Ông chủ lâu đài 15 triệu đô: Sự khác biệt tạo nên chiến lược

0
969

“Trước đây mình hay nói chiến lược tạo nên sự khác biệt, nhưng giờ tôi thấy khái niệm này cũ rồi, sự khác biệt mới tạo ra chiến lược”, ông Hoàng Khải chia sẻ.

* Khởi nghiệp bằng tơ lụa, nhưng mảng kinh doanh hiện tại của Tập đoàn Khai Silk “nổi” nhiều là ẩm thực, bất động sản, ông có thể nói rõ hơn vì sao có sự dịch chuyển “không liên quan” này?

– Kinh doanh ngành hàng nào thì cũng phải hiểu và đam mê nó. Khởi nghiệp từ tơ lụa, nhưng giờ làm chủ nhiều nhà hàng, với tôi, sự dịch chuyển này là đam mê chứ không hẳn vì lợi nhuận. Ăn uống thì nhu cầu không bao giờ hết, nên cơ hội đầu tư cũng là vô tận. Người Việt mình không chỉ cần ăn no mà còn phải ăn ngon, nên đầu tư vào ẩm thực còn thỏa sức cho tôi sáng tạo, nhất là ẩm thực cao cấp.

Nói chung, kinh doanh gì miễn tạo ra giá trị tốt cho xã hội, mang lại lợi nhuận cho bản thân. Nhưng làm gì thì làm, Khải Silk vẫn coi tơ lụa là chủ đạo, là ngành hàng phát triển mạnh nhất.

* Có nghĩa là hiện nay lĩnh vực ông đầu tư mạnh nhất là tơ lụa?

– Không, phải nói thật là tôi đang tập trung đầu tư nhiều nhất cho ẩm thực, dù hiện nay, bất động sản là nguồn mang lại lợi nhuận nhất cho Khai Silk. Nhưng tôi lại không nghĩ là mình kinh doanh bất động sản. Vì với tôi, kinh doanh nghĩa là mình phải mua đi bán lại mặt hàng đó, mà tôi thì chỉ có đầu tư, khai thác thôi.

* Thế còn tơ lụa, mảng kinh doanh cốt lõi nhưng có vẻ như gần đây không thấy ông nhắc nhiều?

– Tơ lụa của tôi như công chúa ngủ trong rừng, hơn 10 năm nay vẫn chờ hoàng tử. Ví von như vậy để hiểu rằng, thị trường tơ lụa cao cấp hơn 10 năm qua chỉ một mình tôi tự kinh doanh mà không có một đối thủ nào xen vào. Trong kinh doanh, dù ở bất cứ lĩnh vực nào tôi cũng thích có cạnh tranh, để cùng phát triển. Nhưng tơ lụa cao cấp thì chờ mãi vẫn không thấy, tôi phải tự một mình tiến, một mình tìm hướng đi bằng cách cạnh tranh với hàng của nước ngoài, để đổi mới, để khách du lịch đến Việt Nam thấy mình không tụt hậu, không có cạnh tranh không có nghĩa là mình lại ì ạch, không đổi mới.

* Theo ông thì vì sao không có đối thủ, có phải đây là ngành hàng người ta không tìm thấy lợi nhuận?

– 10-15 năm trước thì cũng có một số doanh nghiệp tham gia kinh doanh, nhưng giờ thì vắng bóng hẳn. Theo tôi không phải là không có lợi nhuận, mà vì có thể người kinh doanh ngành hàng này không nắm được xu hướng, tự đào thải. Chứ thị trường tơ lụa của Việt Nam rất lớn, nhất là phân khúc cao cấp, bởi thẩm mỹ thì nhiều gu, nhiều hướng, nhiều nhu cầu. Và cơ hội vẫn còn rất nhiều cho các nhà đầu tư đam mê thật sự, có điều người kinh doanh phải biết đúng nhu cầu của khách hàng.

* Nhưng có vẻ tơ lụa của ông khó đến được với đại bộ phận khách hàng, khi cửa hàng chỉ đặt ở những nơi quá sang trọng?

– Với tôi, mở nhiều cửa hàng chưa chắc là tốt. Louis Vuitton đâu có nhiều cửa hàng, nhưng họ vẫn đông khách và được cả thế giới biết tới đấy thôi. Khách có nhu cầu và hàng mình tốt thì họ sẽ tìm đến. Tơ lụa của Khai Silk đúng là hiện nay chưa có cửa hàng gần với đại bộ phận người tiêu dùng, nhưng tôi hãnh diện vì khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đều biết và tìm mua sản phẩm của tôi. Hàng của Khai Silk có mặt ở hầu hết các khách sạn 5 sao, các khu du lịch lớn hay các trung tâm thương mại hạng sang.

* Định vị hàng của mình là cao cấp, xa xỉ, nhưng gần đây tại sao ông chủ Tập đoàn Khai Silk lại quyết định bán hàng giảm giá?

– Đúng là trước đây, tôi chỉ chú trọng khách thượng lưu, giờ tôi sẽ phục vụ đủ tầng lớp khách hàng, nhưng không có nghĩa sản phẩm của mình không cao cấp, không còn là hàng sang. Giảm giá 40-50% cũng không phải ế mà bán, deal của Khai Silk khách hàng rất đông. Ví dụ như khách mua deal nhà hàng Cham Charm phải chờ 1-2 tuần mới được sử dụng.

Bán deal giảm giá là tôi đang muốn hàng của mình phổ biến, tạo cơ hội cho nhiều người cùng biết và sử dụng sản phẩm của mình. Và khi họ có cơ hội biết và sử dụng sản phẩm, thấy được giá trị sản phẩm, họ mách nhau, tôi lại được thêm khách, sản phẩm của tôi càng phổ biến. Khi chiến dịch này dừng thì giá sẽ quay về ban đầu, nhưng lúc đó chúng tôi đã có lượng khách nhất định biết đến sản phẩm của mình.

Đây là cách marketing hiệu quả nhất tôi từng làm, vì đem lại lợi ích thiết thực đến cho khách hàng. Qua 1 năm marketing bằng hình thức này, tôi thấy “sướng” hẳn vì sản phẩm mình nhiều người sử dụng. Hiện đã có 3-4 triệu lượt khách mua deal đến nhà hàng của chúng tôi ăn uống. Chương trình dự định là làm đến 2015, nhưng có lẽ hết 2014 sẽ kết thúc, vì đã đạt được con số dự kiến thực hiện trong 3 năm.

* Kinh doanh hàng cao cấp giữa lúc kinh tế khó khăn này, ông có bí quyết gì để khách hàng vẫn chịu móc túi?

– Ẩm thực cao cấp giờ cũng nhiều người đầu tư, nên cạnh tranh đã bắt đầu gay gắt. Giữa lúc kinh tế khó khăn, việc làm sao để khách hàng chấp nhận chi tiêu thì mỗi doanh nghiệp một bí quyết riêng. Với tôi, ngoài giá tốt, chất lượng tốt, cung cách phục vụ không chê vào đâu được còn rất nhiều yếu tố cần. Trong đó quan trọng là ý tưởng kinh doanh và văn hóa ẩm thực nữa.

Ngoài ra, lúc khó cũng là lúc tôi tranh thủ đầu tư cho quảng bá, vừa marketing hiệu quả vừa bán sản phẩm đúng nhu cầu thị trường. Tôi cũng luôn dặn mình phải khẳng định đúng định hướng sản phẩm cao cấp, dù có bán rẻ hơn thì chất lượng vẫn phải là cao cấp.

* Theo ông thì đến thời điểm này, nền kinh tế đã bớt khó chưa. Khai Silk có bị tác động nhiều trong giai đoạn khó khăn vừa qua?

– Dù phân khúc hàng ăn khó khăn chỉ rơi vào một thời gian ngắn, không đến nỗi căng thẳng, nhưng doanh nghiệp cũng đã ảnh hưởng ít nhiều. Như phải vay vốn lãi suất cao nhưng hàng hóa bán ra không tốt, lợi nhuận giảm, trong khi mình phải cơ cấu lại sản phẩm, nhân sự, rồi lên chiến dịch quảng bá nhiều hơn…

Kể ra thì dài, nhưng cái khó chung doanh nghiệp nào cũng phải vượt qua và ai cũng hiểu, tôi xin không nói. Với tôi, tôi xác định thời điểm khó khăn chỉ là tạm thời. Khoảng thời gian đó cũng giúp tôi tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức thương trường, có cơ hội định hình lại nhu cầu thị trường, hướng chi tiêu của khách hàng mà tìm cách quảng bá sản phẩm phù hợp. Đó cũng là thời điểm phù hợp để cơ cấu lại doanh nghiệp, chuẩn bị nhân sự cho hợp lý, chờ khi kinh tế hồi phục thì nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Tôi không biết doanh nghiệp khác thế nào, nhưng riêng tôi thì thời điểm này gần như khó khăn đã qua, tôi đã bắt đầu tích lũy năng lượng và đang bước qua đỉnh cao mới. Tôi tin đến cuối năm nay, mọi cái sẽ về lại đúng giá trị của nó.

* Điều gì tạo nên chiến lược của Khai Silk?

– Đó là sự khác biệt. Chọn vị trí đặc biệt để kinh doanh cũng là một tầm nhìn chiến lược, đầu tư sản phẩm khác biệt cũng là chiến lược. Trước đây mình hay nói chiến lược tạo sự khác biệt, nhưng giờ tôi thấy cái đó muộn rồi, phải là sự khác biệt mới tạo nên chiến lược.

* Xin cảm ơn ông.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here