Dấu hỏi kế thừa ở Samsung

0
684

“Thay đổi tất cả mọi thứ, trừ vợ và con cái”, đó là điều Lee Kun-Hee, ông chủ của Samsung, cách đây 2 thập niên đã tuyên bố. Nhưng nay, có gì sẽ thay đổi?

Hiện giờ Samsung đang một lần nữa đứng trước một bước ngoặt lớn trong lịch sử 76 năm phát triển của mình: phải thực hiện cuộc tái cấu trúc sâu rộng tiếp theo, bởi điều này đang trở nên vô cùng bức thiết.

Lên đỉnh và gì nữa?

Thời trước, Lee Kun-Hee muốn Samsung ngưng việc tung ra một lượng lớn sản phẩm rẻ tiền, thay vào đó tập trung vào chất lượng để trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Ông Lee đã hoàn thành sứ mệnh đó. Hiện nay, Tập đoàn Samsung sở hữu một “bộ sưu tập” lên tới 72 công ty và 369.000 nhân viên với doanh số hằng năm ước tính hơn 400.000 tỷ won (387 tỷ USD).

Tập đoàn đã bành trướng ở mọi lĩnh vực: từ máy giặt, khu nghỉ dưỡng, cho đến tàu container và bảo hiểm nhân thọ. Thế nhưng, điện tử mới là bộ phận mà ông Lee đặc biệt tự hào: Samsung đã qua mặt các đối thủ Nhật trở thành công ty dẫn đầu thế giới trong ngành này xét về doanh thu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi không ngừng như hiện nay, Samsung sẽ phải tìm cách để thích ứng bằng cách tái cấu trúc từ trên xuống dưới.

Hãy bắt đầu từ đội ngũ nhân sự cấp cao, tức dàn lãnh đạo. Hồi tháng 5, ông Lee Kun-Hee – năm nay 72 tuổi – đã lên cơn đau tim và phải nhập viện. Vấn đề sức khỏe của ông một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về người kế vị tập đoàn.

Người con trai duy nhất của ông là Lee Jae-yong nhiều khả năng sẽ nắm quyền kiểm soát các bộ phận chủ chốt của Samsung và hai người con gái của ông sẽ điều hành các bộ phận nhỏ hơn. Lee Jae-yong, 46 tuổi, gia nhập Samsung Electronics vào năm 2001 và 10 năm sau đó được giao vị trí Phó chủ tịch. Ngoài một số thông tin sơ lược về tiểu sử cá nhân, gần như không có thông tin gì về người con trai này.

Những ai từng gặp Lee Jae-yong đều đánh giá ông dễ gần và khiêm tốn, hoàn toàn không giống với người cha đầy quyền uy. Năm 1995, khi ông Lee Kun-Hee viếng thăm các nhà máy, ông đã đốt và cho xe ủi hàng ngàn chiếc điện thoại di động bị lỗi và các thiết bị khác trước mặt các nhân viên đang khóc ròng.

Trong bối cảnh thế giới thay đổi không ngừng hiện nay, Samsung sẽ phải tìm cách để thích ứng bằng cách tái cấu trúc từ trên xuống dưới.

Nhưng tính cách ôn hòa hơn của người con trai có thể là điều mà Samsung Electronics đang cần đến. Để giữ vị trí nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, Samsung Electronics phải thu hút các tài năng kỹ thuật và tạo sợi dây thân tình với các đối tác.

Lee Jae-yong đã từng đến Thung lũng Silicon để thương thảo với Apple, một khách hàng lớn trong mảng chip của Samsung (cũng là một đối thủ ở mảng smartphone). Và ông đã hòa hợp được với vị CEO có tính khí nóng nảy Steve Jobs. Ông cũng là nhà điều hành duy nhất của Samsung được mời đến dự lễ truy điệu Jobs.

Con đường không bằng phẳng

Dẫu vậy, cuộc kế thừa này dường như sẽ không diễn ra trước khi một thay đổi lớn khác diễn ra. Đó là cải cách cơ cấu sở hữu doanh nghiệp theo kiểu Byzantine của tập đoàn. Chẳng hạn, công ty holding của tập đoàn – vừa đổi tên từ Samsung Everland thành Cheil Industries – sở hữu 19,3% Samsung Life mà Samsung Life lại sở hữu 34,4% Samsung Card. Đến lượt Samsung Card lại sở hữu 5% Cheil.

Cơ cấu sở hữu rắc rối này đã giúp cho dòng họ Lee kiểm soát được tập đoàn, dù nắm chưa tới 2% cổ phần. Thế nhưng, theo Shaun Cochran, một nhà quan sát Samsung nhiều năm thuộc CLSA, vì nhiều lý do khác nhau, cơ cấu này đang được đơn giản hóa. Đó là một lý do Samsung từ chối nói bất cứ điều gì về tái cấu trúc.

Nếu việc chuyển giao quyền lực trở nên chắc chắn, giá cổ phiếu sẽ tăng lên và kết quả là số tiền nộp thuế sẽ cao hơn. Cũng chính vì điều này mà cổ phiếu của một số công ty niêm yết trong tập đoàn đang được giao dịch ở mức thấp. Khi tin về cơn đau tim của ông Lee được tiết lộ, cổ phiếu Samsung Electronics đã tăng lên, chủ yếu là do viễn cảnh tái cấu trúc trong mắt của nhà đầu tư đã trở nên chắc chắn hơn.

Dù không chính thức thừa nhận, nhưng quá trình tái cấu trúc ở Samsung đã thực sự bắt đầu. Đầu tháng 9/2014, Samsung Heavy Industries và Samsung Engineering đã tuyên bố kế hoạch sáp nhập. Sau thương vụ sáp nhập này sẽ là các đợt phát hành IPO của Samsung SDS ( diễn ra vào đầu tháng 11) và của Cheil (dự kiến vào đầu năm tới).

Phần cứng vẫn là trụ cột

Trong bối cảnh đó, sự sa sút của bộ phận smartphone không chỉ làm bốc hơi một khoản lợi nhuận lớn của Samsung Electronics mà còn làm ảnh hưởng cả tập đoàn. Hơn nữa, công ty này cũng là khách hàng lớn nhất của các bộ phận khác trong tập đoàn như sản xuất chip và màn hình.

Samsung Electronics đã chiếm đến 1/3 thị trường smartphone vào năm 2012. Công ty làm được điều này chủ yếu vì nó là một trong những đơn vị đầu tiên dám đặt cược vào hệ điều hành Android của Google và tung ra các thiết bị tương tự iPhone với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, thị phần của Samsung giờ đã giảm còn 25%, theo IDC (Mỹ).

Các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ của Trung Quốc như Xiaomi và Huawei và các thương hiệu châu Âu mới như Wiko và Archos đang “tấn công” thị phần của Samsung ở phân khúc cấp thấp. Còn ở phân khúc cao cấp, Apple đang giành lại được thị phần và dự kiến thị phần sẽ còn tăng lên sau khi tung ra mẫu iPhone mới có màn hình lớn. Nếu cuộc “phản công” chỉ đơn thuần là tạo ra phần cứng tốt hơn, vị thế của Samsung sẽ an toàn. Vì đó là lĩnh vực mà Samsung am hiểu nhất, theo ông Ben Wood, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu CCS Insight.

Kể từ khi tung ra chiếc đồng hồ thông minh Galaxy Gear, Samsung đã ra mắt thêm 5 mẫu mới nữa. Nhưng chính mẫu đồng hồ thông minh lại cho thấy, tại sao Samsung đang gặp rắc rối. Apple Watch, được tung ra cùng thời điểm với chiếc iPhone có màn hình lớn hơn, trông khá giống Galaxy Gear, nhưng nó lại được “tích hợp” trong một hệ sinh thái gồm phần mềm và các dịch vụ như hệ thống thanh toán Apple Pay và các ứng dụng theo dõi sức khỏe. Samsung thì khó mà tạo dựng được một hệ sinh thái như thế. Nó không kiểm soát hệ điều hành Android và nỗ lực lập ra một hệ điều hành di động của riêng mình – Tizen – dường như đã bị gác lại.

Vì thế, cơ hội tốt nhất mà công ty này có được là vẫn phải bám vào các thiết bị (tức phần cứng) và tìm cách tạo ra các thiết bị mà người tiêu dùng yêu thích. Và phải hành động thật nhanh. Số phận của Nokia và BlackBerry đã cho thấy vật đổi sao dời nhanh chóng như thế nào.

Dường như Samsung đang có một kế hoạch khác. Hãng đang đặt cược vào mảng sản xuất chip, vốn có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3/2014. Đầu tháng 10, Samsung tuyên bố sẽ bỏ ra gần 15 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất chip mới ở Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với bộ vi xử lý trong các thiết bị di động. Dù sự sụt giảm ở mảng smartphone chưa phải là mối đe dọa quá lớn đối với Samsung, nhưng sẽ còn phải chờ xem liệu mảng chip có bù đắp được tất cả các khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp này đã đánh mất.

Rõ ràng, Lee Jae-yong với nhiều khả năng là người kế thừa Samsung, sẽ có nhiều việc phải làm. Hiện các nhà quan sát đang tự hỏi liệu ông có thể thực hiện được cuộc tái cấu trúc để thay đổi số phận của Samsung một lần nữa?

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here