Nội Dung Chính
Yếu tố tạo nên sự khác biệt về giá trị một công ty không còn nằm ở quy mô các tài sản hữu hình, mà nằm ở các tài sản vô hình.
Giá trị của các doanh nghiệp được định giá như thế nào sao cho hợp lý vẫn là câu hỏi gây đau đầu cho các nhà đầu tư. Có những công ty được định giá lên đến hàng trăm tỉ USD như Google, Apple, Amazon, nhưng ngược lại, cũng có công ty được định giá rất thấp mặc dù nếu xét về các chỉ số cơ bản như P/E (thị giá cổ phiếu trên thu nhập), P/B (giá cổ phiếu trên sổ sách)… các doanh nghiệp này xứng đáng nhận được mức định giá cao hơn. Điều gì đã làm nên sự khác biệt đó?
Khác biệt nhờ tài sản vô hình
Trên thị trường thế giới hiện nay, yếu tố tạo nên sự khác biệt về giá trị một công ty không còn nằm ở quy mô các tài sản hữu hình (tangible assets) như bất động sản, nhà xưởng, máy móc mà chính các tài sản vô hình (intangible assets) mới là nhân tố thay đổi cuộc chơi.
Sự dịch chuyển đó có thể thấy trên thị trường chứng khoán Mỹ. Theo tính toán của Ocean Tomo, nếu vào năm 1975, hơn 80% giá trị thị trường của doanh nghiệp trong rổ chỉ số S&P 500 đến từ đóng góp của tài sản hữu hình thì đến năm 2015, tỉ trọng này đã thay đổi hoàn toàn khi phần “hữu hình” chỉ còn giải thích được gần 20% giá trị của một doanh nghiệp, còn 80% còn lại đến từ đóng góp của phần không thể chạm đến, tức tài sản vô hình!
Tất nhiên, xác định được các yếu tố cấu thành nên tài sản vô hình là không đơn giản. Theo tổ chức OECD, tài sản vô hình cụ thể bao gồm 3 loại. Thứ nhất là dữ liệu thông tin, thứ 2 là các tài sản sáng tạo như bằng nghiên cứu sáng chế, bản quyền… và thứ ba là các tài sản tạo dựng sức mạnh cạnh tranh như thương hiệu, nguồn nhân lực, các mối quan hệ trong xã hội và bí kíp kinh doanh…
Trong số chúng, yếu tố thường được quan tâm nhiều nhất là thương hiệu, thường chiếm khoảng 27% tổng giá trị tài sản vô hình (theo dữ liệu trung bình của S&P 500), thậm chí còn cao hơn tùy theo lĩnh vực hoạt động. Có khá nhiều phương thức tính giá thị thương hiệu của doanh nghiệp, nhưng phương pháp đơn giản nhất là xuất phát từ giá trị thị trường của doanh nghiệp, sau đó thực hiện bút toán điều chỉnh bằng giá trị sổ sách sẽ suy ra được giá trị tài sản vô hình cũng như các thông tin về giá trị thương hiệu.
Hãy lấy Vinamilk (VNM) làm ví dụ. Vốn hóa thị trường của Công ty hiện khoảng 9,9 tỉ USD. Cộng thêm vay nợ khoảng 19 triệu USD tính đến cuối quý II/2017 thì Vinamilk đang được thị trường định giá khoảng 9,919 tỉ USD. Tổng tài sản trên sổ sách vào cuối quý II của Công ty khoảng 1,37 tỉ USD. Như vậy phần chênh lệnh giữa giá trị thị trường và giá trị sổ sách (8,53 tỉ USD) chính là phần tài sản vô hình không được công bố trên sổ sách kế toán nhưng đang thể hiện trên thị trường. Giả sử thương hiệu chiếm khoảng 27% phần tài sản vô hình này thì thương hiệu Vinamilk đang được định giá ở mức 2,3 tỉ USD, tức còn lớn hơn cả tổng tài sản hiện có trên sổ sách. Các cổ đông của Vinamilk hưởng lợi nhiều nhất từ giá trị vô hình khá khủng này.
Nếu tính theo các công cụ nổi tiếng khác như Interbrand thì sẽ cho kết quả chính xác hơn, ít phụ thuộc vào biến động thị trường chứng khoán, nhưng con số 2,3 tỉ USD cũng phản ánh được nhiều thứ. Nó cho thấy các chính sách marketing và tạo dựng thương hiệu của Vinamilk khá hiệu quả. Cộng với các lợi thế cạnh tranh vô hình khác như nhân lực có chất lượng, tầm nhìn kinh doanh sắc sảo, lượng khách hàng rộng lớn, hệ thống từ sản xuất đến kinh doanh hoàn chỉnh…, có lẽ không gì ngạc nhiên khi Vinamilk đạt được kết quả kinh doanh khả quan và được thị trường đánh giá cao trong những năm qua.
Xây dựng giá trị vô hình
Rõ ràng, đã đến lúc lãnh đạo các doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn đến vai trò của tài sản vô hình và tìm cách khuếch đại nó, bởi đây mới là yếu tố mang lại giá trị kinh tế lớn và bền vững cho doanh nghiệp. “Việc không hiểu các tác động và mối liên hệ giữa tài sản vô hình với năng lực nó tạo ra có thể dẫn đến những quyết định sai lầm cho các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và lãnh đạo công ty”, Tạp chí Strategic Finance nhận định.
Có thể dẫn ra ví dụ về Hewlett-Packard khi giá trị thương hiệu sụt giảm mạnh từ 27,4 tỉ USD năm 2010 xuống chỉ còn 8,1 tỉ USD vào năm ngoái (theo Brand Finance). Nguyên nhân được cho là do giới lãnh đạo thiếu sáng tạo và tầm nhìn cũng như việc thực hiện các thương vụ thâu tóm kém hiệu quả với công ty gần bờ vực phá sản Palm (2010) hay hãng phần mềm Anh Autonomy (2011).
Tuy nhiên, một thực tế là hiện không nhiều công ty Việt Nam quan tâm đến giá trị tài sản vô hình ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Masan, Viettel hay Thế Giới Di Động. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước vẫn chỉ tập trung vào khâu sản xuất mà chưa chú ý đến tạo dựng và bảo vệ thương hiệu, cũng như thiếu một tầm nhìn sắc sảo về xây dựng nguồn nhân lực, đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo, hay tạo dựng mối quan hệ sâu rộng với công chúng.
Đó còn là việc đăng ký, bảo vệ sở hữu trí tuệ chưa được xem trọng ở Việt Nam. Không ít trường hợp các doanh nghiệp Việt nhận được bài học đau xót khi xem nhẹ giá trị thương hiệu nên đã không đăng ký bản quyền, rồi bị đối thủ nước ngoài đăng ký và lấy mất thương hiệu, như trường hợp của nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, hay võng xếp Duy Lợi. Trong khi đó, các tên tuổi khác như Vinamit, Trung Nguyên phải rất vất vả và tốn nhiều chi phí mới giành lại được thương hiệu của mình tại Trung Quốc và Mỹ.