Nội Dung Chính
Đối thủ nhiều, nhưng Foody.vn lại là đơn vị duy nhất đang sở hữu nhiều hệ sinh thái nhất trong ngành ăn uống ở Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại.
Hơn một năm trước, Đặng Hoàng Minh vẫn còn loay hoay với các mảnh ghép của bức tranh Foody.vn trong tương lai. Nay mọi thứ đã dần dần hoàn chỉnh, mô hình kinh doanh cũng vì thế mà rõ ràng hơn. Foody.vn giờ đây không còn là một mạng xã hội ăn uống mà được định hình thành hệ sinh thái dành cho ngành ăn uống.
Bước ra thị trường mới
Gặp CEO Foody.vn sau chuyến đi công tác Thái Lan, Minh có vẻ đen hơn so với trước vì cái nắng gay gắt của Thái Lan vào mùa hè, nhưng anh vui vì sự hưởng ứng của người dùng ở đây dành cho Foody khá lớn. Sau một thời gian ngắn, đã có hơn 300.000 người sử dụng tương tác với Fanpage Foody.
Còn nhớ hơn 1 năm trước, chính Minh cũng đem Foody thử sức ở thành phố Jakarta (Indonesia), nơi có khoảng 23 triệu người đang sinh sống. Hiện nay, Foody đang đứng thứ 3 về lượt truy cập hằng tháng sau Zomato, Qraved. Mặc dù vậy, anh thừa nhận phải cần thời gian để Foody Indonesia phát triển như Việt Nam vì khác biệt về văn hóa ẩm thực, cùng tình trạng kẹt xe khiến chưa nhiều người quan tâm đến việc tìm kiếm các địa điểm ăn uống. “Ở Indonesia, chủ yếu người ta thấy quán nào ăn quán đó. Thái Lan thì có tiềm năng hơn vì khá giống Việt Nam”, Minh nói.
Foody.vn được Minh thành lập vào năm 2012, là mạng xã hội chuyên cung cấp các đánh giá về quán ăn ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Bắt đầu với phiên bản web, Foody được nhanh chóng chuyển hẳn sang ứng dụng di động để tạo sự khác biệt. Nhưng nguồn thu từ quảng cáo của Foody được cho là không bền vững vì sự xâm lấn của Facebook.
Để tồn tại, Foody cần phải gắn chặt người sử dụng với họ hơn, ở đây là cả nhà hàng và thực khách. Trong quá trình định nghĩa lại sản phẩm trên ứng dụng di động, Foody được Minh chuyển vào vị trí trung tâm trong hệ sinh thái, nơi cung cấp thông tin cho các dịch vụ vệ tinh như đặt bàn, giao hàng, chương trình khuyến mãi.
Với website, Minh chia thành các mảng riêng biệt, đánh giá, khám phá quán ăn với Foody.vn, đặt bàn với TableNow và giao hàng với DeliveryNow. Bên cạnh đó, Foody còn cung cấp phần mềm quản lý nhà hàng với FoodyPOS. Tất cả đang đem lại cho Công ty 8 triệu người sử dụng hằng tháng.
Trước đây, khi chỉ đơn thuần là mạng xã hội, Foody.vn sẽ cạnh tranh với diadiemanuong, lozi. Giờ đây, Foody.vn cạnh tranh thêm với vietnammm, Offpeak. Đối thủ nhiều, nhưng Foody.vn lại là đơn vị duy nhất đang sở hũu nhiều hệ sinh thái nhất trong ngành ăn uống ở Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại. “Foody không tham lam mà đi theo nhu cầu của người sử dụng. Thực khách sau khi khám phá quán ăn, sẽ là đặt bàn, giao hàng. Chủ nhà hàng thì cần chiến dịch tiếp thị, dịch vụ giao hàng, phần mềm quản lý”, Minh nói.
Đa dạng nguồn thu
Đa dạng hệ sinh thái cũng kéo theo nhiều nguồn thu. Nếu như trước đây Foody chỉ có nguồn thu chủ yếu từ quảng cáo thì nay có thêm từ dịch vụ giao nhận, đặt bàn và phần mềm bán hàng.
Hiện DeliveryNow có khoảng 500 nhân viên, đáp ứng gần 10.000 đơn hàng mỗi ngày. Foody thu về từ 10-20% giá trị trên mỗi đơn hàng.
Với TableNow, Công ty thu một khoản phí hoa hồng trên tổng giá trị hóa đơn phát sinh của các bàn được khách đặt bằng cách cấn trừ vào tài khoản ứng trước của các nhà hàng tham gia. Hiện có khoảng 1.000 nhà hàng (phần lớn có quy mô trung bình trở lên) trên TableNow, mỗi nhà hàng đặt cọc một khoản tiền trong tài khoản. “Doanh thu phần mềm quản lý bán hàng có tăng, nhưng không nhiều. Nhưng đây là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái Foody”, Minh cho biết.
Thật ra, việc mở rộng vệ tinh như Foody gần như là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như Yelp (Mỹ), một trong những tên tuổi tiên phong trong lĩnh vực này, thực hiện IPO vào năm 2012 với định giá gần 900 triệu USD. Từ website đánh giá, tìm kiếm nhà hàng, Yelp mở rộng thêm mảng làm đẹp, mua sắm, dịch vụ sửa chữa tại nhà, giảm giá hằng ngày…
Tuy nhiên, doanh thu từ quảng cáo vẫn chiếm tỉ trọng lớn của Yelp hằng năm. Báo cáo quý I/2017 của Yelp cho thấy mảng này đem về 177 triệu USD, vượt xa các mảng khác như doanh thu từ mỗi giao dịch phát sinh trên Yelp (hơn 18 triệu USD) và các giao dịch khác (2,2 triệu USD).
Một trường hợp khác là website đánh giá quán ăn lớn nhất Trung Quốc Dianping. Được thành lập từ năm 2003, có xuất phát tượng tự Yelp, Dianping được đầu tư bởi Tencent. Năm 2015, Dianping.com đã sáp nhập với Meituan, website mua theo nhóm lớn nhất Trung Quốc được hậu thuẫn bởi Alibaba để trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến kết hợp với truyền thống lớn nhất Trung Quốc.
Năm ngoái, Meituan-Dianping đã gọi được hơn 3 tỉ USD, nâng định giá lên 18 tỉ USD. Tổng khối lượng hàng hóa trên Meituan-Dianping là hơn 25 tỉ USD, phục vụ 150 triệu người dùng hằng tháng với khoảng 10 triệu đơn đặt hàng. Gần đây nhất, Meituan-Dianping còn mở thêm mảng du lịch.
“Chúng tôi có thể đạt điểm hòa vốn nếu cắt giảm nhân sự, vốn chiếm đến 90% chi phí, ngừng đầu tư vào các tính năng mới. Nhưng điều đó không đảm bảo vị trí của Foody trong một môi trường đang phát triển nhanh”, Minh nói. Điều mà ông chủ Foody và các nhà đầu tư quan tâm là số lượng giao dịch phát sinh từ hệ sinh thái của Foody hằng ngày. Không chia sẻ con số cụ thể, Minh chỉ cho biết con số này đang tăng trưởng 20-30% mỗi tháng.
Vì thế, Foody vẫn tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm của người sử dụng. Trong bản cập nhật ứng dụng mới nhất, đơn vị này đang thử nghiệm tính năng self-order (tự đặt món). Theo đó, người sử dụng Foody khi vào quán sẽ đặt thức ăn thông qua ứng dụng. Bên cạnh tăng sự tiện lợi cho người sử dụng, tính năng này còn hỗ trợ các quán vào các giờ cao điểm. Tuy nhiên, điểm hạn chế là chỉ các quán sử dụng phần mềm FoodyPOS, hiện ở TP.HCM có khoảng 10 quán đang thử nghiệm tính năng này.
Sau self-order sẽ là gì? Gần như chắc chắn sẽ là chức năng thanh toán trực tuyến. Các đàn anh đi trước như Dianping cũng không bỏ qua tính năng này thì lẽ nào Foody ngoại lệ. “Tôi xin không bàn luận gì về vấn đề này. Hãy thử ứng dụng phiên bản mới của Foody đi, mượt lắm đấy!”, vị CEO có xuất thân từ dân kỹ thuật cười và nói.