Định giá thương hiệu: Chả biết liệu sao

0
868

Nhiều doanh nghiệp đang lúng túng trong việc định giá thương hiệu, Nhà nước có thể mất một lượng tài sản đáng kể trong quá trình thực hiện mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2015.

Nhu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam cùng với các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) được đưa lên bàn đàm phám, các thương hiệu được định giá lên đến hàng chục triệu USD.

Công ty cổ phần Kinh Đô ghi nhận thương hiệu Kinh Đô là tài sản cố định vô hình trị giá 50 tỷ đồng, thể hiện phần góp vốn của Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô từ ngày 6/9/2012 đến nay. Tuy nhiên, điều này không được bộ phận kiểm toán ghi nhận bởi 50 tỷ đồng này không thỏa mãn chuẩn mực kế toán Việt Nam và quy định của Bộ Tài chính.

Quyết định 206/2003/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định chưa quy định thương hiệu là tài sản cố định vô hình, nên chưa có cơ sở hạch toán. Điều này gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp có nhu cầu cổ phần hóa hay mua bán sáp nhập.

Bà Nguyễn Vĩnh Hà, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Hãng tư vấn và kiểm toán Grant Thornton, cho biết có rất ít các tổ chức làm dịch vụ thẩm định giá có đủ uy tín và năng lực thực hiện định giá thương hiệu trên thị trường. Thêm vào đó, hành lang pháp lý cho việc thực định giá thương hiệu còn chưa đầy đủ.

Grant Thornton đã tiến hành định giá thương hiệu cho nhiều công ty trong khu vực. Tại Việt Nam, Grant Thornton đã định giá tài sản vô hình của Công ty kem Kido và Công ty Kinh Đô Miền Bắc trong thương vụ sáp nhập vào Công ty cổ phần Kinh Đô.

Nhưng theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, khi các doanh nghiệp có lợi thế kinh doanh (vị trí địa lý, uy tín, thương hiệu mạnh…) thì xác định giá trị lợi thế kinh doanh áp dụng công thức tính dựa trên giá trị sổ sách và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn.

Bà Hà nói: “Công thức này không hoàn toàn phù hợp trên thực tế, dẫn đến việc đánh giá không đúng giá trị thực của thương hiệu”.

Theo chuẩn kế toán, giá trị tài sản phải ghi nhận dựa trên chi phí vốn. Nhưng nếu thương hiệu không đủ cơ sở để xác định là tài sản cố định vô hình, Nhà nước có thể bị mất khối lượng tài sản đáng kể trong quá trình thực hiện mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2015.

Ông Richard Moore, Giám đốc Công ty Richard Moore Associates – đơn vị tư vấn thương hiệu đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam, cho biết, 50-80% doanh nghiệp thất bại sau M&A do chưa đánh giá đúng giá trị thương hiệu.

Trên thực tế, không phải lúc nào thương hiệu cũng được định giá bằng tiền. Giá trị vô hình của thương hiệu nhiều khi nằm ở cảm nhận của khách hàng, ở hệ thống phân phối mà công ty xây dựng được. Giá trị của thương hiệu Bibica không hề nhỏ do sở hữu hệ thống phân phối sâu rộng trên cả nước, dù bị thua lỗ trong 3 năm liền.

Theo ông Richard Moore, việc định giá doanh nghiệp, đôi khi mang tính nghệ thuật hơn là khoa học. Vì vậy, ngay cả khi thương hiệu được công nhận là tài sản vô hình cũng sẽ phát sinh khó khăn và tranh cãi quanh công thức và kết quả đánh giá mà doanh nghiệp sử dụng.

Nhu cầu về định giá nhượng quyền thương hiệu ngày càng tăng do sự phát triển của các hoạt động mua bán, sáp nhập, hoạt động nhượng quyền thương hiệu trong kinh doanh cũng như cho yêu cầu cổ phần hóa. Nhưng thời gian qua, chưa có một tổ chức quốc tế nào chuyên về định giá thương hiệu hiện diện tại Việt Nam.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here