Ông Mana Treelayapewat, Trưởng khoa Nghệ thuật truyền thông tại trường Đại học Bộ Thương Mại Thái Lan, cho rằng việc Facebook vung tiền mua bản quyền các giải đấu thể thao cho thấy hãng không muốn dừng ở mức nhà phân phối nội dung mà muốn trở thành một đơn vị có thể sản xuất, cung cấp nội dung.
Sau thể thao sẽ là âm nhạc, phim ảnh?
Ông cũng khẳng định câu chuyện sẽ không dừng lại ở phát thể thao trực tiếp. “Bản quyền thể thao chỉ là bước đầu tiên, khởi đầu cho hành trình này. Rất có thể tiếp theo sẽ là lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh”, chuyên gia này nói.
Ông phân tích: Facebook hoặc nền tảng xã hội khổng lồ khác sẽ đập tan nền tảng truyền thông truyền thống. Khán giả và nhà tài trợ quảng cáo sẽ rời nền tảng truyền thông truyền thống để đến với các mạng xã hội này dựa trên thế mạnh về dữ liệu và thống kê, giúp họ tiếp cận khách hàng và đánh giá hiệu quả.
Với khán giả, theo chuyên gia truyền thông Thái Lan, chắc chắn họ sẽ thích sử dụng nền tảng mới bởi vì nó miễn phí và có thể tiếp cận dễ dàng. Áp lực, vì thế, đặt lên các đơn vị truyền thông rất lớn.
Khi bàn về vấn đề vị trí của các nhà làm luật trong cuộc chơi giữa hai bên là truyền hình truyền thống và những thế lực công nghệ như Facebook, ông Mana cho rằng “đây là một vấn đề rất mới, bản thân doanh nghiệp và giới chức Thái cũng đang lúng túng, và đang quá trình thảo luận, chứ chưa tìm ra giải pháp”.
Các mạng xã hội bước vào cuộc chơi bản quyền nội dung truyền hình với những phương tiện và sức mạnh gấp nhiều lần các đài truyền hình. Bài toán không còn là xem xong rồi thu quảng cáo hay phát triển thuê bao nữa.
Cũng theo ông, ở Thái Lan cần tách bạch hai chuyện: ứng xử của doanh nghiệp truyền hình và của Nhà nước. “Các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải tự lo ứng phó với các người khổng lồ. Với chính quyền Thái Lan, mối quan tâm của họ là câu chuyện Facebook đóng thuế thế nào.
Hiện nay chính quyền đang nỗ lực thuyết phục Facebook tăng phần đóng góp ngân sách qua thuế, nhưng Thái Lan là nước nhỏ, việc này không phải dễ dàng. Có lẽ các quốc gia cần ngồi lại với nhau, bàn chuyện này”, vị này nhận định.
Truyền hình cạnh tranh bằng gì?
Về chuyện làm gì để cạnh tranh với những đối thủ mới hùng mạnh cả về tài chính và công nghệ, ông Mana Treelayapewat cho rằng các đài truyền hình có thể dựa vào những điểm mà Facebook còn yếu mà mình lại rất mạnh, đó là nội dung địa phương.
“Trong cuộc cạnh tranh với người khổng lồ, các hãng truyền thông Thái đang yếu thế, không thể tính chuyện cạnh tranh. Với nhiều hãng, mục tiêu chỉ là tồn tại, chứ không thể nói chuyện cạnh tranh được”, chuyên gia người Thái nói về cục diện cạnh tranh tại thị trường truyền hình Thái Lan.
“Bởi với nhiều hãng truyền thông truyền thống của Thái Lan, họ còn tận dụng các mạng xã hội như Facebook để gia tăng người dùng, thu hút độc giả”, ông nói thêm.
“Rõ ràng về dài hại, các đài truyền hình sẽ bị thất thế trong cuộc đua xoay quanh các thông tin mang tính phổ cập toàn cầu, nhưng vì thế, các đơn vị cần tập trung đầu tư và nâng chất lượng của các thông tin ở cấp địa phương. Đó là thế mạnh của các đơn vị truyền thống, nơi không bị cạnh tranh bởi những người khổng lồ như Facebook”, theo ông Mana Treelayapewat.
Trước đó, câu chuyện bản quyền truyền hình thể thao lại nóng lên sau World Cup, ASIAD khi Facebook tuyên bố đạt thoả thuận trị giá 264 triệu USD phát sóng trực tiếp giải Ngoại hạng Anh trong 3 năm liên tiếp trên nền tảng mạng xã hội của mình tại 4 quốc gia Đông Nam Á là Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam.
Theo đó, từ mùa giải 2019-2020, người dùng Facebook có thể xem trực tuyến các trận đấu của giải đấu này trên Internet thay vì qua truyền hình truyền thống.
Ngay sau đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị không cấp phép cho Facebook phát sóng giải Ngoại hạng Anh khi không đảm bảo yêu cầu về Luật Cạnh tranh và yêu cầu về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung Việt hóa. Tuy nhiên VNPayTV chưa nhận được phản hồi từ cơ quan quản lý.