chuyên gia trên, thực tế lý do này cũng không mấy chính xác vì bên trong một số siêu thị BigC vẫn đang có các cửa hàng kinh doanh các sản phẩm công nghệ, phụ kiện… của chuỗi bán lẻ Viễn Thông A.
Ông Đỗ Thanh Năm – Giám đốc Công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win-Win cũng đánh giá, mặc dù hệ thống siêu thị là nơi tập trung khách hàng nhưng không phải loại sản phẩm nào cũng được khách hàng đón nhận. Để bán mặt hàng điện tử hút khách thì quy mô cửa hàng tại đây cũng là yếu tố then chốt. Nếu không có sự đa dạng về sản phẩm, quy mô kém hấp dẫn thì khách hàng sẽ chỉ dạo qua chứ không mua.
So sánh với các cửa hàng chuyên biệt, chuyên gia này cho rằng mô hình “shop in shop” chắc chắn kém hấp dẫn hơn và doanh thu cũng chỉ bằng 1/10 so với hệ thống chuyên biệt, thậm chí thấp hơn. Đây cũng là lý do vì sao khi rút khỏi Big C lãnh đạo Thế Giới Di Động cho rằng không có bất cứ tác động mạnh nào tới doanh thu và lợi nhuận của hệ thống.